(Baonghean) - Ngày nay, cùng với sự phát triển của công nghệ và các loại thiết bị truyền tải dữ liệu, việc tiếp cận thông tin của công chúng đã trở nên hết sức thuận lợi, dễ dàng. Nhưng, ở đâu đó vẫn còn những người cần mẫn lội suối, băng rừng, mang thông tin mới đến với những bản làng heo hút, mờ sương...

Vượt dốc Bù Lìu
 
Trong những ngày nắng nóng như đổ lửa, đất trời miền Tây xứ Nghệ như một “chảo lửa” khổng lồ, chúng tôi ngược rừng lên xã Bình Chuẩn (Con Cuông) để tìm gặp một người khá đặc biệt- ông Kha Văn Là. Nói là đặc biệt vì người đàn ông này đã gắn bó với công việc của một bưu tá gần 30 năm nay, một công việc thực sự vất vả, khó nhọc nơi vùng đất cheo leo, heo hút này. Vượt dốc Bù Lìu tìm đến Bình Chuẩn đã khó, đến Bình Chuẩn rồi để gặp được ông Kha Văn Là cũng không phải việc dễ dàng. Bởi lẽ, suốt ngày ông cưỡi “ngựa sắt”, lúc ra xã Mậu Đức nhận thư- báo, lúc lại rong ruổi khắp các bản làng để làm nhiệm vụ.
 
Phải chờ đến lúc mặt trời gần đứng bóng, cái nóng đã bớt gay gắt, chúng tôi mới gặp được ông ở đầu bản Tông, khi ấy chồng báo sau khe cũng đã được phát gần hết. Mặt đỏ như quả gấc chín, mồ hôi nhễ nhại, ông Kha Văn Là tỏ ra bất ngờ khi có người từ dưới xuôi lên hỏi chuyện về công việc của mình. “Công việc của tôi có gì hay lắm đâu mà tìm hiểu? Gần 30 năm rồi, tôi cứ ra nhận báo, nhận thư rồi về phát theo từng địa chỉ. Trước đây đi bằng xe đạp, rồi chuyển sang xe máy, trời mưa thì cuốc bộ...”- ông Là vào chuyện một cách khá tự nhiên.
 
images1179837_dsc_2.jpgHàng ngày, ông Kha Văn Là (phải) - bưu tá xã Bình Chuẩn (Con Cuông) đưa báo về từng bản.
Người đưa báo ở xã Bình Chuẩn năm nay sang tuổi 51, ông bắt đầu gắn bó với công việc này từ thời trai trẻ. Hồi ấy, đang tham gia hoạt động Đoàn Thanh niên, rất ham thích đọc báo, xã lại đang thiếu một người đưa báo về các bản làng, vậy là ông Kha Văn Là tự nguyện xin nhận làm công việc ấy. Hàng ngày chỉ việc đến trụ sở UBND xã nhận thư- báo, rồi  đi phát ở các bản, một công việc không quá nhọc nhằn. Nhưng vài năm sau, tức là vào khoảng năm 1987, Kha Văn Là được giao thêm nhiệm vụ ra nhận thư- báo ở xã Đôn Phục rồi về tiếp tục đi phát tận các bản. Lúc này không thể không đắn đo, suy nghĩ. Bởi nơi cheo leo, heo hút này, núi rừng hiểm trở, đường đi chỉ là những lối mòn, khe suối chằng chịt và chảy xiết, ra Đôn Phục nhận báo là công việc hết sức gian nan, vất vả, không ai muốn làm. Nhưng đã mấy năm gắn bó, Kha Văn Là đã kịp hiểu rằng bà con người Thái ở Bình Chuẩn rất “khát” thông tin, mỗi khi được cầm trên tay một bức thư, một tờ báo mới là ánh mắt rực lên, nét mặt chứa chan niềm vui sướng và hạnh phúc. Vì thế, ông không đành bỏ công việc mình đã gắn bó, cho dù nó sẽ hết sức vất vả, khó nhọc, thậm chí có lúc còn gặp hiểm nguy. 
 
