Ngày 29/5/2018, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đưa vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” ra xét xử sơ thẩm đối với 3 bị cáo Tạ Thị Vân (56 tuổi, trú phường Hưng Bình, TP Vinh), Hồ Thanh Tùng (60 tuổi, trú tại xã Hưng Phú, Hưng Nguyên) và Nguyễn Phúc Hồng (64 tuổi, trú tại xã Nam Thái, huyện Nam Đàn).
Phiên tòa hôm nay chật kín người ngồi tham dự từ sáng sớm, họ không phải là người thân của bị cáo mà là bị hại được tòa triệu tập tới. Hiện tại có 321 bị cáo được triệu tập đến phiên tòa. Có những người đến tận hôm nay mới thấy rõ mặt của những người “cấp trên” trong đường dây chạy thương binh giả mà bản thân bị cuốn vào.
Đường dây “chạy” thương binh do Tạ Thị Vân cầm đầu hoạt động từ khoảng năm 2012 đến cuối năm 2014. Thông qua khoảng 10 “chân rết” ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, đường dây này đã nhận hàng chục tỷ đồng của người dân khắp cả nước để “chạy” chế độ rồi “bặt vô âm tín”.
Theo cáo trạng hiện tại có hơn 300 nạn nhân được triệu tập ở tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Trong đó, mỗi hồ sơ “chạy” thương binh trung bình tốn khoảng 30 triệu đồng.
Lợi dụng những khó khăn, bất cập trong quá trình làm hồ sơ thủ tục xét duyệt chế độ chính sách; sự kém hiểu biết, nhẹ dạ cả tin và thậm chí là hám lợi của một số người, các bị cáo đã dùng thủ đoạn giới thiệu mình có mối quan hệ thân mật với những người có chức năng, thẩm quyền trong việc xét duyệt, thực hiện chế độ chính sách.
Như bị cáo Vân, giới thiệu có chồng là Thượng tá quân đội, công tác ở mảng chính sách (vợ chồng Vân đã bán nhà và ly hôn sau khi đường dây bị lộ), trong quá trình liên lạc với các “chân rết” đã tổ chức gặp gỡ, ăn uống, hứa hẹn với các đối tượng là mình quen người này, người nọ, cho số điện thoại liên lạc để làm tin.
Thậm chí lấy bản thân mình ra làm dẫn chứng, để tạo niềm tin cho các nạn nhân, rồi nhận tiền, nhận hồ sơ của nhiều người. Như bị cáo Hồ Thanh Tùng thì khoe với mọi người rằng mình được hưởng chế độ thương binh cũng là do Tạ Thị Vân chạy giúp. Những “chân rết” khác thì cho người dân biết mình quen nhiều người làm chế độ chính sách từ Trung ương đến địa phương; có thể “chạy” nâng hạng thương binh, chế độ thương binh, chất độc da cam. Tin vỏ bọc hoàn mĩ của các bị cáo nên nhiều cựu chiến binh không ngần ngại gom hồ sơ, tiền bạc đến gặp…
Sau khi đóng đủ tiền, những cựu chiến binh này được dẫn tới khám tại một số bệnh viện trên địa bàn TP Vinh mà theo bị cáo cho biết đó là “khám thực thể” nhưng thực chất là chỉ đến lấy máu rồi về. Sau đó, các bị cáo sẽ hứa hẹn với nạn nhân “từ 6 tháng đến 1 năm sau là bắt đầu được hưởng chế độ”.
Chờ nhiều năm nhưng không thấy chế độ chính sách như đã được hứa, nhiều người dân đã tìm đến “chân rết” để đòi lại tiền. Trước những áp lực này, những người cầm đầu đường dây lần lượt bỏ trốn để lại những “chân rết” phải bán nhà trả lại tiền cho nạn nhân.
Tại phiên tòa hôm nay, có 120 bị hại vắng mặt. HĐXX quyết định để đảm bảo quyền lợi cho những bị hại vắng mặt cũng như việc xét xử các bị cáo cho đúng người, đúng tội, đúng pháp luật thì cần hoãn phiên tòa. Các bị hại có mặt hôm nay cho biết, mong muốn Tòa án mau chóng xét xử, lấy lại công bằng vì tất cả đều là tiền mô hôi công sức, chắt bóp cả đời, chỉ vì phút sai lầm mà khiến gia đình rơi vào cảnh tiền mất tật mang.