(Baonghean) - Xã hội hóa giáo dục đã được triển khai gần 10 năm nhưng vẫn luôn là vấn đề được dư luận quan tâm. Đặc biệt, khi xã hội hóa được thu dưới hình thức “thỏa thuận”, “vận động” hay “tự nguyện”.

» Sử dụng đúng mục đích, công khai minh bạch các khoản thu xã hội hóa

» Tổ thảo luận số 5: 'Cần đề ra mức trần trong thu xã hội hóa'

Gánh nặng “xã hội hóa”

Mục đích chính của xã hội hóa là huy động mọi nguồn lực của xã hội cho phát triển giáo dục, tạo cơ hội và điều kiện cho con em được học tập trong những môi trường tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của phụ huynh. Tại Nghệ An, xã hội hóa giáo dục được áp dụng từ sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo có chủ trương không thu tiền đóng góp xây dựng.

images1772884_bna_5851644c8c580.jpgĐiểm trường Puộc Mú, Trường Tiểu học Na Ngoi 1(Kỳ Sơn).

Với hình thức này, hàng năm các trường học trên địa bàn tỉnh Nghệ An thu được từ 200 - 230 tỷ đồng. Trong năm học 2015 - 2016, toàn tỉnh thu được 228 tỷ đồng. Một số đơn vị đáng chú ý như: Thành phố Vinh vận động được được 32,4 tỷ đồng; Diễn Châu được 21,9 tỷ đồng; Thanh Chương được 19,8 tỷ đồng; Yên Thành được 17,9 tỷ đồng; Nghi Lộc được 15,1 tỷ đồng; Quỳnh Lưu được 14,5 tỷ đồng,... Nguồn thu từ xã hội hóa đã góp phần đáng kể vào sự phát triển của giáo dục, đặc biệt trong công tác xây dựng trường chuẩn Quốc gia. 

Tuy nhiên, trong các khoản thu mang danh nghĩa “xã hội hoá” có nhiều bất cập, gây bức xúc đối với cộng đồng. Sự việc ở Trường Mầm non Hưng Thắng (Hưng Nguyên) trong năm học 2016 - 2017 là ví dụ điển hình. Nhà trường có 249 học sinh, con em trong trường chủ yếu thuộc gia đình thuần nông. Năm học này lấy lý do “trả nợ tiền xây dựng phòng học và mua sắm thay thế thiết bị” nên ban giám hiệu nhà trường đề ra mức sàn xã hội hóa là 700.000 đồng/học sinh.

Theo ý kiến nhiều phụ huynh, đây là mức đóng quá cao, không phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và mặt bằng chung trong vùng. Ngoài khoản thu nói trên, mỗi học sinh còn phải đóng khoảng 500.000 đồng để mua đồ dùng học liệu (với một thông tư hướng dẫn đã hết hiệu lực 2 năm), mua đồ dùng phục vụ công tác vệ sinh tại các lớp và tiền thay cha mẹ chăm sóc trẻ bán trú. Có nhiều khoản tiền vô lý như mua phiếu bé ngoan; mua 5 loại chổi; mua xà phòng rửa tay, xà phòng giặt (dù những khoản thu này đã bao gồm trong học phí cho học sinh bán trú). Quá trình thực hiện việc thu chi đầu năm chưa hề có sự phê duyệt của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện. 

Gánh nặng xã hội hóa cũng gây bức xúc cho phụ huynh Trường Mầm non Giang Sơn Tây (huyện Đô Lương). Ngoài khoản thu xã hội hóa trung bình gần 400.000 đồng, học sinh còn phải đóng tiền mua đồ chơi 300.000 đồng, mua đàn 50.000 đồng, tu sửa đồ chơi 100.000 đồng, mua tủ 50.000 đồng...

Mặc dù hàng năm Sở Giáo dục và Đào tạo đều có văn bản hướng dẫn cụ thể, Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo kiểm tra và phát hiện nhiều sai phạm nhưng “chứng nào tật nấy”, năm nào cũng có trường “tái phạm” việc thu chi trái quy định.