Bình Chuẩn cách trung tâm huyện gần 40km, gần như tách biệt với các xã khác của Con Cuông. Đây là địa bàn giáp ranh giữa các huyện Con Cuông, Tương Dương và Qùy Hợp. Nằm xa trung tâm, xung quanh là núi rừng và khe suối bao bọc nên mỗi khi nhắc đến Bình Chuẩn thường gợi lên sự xa xôi, cách trở và gian nan. Nói như vậy để thấy việc Kha Văn Là nhận làm bưu tá chính của xã là một quyết định dũng cảm, vì rất ít người dám làm hoặc chỉ làm được trong một thời gian ngắn. Bình Chuẩn và Đôn Phục cách nhau dãy Bù Lìu, cái ranh giới tự nhiên ấy luôn thử thách sự kiên trì và bản lĩnh của những người thường xuyên qua lại nơi đây. Đó là những con dốc dựng đứng, quanh co và dài hun hút; là những con suối cuộn chảy, sôi réo trong những ngày mưa. Mấy năm lên xuống Bù Lìu bằng đôi chân cuốc bộ, Kha Văn Là quyết tâm sắm chiếc Min- khơ để việc đi lại được nhanh hơn, đảm bảo việc đưa báo, đưa thư và công văn được kịp thời. Ngày nắng ráo, chiếc Min- khơ thực sự là người bạn, nó giúp ông Là leo dốc, vượt suối dễ dàng, công việc cũng trở nên nhẹ nhàng và thuận lợi hơn. Nhưng vào ngày mưa, con đường mòn trơn như rải mỡ, đất đá hai bên sạt xuống chắn đường, khe suối dâng cao thách thức, chủ nhân đành nép chiếc xe bên đường rồi cuốc bộ. Ông Là không thể quên những lần nước khe Ò dâng cao, trên đường về Bình Chuẩn phải nhờ bè nứa của dân bản để vượt qua. Đến giữa dòng, chiếc bè chòng chành, chao đảo và hất tung chiếc xe máy xuống dòng nước đang cuộn xiết. Toàn bộ báo và các loại giấy tờ bị nước cuốn trôi, ông Là chỉ biết đứng nhìn và rơi nước mắt. Mấy ngày sau, chờ lúc nước rút mới tìm được chiếc xe mang đi sửa, rồi phải đến từng đơn vị, từng gia đình để xin lỗi vì đã làm mất hết báo và thư từ. 
 
Ngày nay, tuyến đường từ trung tâm huyện đi Bình Chuẩn đã được nâng cấp, nhiều đoạn đã được rải nhựa nên đã “gần” hơn, con dốc cũng không còn cao như trước, việc đi lại có phần dễ dàng và thuận lợi hơn. Nhưng vào ngày mưa, tuyến đường này vẫn là một thử thách, đặc biệt là những đoạn còn thi công dang dở hàng mấy năm trời. Đã qua tuổi 50, ông Kha Văn Là vẫn cần mẫn vượt Bù Lìu để mang về những thông tin mới. Tính từ khi vào nghề đến nay, ông đã thay xe máy đến 4 lần. Xem ra, ông vẫn còn khá sung sức và đầy tâm huyết với công việc vất vả, khó nhọc này. 
 
Cưỡi thuyền về bản
 
Một lần, ngồi thuyền máy ngược lòng hồ thủy điện Bản Vẽ để lên xã Hữu Khuông (Tương Dương), tình cờ chúng tôi gặp một nam thanh niên đứng chờ ở ngã ba Xiềng Lằm. Người thanh niên ấy là Lô Văn Bốn (SN 1985) - bưu tá xã Hữu Khuông, anh ra tận đây để nhận thư, báo gửi lên từ Thị trấn Hòa Bình. Trong khoảng thời gian hơn 30 phút làm bạn đồng hành trên chiếc thuyền nhỏ về bản Con Phen, qua trò chuyện chúng tôi hiểu được phần nào công việc của anh. Lô Văn Bốn không phải sinh ra và lớn lên ở Hữu Khuông, anh quê ở xã Tam Quang (cùng huyện Tương Dương), một lần theo bạn bè lên chơi rồi bén duyên với cô gái vùng sông nước này.
 
Vậy là, từ đó cuộc đời của Bốn gắn bó với vùng lòng hồ Bản Vẽ, quen thuộc với từng lối mòn, lạch nước. Năm 2009, khi vừa mới tái lập xã Hữu Khuông trên cơ sở các bản di vén ở vùng lòng hồ thủy điện, Lô Văn Bốn nhận làm bưu tá. Điều này đồng nghĩa với việc chấp nhận khó khăn, gian khổ, bởi 7 bản của Hữu Khuông nằm rải rác khắp vùng, chỉ có cách đi thuyền và đi bộ. Có những bản phải cuốc bộ hơn nửa ngày đường như Chà Lâng, Huồi Cọ; có những bản vừa phải đi thuyền, vừa cuốc bộ như bản Xàn, Con Phen, Tủng Hốc, Pủng Bón. Tất cả đều gợi lên vẻ hoang vu, mịt mùng và đầy sự thách thức. Biết trước được bao nỗi vất vả đang đợi chờ, Bốn vẫn quyết định thử sức mình, vì theo anh, công việc ấy không chỉ đem đến niềm vui cho bà con dân bản mà bản thân mình cũng có dịp được giao lưu, hiểu thêm về cuộc sống và được mở rộng tầm nhìn. 
 
