(Baonghean) - Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ diễn ra vào ngày cuối của tháng 8 lịch sử, không rõ là vô tình hay hữu ý, Thủ tướng Chính phủ đã lên tiếng nhấn mạnh tinh thần “lời nói đi đôi với việc làm” và đề nghị các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận xem bộ máy có thực sự chuyển động, có hướng về người dân và doanh nghiệp, có tạo nên sự phát triển hay không.
Sở dĩ nói vậy là vì vào đầu tháng 9 này, Nhà nước công - nông đầu tiên ở Đông Nam Á trải qua 71 năm phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành. Và mục đích bất di, bất dịch của Nhà nước đó luôn là “do dân, của dân và vì dân”. Lẽ đương nhiên, Chính phủ trong chính thể đó cũng lấy mục đích phục vụ dân là trên hết.
Thủ tướng nói vậy, chắc là có ý vừa gợi nhắc lại lịch sử vừa muốn nhắc nhở các thành viên trong bộ máy Chính phủ cần phải quán triệt và luôn luôn thực hiện nhất quán mục đích đó. Nhất là trong giai đoạn hiện tại, khi mà một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, giảm sút về uy tín, thậm chí còn tha hóa về phẩm chất, năng lực, trong đó có những người giữ vị trí lãnh đạo, quản lý ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín tập thể, niềm tin của quần chúng nhân dân.
Trong bộ máy của Chính phủ, phần lớn là cán bộ, đảng viên, đương nhiên, không đứng ngoài tình trạng chung đó. Sự suy thoái sẽ khiến cho mục đích phục vụ dân bị ảnh hưởng theo hướng đi ngược lại mục đích ban đầu là thay vì phục vụ dân, có khi lại bắt dân phải chiều theo ý mình, phục vụ mình. Hiện tượng đó, tuy không phổ biến, nhưng không phải là hiếm hoi và đang gây ra những hệ lụy xấu cho sự phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước và cả khổ đau riêng cho cá nhân khi không may “vướng” phải những phần tử suy thoái trong bộ máy công quyền các cấp.
Sự suy thoái theo kiểu đó sẽ kéo lùi sự phát triển, khiến đất nước khó tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc như kỳ vọng. Loại trừ những âm mưu kích động, nói xấu chế độ của các phần tử thù địch, thì những bài viết trên các báo mạng, trang mạng xã hội cảnh báo về tình trạng chậm phát triển, thua kém các nước yếu trong khu vực như Lào, Cam-pu-chia về một số mặt không phải là không có cơ sở. Một khi những người trong bộ máy không vì mục đích chung mà chỉ làm vì cá nhân thì khát vọng chỉ dừng lại ở mấy chữ vinh thân, phì gia mà bỏ qua, coi nhẹ sự phát triển chung của quốc gia, dân tộc.
Chính vì thế mà Thủ tướng đã đề nghị “Cả hệ thống chúng ta phải có khát vọng chuyển biến tình hình, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân”. Đó cũng là một yêu cầu bức thiết trong tình hình mà sự trì trệ của bộ máy các cấp vẫn chưa được khắc phục đến nơi, đến chốn. Trì trệ chính là một biểu hiện của sự thiếu khát vọng, thiếu ý chí vươn lên. Người dân dù có ý chí, có khát vọng vươn lên, nhưng bộ máy các cơ quan công quyền không cùng chung khát vọng đó thì sẽ không nỗ lực, không tạo điều kiện mà thậm chí còn có những chủ trương, chính sách gây cản trở tới việc thực hiện những khát vọng đó.
Thế nên, những người trong bộ máy phải có khát vọng tạo nên sự thay đổi. Biến khát vọng đó thành những chủ trương, chính sách và hành động, việc làm cụ thể trong cuộc sống. Qua đó, kích thích, thổi bùng khát vọng thay đổi tình hình theo chiều hướng tích cực trong mỗi người dân. Để họ cùng đồng hành biến những khát vọng lớn lao đó thành hiện thực. Và như Thủ tướng đã đánh giá: điều đáng mừng là không khí sản xuất, kinh doanh, niềm tin xã hội, niềm tin thị trường được khôi phục một bước rất quan trọng, trong đó, nhiều tỉnh, thành phố tiến hành xúc tiến đầu tư, cải cách, tạo mọi điều kiện cho sản xuất, kinh doanh phát triển. Các địa phương đã thể hiện rõ, với quyết tâm để tỉnh mình không còn nghèo, không phụ thuộc vào trợ cấp ngân sách. Đó là một biểu hiện cho khát vọng làm chuyển biến tình hình.
Khát vọng đó của cả hệ thống cũng là khát vọng của toàn dân. Vì làm thay đổi tình hình để đất nước ngày càng phát triển, đời sống mọi mặt ngày càng được cải thiện và nâng cao thì ai mà không muốn. Khát vọng đó là không của riêng ai.
Bụt Sơn