Qua đó, góp phần xây dựng hình ảnh người phụ nữ Việt Nam hiện đại vừa giỏi giang, đủ sức gánh vác việc nước, việc nhà; đồng thời góp phần nâng cao vị trí, vai trò của lực lượng đoàn viên nữ trên tất cả các lĩnh vực công tác, xã hội và gia đình.

NHIỀU ĐỔI MỚI TRONG PHONG TRÀO THI ĐUA

Phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động năm 1989 đã tạo cho người phụ nữ một điểm tựa tinh thần vững chắc, giúp họ phát huy được hết những thế mạnh. Trong tất cả các lĩnh vực, nhiều nữ CNVCLĐ đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy với công việc, chủ động, sáng tạo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Thông qua phong trào, chị em được bồi dưỡng, rèn luyện và trưởng thành về nhiều mặt. Vị thế của phụ nữ ngày càng được khẳng định. Chất lượng cuộc sống của chị em được nâng cao và hiển nhiên phụ nữ đâu còn chỉ là phái yếu nữa mà họ thật sự là một nửa thế giới, được mọi người kính trọng.

bna_gioi_viec_nuoc_dam_viec_nha_25551654_732021.jpgBiểu dương điển hình tiêu biểu trong phong trào thi đua "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" giai đoạn 2010-2020. Ảnh: CTV

Phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” gắn với phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” luôn được các cấp Công đoàn Nghệ An đẩy mạnh, tạo nên khí thế thi đua sôi nổi giữa các cá nhân trong cơ quan, đơn vị, góp phần xây dựng đội ngũ nữ CNVCLĐ có chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm trong công tác.

Đặc biệt, trong quá trình thực hiện phong trào, nhiều đơn vị đã đổi mới, cụ thể hóa các nội dung tiêu chuẩn cho phù hợp với đặc điểm ngành nghề, địa phương. Công đoàn ngành Giáo dục xây dựng phong trào thi đua “Hai tốt”, phong trào “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương tự học và sáng tạo”; hay Công đoàn ngành Y tế thực hiện phong trào thi đua 12 điều y đức theo chuẩn mực “Thầy thuốc như mẹ hiền”; ở các lĩnh vực khác thì có phong trào thi đua thực hiện cuộc vận động xây dựng người cán bộ, công chức “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu” trong nữ CNVCLĐ, phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong nữ công nhân lao động tại các công ty, doanh nghiệp...

Khán giả hào hứng tham dự chung kết của cuộc thi Duyên dáng Minh Anh nhân ngày 8/3. Ảnh: P.V

Trong lĩnh vực quản lý nhà nước, các chị đã nỗ lực vươn lên, không ngừng học tập nâng cao trình độ mọi mặt, luôn tận tụy khắc phục khó khăn, sâu sát cơ sở, giảm thủ tục phiền hà, tạo điều kiện thuận lợi giúp nhân dân giải quyết các công việc một cách kịp thời.

Trong công tác xã hội, công tác Đảng, đoàn thể, các chị luôn thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, nâng cao năng lực công tác và kỹ năng nghề nghiệp, phương pháp tuyên truyền, vận động đoàn viên, CNVCLĐ thực hiện chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng.

Nhận thức được vai trò, vị trí của mình, các chị luôn chủ động học hỏi, nâng cao trình độ và chất lượng, hiệu quả công việc, thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa; xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể vững mạnh. Qua đó, đã có hàng nghìn công trình, sản phẩm, phần việc và đề tài sáng kiến trong cải cách hành chính, quản lý, điều hành; sáng kiến, giải pháp khoa học thiết thực... làm lợi cho Nhà nước hàng tỷ đồng.

Phụ nữ Báo Nghệ An hưởng ứng Tuần lễ áo dài nhân ngày quốc tế phụ nữ 8/3. Ảnh tư liệu Đức Anh

Tiêu biểu như chị Lưu Thị Thu Hiền - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Sữa TH, là “thủ lĩnh” trong các hoạt động vì nữ CNLĐ, luôn đấu tranh đảm bảo quyền lợi cho nữ CNLĐ, đồng hành vì sự bình đẳng giới, tạo cơ hội phát triển cho lao động nữ. Chị đã đề xuất một số nội dung có lợi cho lao động nữ như phòng vắt trữ sữa cho nữ CNLĐ nuôi con nhỏ dưới 24 tháng tuổi, khám sức khỏe sinh sản cho lao động nữ bình quân 150.000-200.000 đồng/người/lần/ năm; đề xuất chế độ khen thưởng các sáng kiến cải tiến kỹ thuật, sáng kiến sáng tạo của nữ CNLĐ, bố trí nữ CNLĐ có trình độ, kỹ năng tay nghề vào các vị trí quản lý các bộ phận, trưởng trại; đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng mềm cho nữ CNLĐ…

Hay như chị Phan Thị Kim Hoa - Trưởng ban Nữ công, Trưởng phòng Kỹ thuật Trung tâm Giống cây trồng Nghệ An, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong mọi lĩnh vực công tác, đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân; có tinh thần học hỏi, quy tụ sức mạnh của đội ngũ cán bộ, đoàn viên trong đơn vị. Đặc biệt, chị Hoa có 4 sáng kiến được công nhận cấp tỉnh.

ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN

Không chỉ năng động, giỏi giang trong công tác chuyên môn, nữ CNVCLĐ còn khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ trong việc xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Các chị đã nhận thức sâu sắc quan điểm: Gia đình là tế bào của xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Do đó, dù bận rộn công việc chuyên môn, chị em đều dành thời gian chăm sóc, vun vén cho tổ ấm gia đình. Các chị là trung tâm đoàn kết các thành viên trong gia đình, là người thầy đầu tiên của con trẻ, có công đầu trong việc chăm sóc, giáo dục các con trưởng thành.

Dù ở lĩnh vực, cương vị công tác nào, nhưng khi về với mái ấm gia đình, các chị lại tất bật với cuộc sống đời thường, làm tròn thiên chức của người phụ nữ Việt Nam, là công dân gương mẫu nơi cư trú, giữ mối quan hệ đoàn kết mật thiết, với tinh thần tương thân tương ái. Đồng thời là lực lượng nòng cốt trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa, thôn, khối phố văn hóa.

Những nữ đoàn viên điển hình trong phong trào thi đua "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" giai đoạn 2010-2020. Ảnh: CTV

Phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” đã đưa ra những tiêu chí của một mô hình chuẩn, mẫu mực để mỗi phụ nữ trong xã hội hôm nay có thể lấy đó làm mục đích hướng tới mà hoàn thiện chính mình. Vẫn biết “giỏi” và “đảm” ở mỗi người hẳn sẽ là những cung bậc khác nhau nhưng "giỏi" và "đảm" nhiều khi vẫn chưa đủ làm nên hạnh phúc. "Giỏi" và "đảm" mới chỉ là phần cống hiến. Người phụ nữ ngày nay rất cần được hưởng thụ chính đáng về vật chất và tinh thần, cần được người khác quan tâm, cần có thời gian cho chính mình, để giữ gìn sức khỏe, sắc đẹp và tuổi trẻ.

Đã từng có ý kiến cho rằng, phong trào "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" của nữ CNVCLĐ không còn phù hợp với quan điểm bình đẳng giới hiện nay, nó đã vô tình đặt lên vai người phụ nữ trách nhiệm nặng nề cả ở gia đình và xã hội. Quan niệm đó chỉ là phiến diện, bởi cùng với sự khẳng định vị thế của người phụ nữ trong xã hội thì gia đinh luôn có ý nghĩa quan trọng bậc nhất đối với họ. Tại các nước phương Đông, gia đình càng có vị trí quan trọng đặc biệt và phụ nữ chính là người xây tổ ấm.

Hiện nay do có điều kiện, phụ nữ càng có ý thức vươn lên bình đẳng với nam giới, nhiều phụ nữ thành đạt ngoài xã hội và chính nhờ uy tín ấy những người mẹ, người vợ đã làm tốt hơn thiên chức của mình trong gia đình. Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và xã hội, đa số gia đình Việt Nam đang phát triển một cách bền vững, số lượng những gia đình văn hóa ngày một nhiều hơn, chất lượng cuộc sống ở từng gia đình cũng được tăng lên.

Phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” đã đưa ra những tiêu chí của một mô hình chuẩn, mẫu mực để mỗi phụ nữ trong xã hội hôm nay có thể lấy đó làm mục đích hướng tới mà hoàn thiện chính mình. Ảnh: CTV

Trước yêu cầu mới của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, để phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ ngày càng hiệu quả, công đoàn các cấp xác định cần phải đẩy mạnh và đa dạng hóa hình thức, biện pháp tuyên truyền; chú trọng xây dựng và tôn vinh, biểu dương kịp thời các tài năng sáng tạo nữ, các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua và các cuộc vận động nhằm tạo sức lan tỏa.

Trong phong trào thi đua "Giỏi việc nước - Đảm việc nhà" giai đoạn 2010-2020 đã có hàng trăm nữ CNVCLĐ được tặng Bằng khen, Giấy khen các cấp; 135 tập thể và 1.281 cá nhân được Công đoàn huyện, ngành tổ chức biểu dương, khen thưởng; 55 cá nhân được tham dự biểu dương cấp tỉnh.