Đã 6 năm nay, mỗi tuần 3 lần, Lô Văn Bốn ra ngã ba Xiềng Lằm đón thuyền lên để nhận thư và báo, rồi bắt đầu hành trình đến các bản để phát cho bí thư, trưởng bản và những người có uy tín trong cộng đồng. Thời điểm này, mực nước lòng hồ xuống thấp, trơ lại những bãi bùn sâu, thuyền không thể ra vào vùng trung tâm xã. Để ra đến ngã ba Xiềng Lằm, Bốn phải lội bùn 2-3 cây số, mất gần 2 giờ đồng hồ, cả đi và về mất đúng nửa ngày. Để phân phát hết số thư, báo đã nhận, có khi mất hết cả tuần, gần như không có ngày nào nghỉ. 6 năm là quãng thời gian chưa dài nhưng Bốn có khá nhiều kỷ niệm, đó chính là nguồn động lực giúp anh vượt qua những thử thách trên con đường đưa thông tin về với bà con các bản làng.
 
Một lần, vào bản Tủng Hốc, giữa đường gặp một cơn lốc lớn, gió thốc từng đợt, cây cối đổ rạp, mưa xối xả vào mặt, Lô Văn Bốn không tránh khỏi lo âu. Nhưng là một người sinh ra ở miệt rừng, anh kịp thời lấy lại được bình tĩnh và biết phải làm gì trong tình huống ấy. Tước tiên, khi mây đang vần vũ, Bốn buộc chặt gói báo vào túi ni lông rồi cho vào trong một hốc cây lớn, phòng trường hợp bị gió cuốn hoặc nước đẩy trôi. Còn anh tìm một gốc cây vừa tầm ôm, đứng sát bên cạnh để không bị gió quật. Cơn lốc cuốn qua chừng 10 phút rồi trở lại bình thường, Bốn lại hốc cây mở gói báo và thực sự vui mừng vì nước mưa không thể thấm vào, không có tờ báo nào bị ướt. Bốn tiếp tục lên đường, phía trước là bản Tủng Hốc sương chiều đang giăng mờ mịt... 
 
Bốn nhớ nhất là những lần lên bản Chà Lâng, nơi sinh sống của bà con người Mông, nơi có những mái nhà lợp sa mu quanh năm ngập chìm trong sương mù. Đến đây, bà con ai cũng vui, ai cũng xem Bốn là khách quý của gia đình mình. Bốn mở gói báo ra phát, từ người già, trung niên và trẻ em ùa lại mở xem. Lần nào cũng có người nói: “Để xem thằng Bốn nó mang cái báo mới lên có tin gì mới nào”. Mỗi lần đưa báo đến nhà Thào Nênh Thông- Bí thư chi bộ bản, Bốn thường được ông Nênh Thông động viên: “Cố gắng đưa báo lên cho đều nhé, cái chân của anh đã cứng rồi đó, cái đầu của anh đã thông thuộc đường lên bản. Người Mông ở Chà Lâng khát thông tin lắm, may mà có cái báo của anh đưa lên...”. 
 
Trong những chuyến ngược rừng lên miền Tây, chúng tôi còn được gặp biết bao người ngày đêm âm thầm chuyển những tờ báo, cánh thư lên bản làng xa xôi. Đó là Vi Chiến Thắng, được xem là người đi bộ nhiều nhất xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn), bởi tuần nào anh cũng băng rừng lên bản Nhọt Lợt, Piêng Pèn, Phà Chiếng để chuyển báo đến với bà con dân bản. Để đến được những nơi này, không có cách nào khác là phải lội bộ băng rừng, qua những con đường “dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm”. Lại có những bản phải đi thuyền, vượt những con thác hiểm trở trên dòng Nậm Nơn như Cha Nga, Xốp Dương, Xằng Trên, Xằng Dưới. Vậy mà gần như tuần nào Vi Chiến Thắng cũng có mặt ở khắp các bản trong xã, vai mang túi, lưng gùi gói báo, mang thông tin của Đảng và Nhà nước đến với bà con ở các bản làng heo hút, xa xôi. Và còn biết bao nhiêu người nữa đang âm thầm, lặng lẽ thực hiện công việc đưa báo chí, thông tin về với bản làng. Với họ, bưu tá không chỉ là một nghề kiếm sống, mà vượt lên tất cả là sự tâm huyết và trách nhiệm với công việc, với cuộc sống cộng đồng. Bởi nguồn phụ cấp dành cho họ chưa đầy 1,5 triệu đồng/tháng, may chăng vừa đủ kinh phí đi lại, việc tích lũy gần như không thể. 
 
Là những người làm báo, chúng tôi luôn trân trọng và ghi nhớ công sức của những bưu tá ở cơ sở đã đưa những ấn phẩm báo chí về tận các bản làng. Nhờ họ, những tác phẩm được viết ra mới đến được tận tay bạn đọc ở những vùng miền xa xôi, để nguồn thông tin càng thêm lan tỏa...
 
Công Kiên