Có thể kể đến những sai phạm “kinh niên” như: Chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch nhưng vẫn tổ chức vận động; thu xã hội hóa cào bằng, vận động đóng góp ở mức cụ thể; thu không nằm trong danh mục các khoản mà Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, đưa ra mức thu tiền thiếu cơ sở,... Việc thực hiện thu và giám sát không cụ thể, minh bạch với phụ huynh. Việc xã hội hóa về lý thuyết phải theo tinh thần tự nguyện nhưng hầu hết các lớp đều đưa ra “mức sàn”. Nhiều trường lợi dụng việc xã hội hóa giáo dục để lạm thu.

Giờ học của học sinh Trường Tiểu học Quỳnh Hưng (Quỳnh Lưu).

Bên cạnh bất cập trong thu tiền xã hội hoá, việc sử dụng nguồn thu này ở nhiều trường cũng chưa hiệu quả. Thậm chí có những trường còn “vẽ” ra nhiều khoản chi không cần thiết. Phụ huynh có con ở một trường tiểu học trên địa bàn thành phố Vinh cho biết: Trường thiếu phòng học nhiều năm nay, học sinh phải học bù vào thứ 7 và nghỉ 1 buổi trong tuần để “nhường lớp”. Trong khi đó, nguồn thu xã hội hóa ở trường này không hề ít, xấp xỉ 1 tỷ đồng/năm và được chi vào những sửa chữa nhỏ, xây lại dù thiết bị, công trình vẫn chưa hư hỏng.

Song song với xã hội hóa, các trường còn thông qua hội phụ huynh để thu thêm tiền của học sinh. Có những trường phụ huynh phải đóng thêm tiền để thuê người hàng ngày vệ sinh lớp học; có những trường yêu cầu phụ huynh đi trang trí lớp học, đi làm vệ sinh trường lớp...

Thiếu bình đẳng trong môi trường giáo dục

Xã hội hóa giáo dục dường như chỉ là “cuộc chơi” dành cho những vùng thuận lợi, phụ huynh có kinh tế. Ở huyện Quỳnh Lưu, dưới hình thức vận động xã hội hóa những năm trước phòng Giáo dục và Đào tạo đưa ra chủ trương xây dựng lớp chất lượng cao ở bậc tiểu học. Ở các trường, mỗi khối chọn từ 1 – 2 lớp (chủ yếu tập trung con em có điều kiện). Phụ huynh sẽ đóng góp kinh phí để mua điều hòa, máy chiếu, ti vi, máy tính xách tay trang bị cho giáo viên... Học sinh ở các lớp này được ưu tiên phòng học đẹp, lựa chọn thầy, cô giáo. Điều này tạo nên sự bất bình đẳng trong môi trường giáo dục.

Một lớp học VIP ở Trường Tiểu học thị trấn Cầu Giát.

Ngược lại, ở Trường Tiểu học Lưu Kiền 1 (Tương Dương), sau cuộc họp phụ huynh đầu năm, nhà trường dự kiến thu từ 50 - 70 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa. Nhưng đến thời điểm này, thầy hiệu trưởng nhà trường cho biết: Chưa thu được một đồng nào vì phụ huynh chưa đến mùa thu hoạch. Không có nguồn thu nên việc tu sửa cơ sở vật chất của nhà trường luôn gặp khó khăn và bị động. Ở Trường Tiểu học Mường Lống (Kỳ Sơn), xã hội hóa cũng là khái niệm lạ lẫm khi 90% học sinh ở đây thuộc diện hộ nghèo. Sự sẻ chia của phụ huynh với nhà trường chỉ dừng lại ở những buổi lao động tự nguyện vào đầu năm học mới.

