Trong "Lách luật kiểu Mỹ", tài tử 55 tuổi tròn vai nhân vật gây rúng động khi nhiều năm vận chuyển chất cấm vào Mỹ.
American Made (Barry Seal: Lách luật kiểu Mỹ) là phim tiểu sử về nhân vật gây tranh cãi Barry Seal (Tom Cruise đóng). Câu chuyện bắt đầu vào năm 1978, khi Seal - lúc này đang là phi công dân sự - được một viên chức CIA tên Schafer (Domhnall Gleeson) để mắt tới vì khả năng lái máy bay tài tình. Schafer đề nghị anh lén vận chuyển vũ khí của chính phủ Mỹ đến Nicaragua để hỗ trợ nhóm phiến quân ở đây.
Khi đến nơi, Seal nhận ra lực lượng do Mỹ ủng hộ không có tinh thần chiến đấu. Đánh hơi thấy cơ hội trục lợi, anh nhận ma túy từ các băng đảng Colombia rồi chở ngược vào Mỹ. Nhờ các tấm bản đồ do CIA cung cấp, Seal biết các tuyến đường có thể tránh lực lượng canh phòng.
Sau vài năm, hoạt động buôn lậu đạt đỉnh điểm khiến tay phi công trở nên giàu sụ, thậm chí không đủ chỗ giấu tiền mặt. Cơ quan chức năng Mỹ bắt đầu nghi ngờ anh. Những diễn biến sau đó đặt Barry Seal vào một âm mưu lớn hơn, liên quan đến cả Ronald Reagan - Tổng thống đương nhiệm khi đó.
* Tom Cruise thủ vai tên vận chuyển ma túy
Đạo diễn Doug Liman thành công trong ý đồ tạo ra một phim châm biếm chính trị.Khán giả tinh ý có thể nhận ra điều này ngay từ tên phim "American Made" (do Mỹ sản xuất). Barry Seal là sản phẩm của chính sách can thiệp thời Reagan, rồi lại trở thành nạn nhân của nó. Những bịch ma túy được tuồn vào Mỹ chính là hậu quả của việc cường quốc này cố gieo rắc bất ổn ở quốc gia khác.
Trong suốt phim, Barry Seal không ngừng tận dụng lỗ hổng của chính phủ Mỹ để trục lợi. Với sự liều mạng, tay phi công liên tiếp thắng lớn và tạo nên một đế chế khổng lồ. Lúc này, nhân vật là hình ảnh ẩn dụ cho chủ nghĩa vật chất Mỹ với cuộc sống như một ông hoàng và niềm tin có thể dàn xếp mọi thứ bằng tiền bạc. Ngay cả khi Seal bị còng tay, sự tự tin của anh ta cũng không suy suyển. "Tôi có thể tặng mỗi người các anh một chiếc xe Cadillac, còn tôi chỉ vài phút nữa sẽ ra khỏi đây", anh bỡn cợt các nhân viên hành pháp.
Nhà làm phim sử dụng máy quay cầm tay và hiệu ứng nhiễu hạt li ti trên hình ảnh để tác phẩm trông giống phim tài liệu. Cảnh quay rung lắc mạnh hơn mỗi lần Barry Seal gặp nguy hiểm, thể hiện rõ trong trích đoạn anh gặp nhóm phiến quân hay khi bị máy bay truy đuổi. Thủ pháp này làm gia tăng sự căng thẳng, khiến khán giả như đồng hành cùng nhân vật.
Phong cách giả tài liệu phù hợp với lối kể của phim - đan xen chuyện có thật và hư cấu. Trong nhiều cảnh, nhân vật Barry Seal tự thuật đời mình bằng giọng điệu tưng tửng, giải thích chính trị từ góc nhìn của anh. Qua nhiều tình tiết gây cười, phim mô tả thất bại thảm hại của Mỹ trong việc bành trướng thế lực, sau đó dẫn đến các bê bối rúng động bị vạch trần trên trường quốc tế.
Arthur L. Liman - bố của đạo diễn - vốn là luật sư chính trong vụ việc năm xưa và giúp anh có tư liệu để tái hiện giai đoạn này. Ngoài Tổng thống Reagan, kịch bản còn khéo léo lồng vào nhiều nhân vật có thật như Bill Clinton, George Bush hay trùm ma túy Pablo Escobar gây thú vị cho người xem.
Tom Cruise xuất hiện trong gần như mọi cảnh và là linh hồn của American Made. Sau khi bị chê trong Jack Reacher: Never Go Back (2016) và The Mummy (2017), tài tử 55 tuổi tìm lại phong độ với mẫu nhân vật góc cạnh, đầy mưu mô và lươn lẹo.
Khi không bị gò ép vào hình tượng người hùng cứng nhắc, Tom Cruise diễn thoải mái như đang trêu đùa. Nhân vật cười cợt trước nguy hiểm, bất cần khi đối mặt chính quyền và giữ sự láu lỉnh đến điểm cuối hành trình.Ngoài các lớp diễn tâm lý, Tom cũng thể hiện vài pha mạo hiểm quen thuộc. Cảnh tài tử trực tiếp lái máy bay cất cánh gợi nhớ đến Top Gun (1986) - tác phẩm làm nên tên tuổi anh.
Điểm trừ của tác phẩm là đoạn kết gây hụt hẫng. Sau cao trào về số phận của Barry Seal, phim kết thúc nhanh chóng, bỏ lửng vài đường dây về chính trị bày ra trước đó. Ngoài Barry Seal, tuyến nhân vật xung quanh còn mờ nhạt, khiến phim không đa dạng về số phận con người như American Hustle - tác phẩm cùng chủ đề - hay các phim tiểu sử kiệt tác của Martin Scorsese.
Theo VNE