Đó là nhận định chung của các đại biểu tại Hội thảo khoa học “Đồng chí Trần Quốc Hoàn với cách mạng Việt Nam và quê hương Nghệ An”, tổ chức tại TP. Vinh vào sáng 28/10.
Tham dự hội thảo, về phía Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có các đồng chí: PGS.TS Trần Minh Trưởng - Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng; PGS.TS Lê Văn Lợi - Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học; PGS.TS Nguyễn Danh Tiên - Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng. Cùng dự có Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái - Tổng Biên tập Tạp chí Công an nhân dân; PGS.TS Vũ Hoàng Công - Tổng biên tập Tạp chí Lý luận chính trị.
Về phía tỉnh Nghệ An có đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cùng đại diện các sở, ban, ngành liên quan.
Đồng chí Trần Quốc Hoàn tên thật là Nguyễn Trọng Cảnh (1916 - 1986), sinh ra ở làng Dương Liễu, tổng Nam Kim, nay là xã Nam Trung, huyện Nam Đàn. Sinh ra từ một vùng quê có truyền thống yêu nước và cách mạng, đồng chí Trần Quốc Hoàn sớm được giác ngộ cách mạng.
Từ một thanh niên yêu nước, đồng chí nhanh chóng trưởng thành và được Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng giao nhiều trọng trách quan trọng. Hơn 30 năm là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, hơn 20 năm trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị và 28 năm đứng đầu lực lượng Công an nhân dân, đồng chí luôn đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng và dân tộc lên trên hết.
Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nhấn mạnh: Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Trần Quốc Hoàn là quá trình tiếp nối truyền thống yêu nước của quê hương, dân tộc và là sự đấu tranh bền bỉ, liên tục của người chiến sĩ cộng sản kiên trung, hết mình vì dân, vì nước.
Hội thảo khoa học là một trong những hoạt động có ý nghĩa tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn; đồng thời làm rõ thêm tiểu sử, thân thế, sự nghiệp của đồng chí Trần Quốc Hoàn.
PGS.TS Trần Minh Trưởng - Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng đã có bài phát biểu đề dẫn hội thảo. Bên cạnh những đánh giá chung, PGS.TS Trần Minh Trưởng còn bày tỏ mong muốn nhận được ý kiến chia sẻ, trao đổi, thống nhất của các đại biểu về một số khoảng trống tư liệu cần bổ sung như cuối năm 1934, đồng chí Trần Quốc Hoàn bị mật thám Pháp bắt và tòa án thực dân Pháp xử án ở đâu, giam ở nhà tù nào; những hoạt động, chỉ đạo của đồng chí giai đoạn 1937 - 1939 không có nhiều tài liệu…
Hội thảo đã nhận được 20 tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu. Đây là nguồn tài liệu quan trọng để tuyên truyền, giáo dục cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ về cống hiến của bậc tiền nhân đối với quê hương, đất nước.