Sáng 30/12, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương đã khai mạc.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đến dự hội nghị. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ban, ngành và 63 địa phương trên cả nước.
Kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, hội nghị nhằm thảo luận, phân tích những kết quả đạt được năm 2019, đồng thời chỉ ra những hạn chế, yếu kém; phân tích những cơ hội và khó khăn, thách thức trong năm 2020 cũng như những năm tiếp theo; từ đó đề ra những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để hoàn thành tốt hơn nữa các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 cũng như Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020.
Thủ tướng Chính phủ cũng nêu một số thách thức mà Chính phủ và các địa phương cần giải quyết, đồng thời gợi mở 9 nhóm vấn đề lớn cần tập trung thảo luận, bàn bạc tại hội nghị. Trong đó tập trung bàn về cách làm, phương pháp chỉ đạo, tổ chức thực hiện, làm sao tạo được chuyển biến rõ nét, hiệu quả trong thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp đề ra cho năm 2020.
Cần xác định rõ mục tiêu năm 2020 và hiến kế đưa kế hoạch, mục tiêu về đích sớm, đạt được nhiều thành tích ấn tượng và toàn diện hơn nữa cho năm 2020; tháo gỡ những rào cản về môi trường kinh doanh, sửa đổi ngay những bất cập về cơ chế, chính sách, pháp luật; khơi thông hơn nữa các đột phá chiến lược về thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực; thúc đẩy sự chủ động, quyết liệt, sáng tạo, hành động của các cấp, các ngành trong năm 2020.
Thủ tướng nhấn mạnh, cần phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám quyết định, dám chịu trách nhiệm, kiểm soát, chấm dứt được tình trạng nhũng nhiễu, chi phí không chính thức, “tham nhũng vặt”…; đề xuất các biện pháp chăm lo đời sống, nâng cao hơn nữa động lực làm việc cho cán bộ, công chức.
Báo báo tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định kết quả đạt được năm 2019 là toàn diện và cao hơn, tiến bộ hơn năm 2018. Nổi bật là GDP ước đạt 7,02%, không chỉ nhanh hàng đầu khu vực cũng như trên thế giới mà còn duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát chỉ 2,79%. Cán cân ngân sách tính đến ngày 23/12 là thặng dư; tỷ lệ nợ công giảm từ hơn 64% GDP vài năm trước về còn khoảng 56% GDP.
Quy mô xuất, nhập khẩu hơn 517 tỷ USD, cán cân thương mại hàng hóa đạt thặng dư kỷ lục gần 10 tỷ USD, dự trữ ngoại hối gần 80 tỷ. Triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tạo chuyển biến tích cực trong đổi mới giáo dục và đào tạo; khoa học công nghệ được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia phát triển mạnh.
Bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện rõ rệt; các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng, gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế.
An ninh chính trị được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế đạt được kết quả quan trọng.
Cán bộ, công chức phải "đúng vai, thuộc bài" trong thực hiện nhiệm vụ
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, cùng với việc đánh giá cao sự nỗ lực, phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong năm qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng thẳng thắn nêu một số yếu kém, tồn tại và đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương và các địa phương cần phân tích làm rõ nguyên nhân và rút những bài học kinh nghiệm để khắc phục.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng đặt ra yêu cầu đối với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và chính quyền các cấp cần thể hiện ý chí và khát vọng vươn lên để đảm bảo kết quả đạt được năm 2020 cao hơn và tốt hơn năm 2019.
Muốn đạt kết quả đó cần kế thừa và phát huy thành tựu hơn 30 năm đổi mới và kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Đó là tăng cường đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng, phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan của Chính phủ, giữa các tổ chức, cơ quan trong hệ thống chính trị và giữa Trung ương đến địa phương; đồng thời tranh thủ đầy đủ các ý kiến của các lão thành cách mạng, đội ngũ cán bộ, lãnh đạo đã nghỉ hưu, các chuyên gia và ý kiến của nhân dân... nhằm hướng tới mục tiêu phục vụ cho yêu cầu phát triển chung của đất nước và mỗi địa phương.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, đổi mới lề lối làm việc của các cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật, qua đó đáp ứng yêu cầu “đúng vai, thuộc bài”.
"Đúng vai" là đúng chức năng, nhiệm vụ, đúng vị trí, cương vị công tác; "Thuộc bài" là nắm vững chức năng, nhiệm vụ, luật pháp, cơ chế, chính sách, những quy định chung. "Bất cứ vị trí nào, cứ làm đúng vai, thuộc bài thì ít xảy ra va vấp, sai phạm" - đồng chí Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.