(Baonghean) - Là sự kiện thường niên, nhưng cũng như bao giờ, những người làm báo trên quê hương Bác Hồ đều một niềm xúc động, tự hào khôn tả khi hội tụ về đây ngày 18/6/2015, hòa vào không khí Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 2015) và trao Giải Báo chí Nghệ An năm 2014 do UBND tỉnh Nghệ An tổ chức…; để thêm một lần nhận về sự tôn vinh của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh nhà và xốc lại tinh thần trách nhiệm, tâm huyết với nghề, đồng hành với từng bước đi lên của quê hương, đất nước...
 
Phát huy truyền thống, lửa nghề
 
Vâng, sự kiện có nhân lên niềm vui đặc biệt, vì đây là ngày hội ngộ dịp tròn 90 năm ngày nền báo chí cách mạng nước nhà ra đời. Những người làm báo tỉnh nhà về đây trên Thành phố Đỏ, gặp nhau ai cũng quý cũng mừng, thăm nhau bằng cái bắt tay thật chặt, chúc mừng đồng nghiệp những lời tốt đẹp nhất. Những nụ cười, niềm vui lấp lánh trên mỗi khuôn mặt hôm nay, là kết quả từ bao trăn trở nghề hầu khát khao đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và tỉnh nhà. 
 
images1180212_a55.jpgCác tác giả, nhóm tác giả đạt giải Nhất, Giải Báo chí Nghệ An 2014. Ảnh: Trần Hải
 
Người làm báo trên quê hương Bác Hồ thật tự hào khi Nghệ An đã, đang là 1 trong 4 trung tâm báo chí lớn nhất của cả nước, với sự hiện diện của 49 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, 20 đài truyền thanh - truyền hình cấp huyện cùng gần 300 nhà báo…Sự đóng góp  của báo chí vào mọi mặt của đời sống, vào sự nghiệp phát triển chung luôn được ghi nhận, tôn vinh, như phát biểu của đồng chí Đinh Thị Lệ Thanh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà đồng cảm, sẻ chia, tâm tình cùng những người làm báo có mặt ở buổi lễ: Bằng nỗ lực không biết mệt mỏi, không tiếc công sức, trí tuệ, mồ hôi và cả nước mắt, có lúc còn bị đe dọa cả tính mạng, các nhà báo ở Nghệ An đã nắm chắc đường lối, phát luật, chủ trương, bám sát thực tiễn đi đầu trong công tác tuyên truyền, góp phần tích cực vào việc đưa Nghệ An thoát khỏi tỉnh nghèo, vươn lên trong hội nhập và phát triển. Báo chí thực sự là cánh tay nối dài đắc lực của Đảng, Nhà nước các cấp và luôn khẳng định được vai trò, nhiệm vụ là tiếng nói của Đảng, chính quyền và nhân dân...
 
Lễ trao Giải Báo chí Nghệ An cho các tác giả cùng các tác phẩm đoạt giải năm 2014 là một phần chương trình “tâm điểm” được chờ đợi. Mà như “cánh” báo chí nói vui với nhau thì đây chính là “những khoảnh khắc nhẹ nhõm, dễ chịu, ít áp lực trong nghề”. Nhưng, để có được khoảnh khắc tôn vinh này, người làm báo đã phải vất vả bám sát ở tất cả những điểm “nóng”, những vùng khó khăn, gian khổ, thiên tai bão lũ, dịch bệnh với bao  hiểm nguy khó lường.
 
Giải Báo chí Nghệ An năm nay được trao cho 30 tác phẩm, tác giả. Cả 30 tác phẩm này đều bám sát đời sống chính trị, hiện thực cuộc sống, phản ánh khá đa dạng các mảng đề tài như công tác xây dựng Đảng, những điển hình “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, nhân tố mới người tốt, việc tốt, các vấn đề về nông nghiệp, nông thôn và nông dân… và đấu tranh với những “mảng tối”, tiêu cực trong cuộc sống; mà như đánh giá của ban tổ chức giải, là tất cả đều được phản ánh chân thực khách quan, dưới góc nhìn sắc bén, tính xây dựng và chiến đấu mạnh mẽ của báo chí, từ đó tính định hướng, tính phản biện của báo chí đã được phát huy hiệu quả... 
 
