Hội thảo "Phan Bội Châu với xứ Nghệ, xứ Nghệ với Phan Bội Châu" vừa diễn ra tại TP Vinh với hơn 30 báo cáo khoa học. Đó thật sự là những công trình khoa học được nghiên cứu, công phu và đầy tâm huyết. Nó thể hiện lòng ngưỡng mộ, kính trọng đối với một danh nhân xứ Nghệ, đồng thời mở ra những cách nhìn mới về một nhân vật lịch sử. Chúng tôi đã gặp gỡ và trao đổi với một số nhà nghiên cứu chuyên sâu về Phan Bội Châu.
GS Phong Lê (Nguyên Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam)
GS Phong Lê: Chỉ khi trưởng thành, tôi mới được học, được biết nhiều về cụ Phan Bội Châu với niềm tự hào và lòng thành kính. Cụ là một đại diện kiệt xuất của người dân xứ Nghệ, một người "rất Nghệ" nhưng "rất Việt Nam" và tân tiến với tư duy xuất dương, hội nhập. Con người Phan Bội Châu hội tụ tinh hoa phẩm chất người Nghệ: Kiên cường, bất khuất, thông minh, chịu thương chịu khó và biết khắc phục những hạn chế cố hữu trong tính cách người Nghệ: Gàn dở, ngang bướng, bảo thủ. Cụ Phan còn là người biết nhìn xa trông rộng, biết dựa vào dân, lấy dân làm gốc. Là người Việt Nam ai cũng tự hào, nể phục một con người như vậy.
PV: Nguyên là Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam, ông đánh giá như thế nào về Phan Bội Châu ở góc độ một nhà văn?
GS Phong Lê: Nghiên cứu Phan Bội Châu ở góc độ một nhà văn, phải lưu ý rằng văn chương Phan Bội Châu gắn với tư tưởng yêu nước, gắn với sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp cứu nước. Các tác phẩm thơ văn của Phan Bội Châu là những lời hịch, lời kêu gọi lòng yêu nước của quốc dân đồng bào. Thơ văn Cụ Phan là con người, phẩm chất khí tiết của Cụ. Bên cạnh đó, ta có thể thấy thấm đẫm tinh thần nhân văn trong những tác phẩm cụ viết. Đúng như trong diễn văn đón chào Cụ Phan trở về quê nhà của đồng bào xứ Nghệ (1926): "Hai chục năm thừa đi ra ngoại quốc, lấy bút làm chuông, lấy nghiên làm mõ, đánh thức quốc dân trong cơn mê mẩn mấy trăm năm, cái nhiệt huyết, cái khổ tâm không giấy mực nào tả cho xiết được..."
PGS Chương Thâu (Viện Sử học Việt Nam)
PGS Chương Thâu: Từ thời niên thiếu, tôi đã biết đến một ông Giải San. Thời trung học, tôi đã đọc và yêu thích nhiều tác phẩm của Cụ Phan, tiêu biểu là "Ngục trung thư". Sau khi xong phổ thông, du học ở Trung Quốc, tôi vẫn để tâm tìm hiểu về Phan Bội Châu qua báo chí Trung Quốc nói về phong trào yêu nước của Việt Nam. Năm 1956, tôi về nước và có may mắn được làm việc bên cạnh những giáo sư nổi tiếng, những người thầy rất đáng kính: Đặng Thai Mai, Trần Văn Giàu... Các thầy đã khuyên tôi: Là người xứ Nghệ, anh hãy nghiên cứu về Phan Bội Châu, coi đó như là một sứ mệnh lịch sử. Từ đây, tôi càng ý thức sâu sắc hơn công việc của mình. Chính những người thầy ấy đã góp phần định hướng tôi theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu đầy duyên nợ về một nhân vật mà tôi hằng kính yêu, ngưỡng mộ.
P.V: Hẳn rằng ông đã có không ít những kỉ niệm vui, buồn để có thể làm nên " Toàn tập Phan Bội Châu" với 13 nghìn trang sách?
PGS Chương Thâu: Những kỉ niệm trong sự nghiệp nghiên cứu về Cụ Phan có thể kể trong nhiều ngày, tháng. Đã có những khi tôi thấy mình đơn độc, có những giai đoạn người ta nhìn nhận cụ khác đi... Gần nửa thế kỉ qua, có những khi tôi phải bán nhẫn cưới để đánh máy tài liệu, có bao lần tôi ngồi trong hầm trú ẩn trong tiếng dội của bom Mỹ để kê lên đầu gối viết hàng nghìn trang giấy. Rồi cũng với một cây bút chì và những tờ giấy trắng, tôi đến Pháp, đến Trung Hoa để chép ra những gì liên quan đến cụ Phan bằng chữ nước họ.
Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Đình Chú (Đại học Quốc gia Hà Nội)
GS Nguyễn Đình Chú: Theo tôi, ở Phan Bội Châu còn nhiều điểm cần phải tiếp tục làm sáng rõ, nhất là những vấn đề về chủ trương bạo động để cứu nước cho đúng với thực tiễn hoạt động cách mạng của Cụ, không nên đơn giản hoá như hiện nay; thứ hai là việc Cụ đi Nhật, tiến hành Đông Du đang có những nhìn nhận phiến diện; thứ ba, chủ trương Pháp- Việt đề huề. Bên cạnh đó cũng cần nhấn mạnh hơn về Cụ Phan với tư cách nhà văn hoá bên cạnh tư cách nhà cách mạng vì ở Phan Bội Châu hội tụ đầy đủ phẩm chất, khí tiết của nhà nho, nhà chính trị, nhà văn, là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa hai con người danh nhân văn hoá và danh nhân lịch sử...
PV: Vậy theo GS, ngày nay, chúng ta cần nhìn nhận và "ứng xử" như thế nào với Cụ Phan?
GS Nguyễn Đình Chú: Như tôi đã trình bày ở trên, Phan Bội Châu là một Nhà đại ái quốc, một người con ưu tú của quê hương xứ Nghệ nói riêng và của Việt Nam nói chung do vậy, chúng ta cần tôn vinh Cụ đúng tầm. Mà trước tiên là việc hoàn thành khu lưu niệm Phan Bội Châu ở Nam Đàn, nhà trưng bày hiện vật Phan Bội Châu... đó không đơn thuần phục vụ du lịch mà quan trọng hơn là để giáo dục tư tưởng, truyền thống yêu nước, xây dựng lòng tự hào, tự tôn dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay... Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc học tập, nghiên cứu về Phan Bội Châu, góp phần vinh danh một con người ưu tú. Là một người con xứ Nghệ, cũng là một người suốt đời đeo đuổi nghiên cứu văn thơ và sự nghiệp cách mạng của Phan Bội Châu, tôi mong rằng sau Hội thảo này, sẽ có sự chuyển biến trong cách "ứng xử" của chúng ta đối với bậc tiền bối như Cụ...