Theo đó, công chức cấp xã phải có trình độ đại học trở lên. Đây là một trong những điểm mới đáng chú ý nhất của Thông tư 13/2019 so với các quy định trước đây. Nếu như tại Điều 2 - Thông tư 06/2012/TT-BNV, yêu cầu về trình độ chuyên môn với công chức xã chỉ là tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp trở lên của ngành đào tạo phù hợp chức danh đảm nhiệm. Bắt đầu từ 25/12/2019, công chức cấp xã phải tốt nghiệp đại học trở lên.
Như vậy, có thể thấy, xác định trình độ chuyên môn nghiệp vụ phải tốt nghiệp đại học trở lên là một bước ngoặt quan trọng trong việc nâng cao trình độ của đội ngũ công chức cấp xã cũng như đảm bảo lựa chọn được những người có năng lực, trình độ phù hợp vị trí công tác. Thông tư mới cũng yêu cầu trình độ tin học của công chức xã phải đáp ứng theo chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản tại Thông tư 03/2014/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Thông tư 13 của Bộ Nội vụ cũng quy định công chức cấp xã phải đáp ứng các điều kiện như: Đủ 18 tuổi trở lên; Tốt nghiệp trung học phổ thông; Hiểu biết về lý luận chính trị, nắm vững quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước... UBND cấp tỉnh sẽ căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương để quyết định ngành đào tạo trong từng kỳ tuyển dụng, yêu cầu tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ... Những tiêu chuẩn này sẽ được áp dụng từ 25/12/2019. Những công chức cấp xã đã được tuyển dụng trước ngày này có thể sẽ không đáp ứng điều kiện nêu trên.
Một điểm mới nữa của Thông tư 13 của Bộ Nội vụ là 3/5 chức danh công chức cấp xã được bố trí 2 người đảm nhiệm. Theo đó, Điều 9 Thông tư này quy định, mỗi chức danh công chức cấp xã được bố trí ít nhất 1 người. Tuy nhiên, UBND cấp tỉnh có thể bố trí tăng thêm người ở một số chức danh công chức xã phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của từng xã, phường, thị trấn (không áp dụng với chức danh Trưởng Công an xã và Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã).
Đồng thời, việc bố trí công chức xã vẫn phải đáp ứng yêu cầu về số lượng cán bộ, công chức cấp xã (quy định tại Điều 4, Nghị định 29/2009/NĐ-CP sửa đổi năm 2019). Đó là đối với xã loại 1 tối đa không quá 23 người; xã loại 2 tối đa không quá 21 người; xã loại 3 tối đa không quá 19 người. Và theo quy định mới của Thông tư 13, có tới 5 chức danh công chức xã có thể bố trí từ 1 người trở lên gồm: Văn phòng - Thống kê; Tài chính - kế toán; Tư pháp - hộ tịch; Văn hóa - xã hội; Địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc công chức địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường (đối với xã). Những chức danh có từ 2 người đảm nhiệm, khi tuyển dụng, ghi hồ sơ lý lịch và sổ bảo hiểm xã hội phải thống nhất đúng tên gọi của chức danh đó.
Các hướng giải quyết đối với cán bộ, công chức cấp xã dôi dư, vượt quá số lượng theo quy định (Nghị định 34/2019/NĐ-CP) sẽ thực hiện tinh giản biên chế theo các quy định hiện hành; giải quyết chế độ thôi việc theo Luật Cán bộ, công chức; Giải quyết cho nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ công tác chờ đủ tuổi nghỉ hưu; Điều chuyển, bổ sung cho các xã, phường, thị trấn thuộc địa bàn cấp huyện hoặc cấp huyện khác thuộc tỉnh…