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tặng Bằng khen của Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam cho 6 cá nhân có thành tích xuất sắc trong năm 2014.
 
Trong những tác giả đạt giải có những gương mặt  đoạt giải trong các mùa trước như các nhà báo Khánh Ly, Đức Chuyên (Báo Nghệ An) hay Khánh Ly, Trường Ca (Đài PTTH Nghệ An)... Nhà báo Trường Ca chia sẻ: Làm báo đã khó nhưng để đạt các giải thưởng càng khó khăn hơn. Khi làm tôi không xác định để dự giải mà làm với tất cả tinh thần yêu nghề, tận tụy với công việc. Tôi luôn muốn phản ánh về những điều tốt đẹp của cuộc sống, của con người chứ không nhấn mạnh cái tiêu cực. Nhưng vì lẽ, trong cuộc sống, trong xã hội của chúng ta không phải cái gì cũng tốt đẹp và nhiều lúc chúng ta cũng phải nói những điều tiêu cực, những cái xấu để cuộc sống tốt đẹp hơn; người làm báo phải có trách nhiệm phản ánh cái chưa tốt, chưa hay… Giải thưởng là sự động viên để tôi thêm phấn đấu rèn luyện, nâng cao trình độ mọi mặt, phục vụ tốt hơn cho đất nước, tỉnh nhà, cho công chúng.
 
Nhà báo Vân Anh, Đài PTTH Nghệ An, tác giả tác phẩm “Rút ruột xăng dầu” giải Nhất Giải Báo chí tỉnh  - giải C Giải Báo chí Quốc gia năm 2014 cho hay: “Chúng tôi đã quyết định vào cuộc để vạch trần những thủ đoạn rút ruột xăng dầu. Thực hiện phóng sự này, chúng tôi mất 2 tháng cả tiền trạm, theo dõi và quay. Không ít lần, chúng tôi bị các chủ đầu nậu đe dọa: “Chú có muốn thân thể chú bình thường không?” cũng truy đuổi để hành hung. Phóng sự hoàn thành phát sóng, gây được hiệu ứng tích cực trong dư luận nhân dân. Một số lái xe và đầu nậu đã bị bắt giữ, xử lý theo pháp luật. Hơn ai hết, những người làm báo chúng tôi cảm thấy sung sướng vì đã đóng góp một phần để xây dựng xã hội tốt đẹp hơn”.
 
