(Baonghean.vn)- Đồng chí Trần Quốc Hoàn, tên thật là Nguyễn Trọng Cảnh, sinh ngày 23 tháng Giêng năm Bính Thìn (1916), trong một gia đình nông dân nghèo ở xóm Đình, làng Dương Liễu, tổng Nam Kim (nay là xã Nam Trung, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An), vùng đất giàu truyền thống văn hiến và cách mạng.
Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước còn nô lệ, được chứng kiến cuộc sống lầm than khổ cực của nhân dân dưới ách thống trị, áp bức, bóc lột của chế độ thực dân, phong kiến, nên đã nuôi dưỡng trong con người Trần Quốc Hoàn tư tưởng yêu nước và tinh thần làm cách mạng từ rất sớm.
Ngay khi đang còn là học sinh, Trần Quốc Hoàn đã tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của Hội Phục Việt, tham gia vào các cuộc đấu tranh của học sinh và các tầng lớp nhân dân Nghệ An đòi thực dân Pháp xoá án tử hình cụ Phan Bội Châu (năm 1925), dự lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh (năm 1926) và đấu tranh phản đối thực dân Pháp tẩy chay thầy giáo Hà Huy Tập.
Năm 1930, Trần Quốc Hoàn tham gia vào tổ chức học sinh phản đế của Đảng Cộng sản Đông Dương. Đồng chí được chi bộ làng Dương Liễu tin tưởng giao nhiệm vụ rải truyền đơn, làm liên lạc và hăng hái tham gia các cuộc mít tinh, biểu tình cùng với hàng ngàn nông dân ở các tổng, kéo đến bao vây, phá huyện đường Nam Đàn, phá ty rượu, phá nhà lao để giải thoát cho tù chính trị.
Sau thời gian tham gia hoạt động cách mạng ở quê hương, Trần Quốc Hoàn quyết định thoát ly gia đình đi làm phu ở mỏ chì Boneng (Thà khẹt- Lào), một mặt để lao động tự kiếm sống, mặt khác có cơ hội được tiếp xúc với giai cấp công nhân để tự rèn luyện mình.
Tại đây, Trần Quốc Hoàn được tổ chức Đảng giao nhiệm vụ tuyên truyền, vận động công nhân và nhanh chóng trưởng thành từ một người yêu nước thành một người cộng sản.Tháng 3 năm 1934, Trần Quốc Hoàn được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.
Cuối năm 1934, bị mật thám Pháp bắt và kết án 8 tháng tù giam và 5 năm biệt xứ. Hết hạn tù, đồng chí bị quản thúc tại Hà Tĩnh. Năm 1936, Trần Quốc Hoàn trốn ra Hà Nội tham gia hoạt động trong phong trào Mặt trận Dân chủ, công tác tại nhiều báo công khai của Đảng ở Hà Nội lúc bấy giờ.
Từ năm 1937 đến năm 1939 theo Chỉ thị của Đảng, Trần Quốc Hoàn rút vào hoạt động bí mật, tham gia Thường vụ Thành ủy làm Phó Bí thư rồi Bí thư Thành ủy Hà Nội. Bị địch truy lùng ráo riết, tháng 5 năm 1940, đồng chí được tổ chức cho rút khỏi Hà Nội, đến nhận công tác tại nhà in báo “Giải phóng”, trực tiếp viết chữ ngược trên đá để in litô.
Tại một địa điểm hoạt động mới, đồng chí tiếp tục chỉ đạo công tác in ấn và phát hành tờ báo “Giải phóng” do các đồng chí Trần Huy Liệu, Võ Nguyên Giáp và Đào Duy Kỳ sáng lập trước đó. Để phù hợp với công tác tuyên truyền của Đảng trong giai đoạn mới, tờ báo “Giải phóng” được Đảng ta đổi tên thành “Cờ Giải phóng”. Công tác ở cơ quan báo chí một thời gian, đồng chí Trần Quốc Hoàn được điều động sang phụ trách Trạm giao thông của Xứ ủy Bắc Kỳ, kiêm Trưởng Ban chỉ đạo phong trào cách mạng của hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang.
Đầu năm 1941, đồng chí lại bị thực dân Pháp bắt lần thứ hai và bị kết án 6 năm tù và 20 năm quản thúc tại nhà tù Hoả Lò (Hà Nội), sau đó bị đày đi nhà tù Sơn la.
Tại đây, đồng chí tham gia sinh hoạt trong chi bộ nhà tù và đến năm 1944, được bầu làm Bí thư chi bộ nhà tù. Sau khi Nhật đảo chính Pháp (9 tháng 3 năm 1945), Trần Quốc Hoàn đã khôn khéo thuyết phục bọn cai ngục trả tự do cho 200 chính trị phạm, an toàn rút về các vùng hoạt động của Đảng, góp phần bổ sung đội ngũ cán bộ cho Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Ra tù, đồng chí được Trung ương cử làm Bí thư Xứ uỷ Bắc Kỳ. Tháng 12 năm 1946, được cử làm phái viên Trung ương ở Hà Nội. Năm 1947 làm Bí thư Liên khu uỷ II. Tháng 3 năm 1948, làm Bí thư liên khu uỷ X. Năm 1949, làm Bí thư Đặc khu uỷ Hà Nội. Năm 1951, tại đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II của đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Ngày 19 tháng 8 năm 1952, đồng chí được Trung ương Đảng phân công phụ trách ngành Công an. Ngày 6 tháng 9 năm 1952, đồng chí được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Nha Công an Việt Nam. Tháng 2 năm 1953, giữ chức Thứ trưởng Bộ Công an rồi làm Bộ trưởng Bộ Công an (sau này đổi tên thành Bộ Nội vụ cho đến năm 1980).
Từ năm 1954, đồng chí kiêm Bí thư Thành uỷ Hà Nội, trực tiếp tổ chức tốt cuộc tiếp quản thủ đô và chuyển Chính phủ, Trung ương Đảng ta từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội.
Năm 1960, tại Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng và được Trung ương bầu làm Uỷ viên dự khuyết Bộ Chính trị. Đến năm 1972, là uỷ viên chính thưc Bộ Chính trị. Năm 1976, tại Đại hội toàn quốc lần thứ IV của Đảng, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương và được Trung ương bầu lại vào Bộ Chính trị. Đồng chí là uỷ viên Hội đồng Quốc phòng.
Từ năm 1961 đến năm 1984, đồng chí tham gia Quân uỷ Trung ương. Cuối năm 1980, được Trung ương cử vào Ban Bí thư Trung ương Đảng. Năm 1982, tại Đại hội toàn quốc lần thứ V của Đảng, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, được cử làm Trưởng Ban Dân vận Trung ương.
Đồng chí là đại biểu Quốc hội từ khoá II đến khoá VII. Do công lao to lớn của đồng chí đối với cách mạng, đồng chí đã được tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương, trong đó có Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của Đảng và Nhà nước ta. Do tuổi cao, sức yếu, đầu tháng 9 năm 1986, đồng chí đã qua đời ở Hà Nội, hưởng thọ 70 tuổi.
N.Khoa (tổng hợp)