Có thể thấy, việc thực hiện xã hội hoá khá thuận lợi ở thành phố, các khu vực trung tâm nhưng lại không mang tính khả thi cao ở các vùng khó. Nhiều phụ huynh cương quyết từ chối đóng góp, còn giáo viên thì cảm thấy áp lực vì “bị giao chỉ tiêu”. Ở các cuộc tiếp xúc hội đồng, có nhiều ý kiến kiến nghị bỏ xã hội hóa, quay trở về thu tiền xây dựng như trước để đảm bảo sự công bằng và hiệu quả.

Đánh giá về kết quả thực hiện xã hội hóa, báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã chỉ ra một số tồn tại: Một số cán bộ, giáo viên cơ sở giáo dục nhận thức chưa đầy đủ hoặc không đúng về các khái niệm “tự nguyện”, “thỏa thuận”, “vận động”. Công tác tổ chức xây dựng kế hoạch, vận động, quản lý thu chi nguồn xã hội hóa ở một số cơ sở giáo dục chưa đảm bảo tính minh bạch, công khai, đúng quy định. Tại một số đơn vị, hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm chưa thực hiện đầy đủ quy trình vận động nhân dân, phụ huynh. Từ đó dẫn đến việc thu tiền mang tính áp đặt nhưng vẫn yêu cầu phụ huynh ký xác nhận “tự nguyện”.

Trường học của học sinh Trường Tiểu học Chi Khê - Con Cuông.

Do chưa có sự quản lý, giám sát nên xã hội hóa hiện nay chưa hiệu quả. Điều này cũng tạo cơ hội phát sinh tiêu cực tài chính, tạo bất bình đẳng trong môi trường giáo dục và quan trọng nhất là làm mất niềm tin của phụ huynh, học sinh.

Trả lời các thắc mắc của Đại biểu HĐND tại buổi thảo luận tổ ở Kỳ họp Hội đồng nhân dân,  bà Nguyễn Thị Kim Chi - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: "Chủ trương xã hội hóa là rất tích cực. Riêng về khoản thu tự nguyện, nếu so với những năm trước đây, đã tăng gấp 2, gấp 3. 

Tuy nhiên, bên cạnh đó, có những bất cập. Về phía ngành, rất đồng cảm với cán bộ, giáo viên chủ nhiệm. Rất nhiều giáo viên ao ước, chỉ được lên bảng, cầm giáo án chứ không muốn phải động đến một khoản thu nào cả. Đứng trên góc độ giáo dục điều này là không “thuận”.

Bên cạnh đó, chính sách này khó áp dụng với những vùng khó khăn do mức sống của bà con quá thấp. Điều đó, khiến cho những trường này gần như không có nguồn thu. Thực tế, hiện theo quy định, các trường chỉ có 3 khoản thu (học phí, lệ phí xe đạp, thu hộ - bảo hiểm). Nhiều trường nguồn chi cho giáo viên hợp đồng đã chiếm gần hết nguồn chi thường xuyên. Vì thế, không tránh khỏi có một số cá nhân, một số trường cá biệt có sai phạm".

Bà Nguyễn Thị Thành An - Phó ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh:"Mặc dù hàng năm, ngành Giáo dục và UBND tỉnh đã có văn bản hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện các khoản thu theo đúng quy định, nhưng qua khảo sát của HĐND tỉnh và qua dư luận phản ánh thì tình trạng lạm thu, thu sai vẫn xảy ra. Về nguyên nhân, có nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó chủ yếu là việc kiểm tra chưa thường xuyên. Nếu có sai phạm thì việc xử lý những cá nhân vi phạm còn vướng mắc về thẩm quyền. Bên cạnh đó, do các khoản thu thường xuyên quá eo hẹp mà các trường có nhiều hoạt động cần phải chi nên dẫn đến việc “xé rào”. Thực tế này, đòi hỏi ngành Giáo dục cần tăng cường kiểm tra, xử lý triệt để tạo được sự nghiêm minh trong quá trình thực hiện".

Mỹ Hà(ghi)

Nhóm P.V 

Bạn đọc có thể gửi ý kiến tới Kỳ họp thứ 3 Hội đồng nhân dân tỉnh khóa 17

[kien_nghi_hoi_dong]

TIN LIÊN QUAN