Khi người trẻ được thể hiện tâm huyết, trách nhiệm 
 
Ở giải năm nay, có sự xuất hiện nhiều gương mặt trẻ về tuổi đời, tuổi nghề nhưng rất đỗi tâm huyết, đó là các phóng viên như Hoa Mơ, Nguyễn Hưng, Khánh Ly, Như Phong (Đài PTTH tỉnh); Xuân Thống (Báo công an Nghệ An)... Và các tác giả đạt giải cao lần này có các nữ tác giả như Nguyễn Thanh Nga (Chuyên đề Giải phóng mặt bằng Quốc lộ 1A - giải Nhất) và Lê Thục Anh (Chuyên đề Từ đồng cỏ xanh đến ly sữa sạch - giải Nhì; 5 năm nhìn lại việc thực hiện Nghị quyết 30a - giải Ba) sớm khẳng định sự đam mê, chững chạc trong nghề và nghiêm túc làm nghề; đồng thời cho thấy một sự tiếp nối thế hệ đáng ghi nhận khi một người là con của nguyên Tổng Biên tập và một người là con của Tổng Biên tập đương nhiệm của Báo Nghệ An. Với họ, thành tích này chính là bước khởi đầu tích cực, xứng đáng và đầy hứa hẹn cho khát vọng gắn bó với nghề báo quyết tâm. Phóng viên Lê Thục Anh - hiện đang công tác tại phòng Thời sự - Quốc tế, Báo Nghệ An chia sẻ: “Điều có ý nghĩa nhất với tôi khi làm báo, không chỉ là được làm công việc mà mình thích, phù hợp với khả năng của mình. Toà soạn báo và những đồng nghiệp vốn dĩ đã rất thân thuộc với tôi từ khi còn là đứa trẻ theo mẹ đến cơ quan sau mỗi buổi tan trường. Đến tận bây giờ, không ít cô, chú ở các đài, báo nhận ra và nhắc lại những kỷ niệm khi tôi còn là nhân vật của những bài báo, phóng sự mà họ là tác giả, còn nay chúng tôi lại gặp nhau, nhưng với tư cách đồng nghiệp trong nghề. Đó cũng chính là điều mà tôi tự hào, là động lực để tôi không ngừng phấn đấu, rèn luyện và hoàn thiện bản thân hơn nữa, để xứng đáng với những yêu thương mà tôi nhận được. Tôi nghĩ rằng sự bồi đắp nhiệt huyết, cổ vũ ý chí bằng yêu thương chính là tiếng gọi tha thiết, nhân văn nhất mà quê hương có thể dành cho những người con phương xa nói chung và những người trẻ nói riêng. Đó cũng là cách để chúng ta xây dựng nên con đường sự nghiệp vắt từ thế hệ này sang thế hệ khác, trải dài mãi đến mai sau”. 
 
Trước vấn đề bức xúc của cuộc sống, những người làm báo trẻ tuổi nói riêng và người làm báo ở Nghệ An nói chung bằng trí tuệ, nhiệt huyết và trăn trở với nghề, đã dày công điều tra, tìm hiểu sự thật và đưa ra những đánh giá, hướng giải quyết thuyết phục; giúp khán, thính, độc giả có cái nhìn toàn diện về bức tranh của xã hội hiện đại… Các nhà báo trẻ đã và đang hoạt động năng nổ, bám sát đời sống để cố gắng nói lên tiếng nói của quần chúng nhân dân. Họ đã và đang lao động bằng cái cảm thật sự của người phóng viên, bằng nỗi trăn trở của toàn xã hội. Những người làm báo Nghệ An trên quê hương Bác Hồ càng tự hào hơn khi bề dày truyền thống làm báo cách mạng của thế hệ đi trước đã được tiếp nối..
 
Tâm tình với đồng nghiệp, nhà báo “lão làng” Việt Long chia sẻ kinh nghiệm: Người làm báo như là trinh sát của cuộc sống, phải bám vào thực tế cuộc sống của người dân; luôn đề cao tính trung thực, cái tâm trong sáng và trách nhiệm đối với nghề và phải là con ong cần mẫn, chăm chỉ, phải lăn lộn với cuộc sống, trải nghiệm rồi hãy viết, xâm nhập sâu vào đời sống xã hội để “đãi cát tìm vàng”… Trăn trở với từng trang viết, trăn trở với cuộc đời; trăn trở để tìm tòi, sáng tạo, phát huy với mục đích viết cho hay, cho đúng và hấp dẫn đối với khán - thính - độc giả. Điều đó đòi hỏi người làm báo càng phải có cái tâm và cái tầm. Để vượt qua vất vả, khó khăn và nhiều khi là những nguy hiểm trong nghề, người làm báo phải có niềm tin, bản lĩnh, lấy ngòi bút phản ánh chân thực muôn mặt đời sống với tinh thần xây dựng cao. Ấy là “chống” để mà xây; “xây” thật tốt để “chống” – chính là tư tưởng để người làm báo trên quê hương Bác Hồ tiếp tục phát huy lòng yêu nghề, bút sắc, tâm sáng, say mê nghề nghiệp để có được nhiều tác phẩm báo chí phục vụ đắc lực, có hiệu quả hơn cho sự nghiệp đổi mới của đất nước, quê hương.
 
Nhóm P.V