(Baonghean) - Cùng với những biến động về giá thì hoạt động kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp. Các đối tượng kinh doanh lợi dụng việc biến động giá đã đóng cửa ngưng bán hàng hoặc bán hàng nhỏ giọt, không chấp hành bán đúng giá quy định… Đặc biệt là hành vi vi phạm các quy định về đo lường, quy chuẩn kỹ thuật, tác động xấu đến tâm lý và nhu cầu tiêu dùng của người dân; ảnh hưởng đến uy tín của các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Ngày 22/10, tại xã Tiền Phong (huyện Quế Phong) Đoàn thanh tra tỉnh phát hiện cơ sở DNTN Bình Định có hành vi làm thay đổi cấu trúc kỹ thuật, đặc tính kỹ thuật đo lường của 1 phương tiện đo xăng A92; sai số thực tế bị phát hiện là + 7,5%. Cũng tại Thị trấn Kim Sơn - Quế Phong, doanh nghiệp tư nhân Bình Hương có hành vi thay thế IC chương trình của phương tiện đo dầu Diezen 0,05s có lợi cho người bán với sai số thực tế là +7,25%. Mỗi cơ sở kinh doanh đã bị phạt 70.000.000 đồng, tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh trong vòng 1 tháng và tịch thu 2 IC chương trình…
 
Trước đó, ngày 10/10, đoàn thanh tra chuyên ngành Sở Khoa học - Công nghệ đã tiến hành kiểm tra cửa hàng xăng dầu lương thực Yên Thành (thuộc Xí nghiệp kinh doanh lương thực tổng hợp Đông Vĩnh). Qua thanh tra, đoàn phát hiện cơ sở thay IC chương trình của phương tiện đo xăng A92 nhằm làm sai số phương tiện đo có lợi cho người bán; sai số của phương tiện đo trên tại thời điểm thanh tra là + 4,4%. Thanh tra Sở Khoa học - Công nghệ đã ra quyết định xử phạt 70.000.000 đồng; tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu trong thời hạn 1 tháng và tịch thu IC chương trình. 
images1085900__nh_2.jpgThiết bị gian lận bị lực lượng chức năng phát hiện tại cơ sở kinh doanh vi phạm Luật Đo lường.
 
Dù đã nghe rất nhiều thông tin về chuyện gian lận xăng dầu, nhưng hầu như người tiêu dùng vẫn không thể có cách nào để bảo vệ mình trước các trò gian lận của những chủ cây xăng thiếu đạo đức kinh doanh. Chưa có một lĩnh vực tiêu dùng nào mà người mua buộc phải nhắm mắt làm ngơ trước các trò gian xảo mà người bán bày ra như xăng dầu. “Với người tiêu dùng thì xăng dầu là mặt hàng bán sao biết vậy, người mua chỉ biết trả tiền chứ đâu biết chuyện đong thiếu và chất lượng kém. Điểm tựa duy nhất của khách hàng chính là sự trung thực của người kinh doanh.
 
Nếu làm phép tính một người có xe máy trung bình phải chi từ 300.000 - 400.000 đồng/tháng để đổ xăng, nếu bị người bán đong gian lận ở sai số 10% có nghĩa là khách hàng đã bị móc túi từ 30.000 - 40.000 đồng/tháng. Những biểu hiện trên là hình thức chiếm đoạt tiền của nhân dân và người lao động. Chúng tôi mong rằng khi phát hiện có gian lận, cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm để tạo công bằng trong kinh doanh, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng”- Thầy Nguyễn Đình Hòa, giáo viên Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An chia sẻ.
 
Mạng lưới phân phối xăng, dầu trên địa bàn Nghệ An tính đến tháng 4/2014 có 632 đại lý, cửa hàng kinh doanh với khoảng 950 cột bơm. Nguồn cung ứng xăng dầu từ các doanh nghiệp đầu mối là Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Công ty Xuất nhập khẩu xăng dầu (Petex), Xí nghiệp Kinh doanh và Chế biến dầu mỏ (PDC), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL). Hầu hết cơ sở vật chất các cửa hàng bán lẻ được đầu tư nâng cấp, trang bị cột đo khá hiện đại với công nghệ điện tử hiện số có độ chính xác cao để đáp ứng yêu cầu kinh doanh và phục vụ. Tuy vậy, công nghệ này cũng tạo nhiều cơ hội cho các hành vi gian lận khi một số doanh nghiệp can thiệp vào hệ điều hành tự động của cột đo xăng dầu gây thiệt hại cho khách hàng. Đây cũng là vấn đề lớn đặt  ra cho cơ quan chức năng trong công tác quản lý đo lường ở các cột đo xăng dầu.
 
Thực hiện Quyết định số 1182/QĐ - KHCN - Thanh tra của Sở Khoa học - Công nghệ về việc thanh tra chuyên ngành tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng sản phẩm hàng hóa và sở hữu công nghiệp, trong thời gian từ ngày 10/10/2014 đến ngày 13/11/2014, có 46 cơ sở kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn 9 huyện, thị (gồm Diễn Châu, Yên Thành, Anh Sơn, Quỳnh Lưu, Hoàng Mai, Quế Phong, Tân Kỳ, Tương Dương và Kỳ Sơn) đoàn kiểm tra của tỉnh kiểm tra đột xuất, ngẫu nhiên. Qua đó, lực lượng chức năng phát hiện 10 cơ sở kinh doanh vi phạm với các hình thức gian lận như thay thế IC chương trình; tự ý tháo kẹp chì niêm phong phương tiện đo mà không thông báo với cơ quan; tác động vào nguồn điện (ngắt nguồn điện cung cấp) nhằm xóa sai số phương tiện đo sai đã bị phát hiện qua thanh tra; sử dụng phương tiện đo sai hỏng, có mức sai số vượt mức cho phép; tự ý tháo kẹp chì niêm phong phương tiện đo mà không thông báo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Ngoài những thủ đoạn nêu trên, một số cơ sở kinh doanh không thực hiện việc kiểm định phương tiện đo theo quy định… Căn cứ các quy định của pháp luật hiện hành, đoàn kiểm tra đã xác lập hồ sơ, niêm phong tang vật vi phạm và thu phạt với tổng số tiền 771.000.000 đồng. Đoàn thanh tra cũng đã cung cấp hồ sơ cho Công an Nghệ An nghiên cứu lập chuyên án điều tra làm rõ những chủ đại lý vi phạm pháp luật. 
 
Theo ông Trần Quốc Thành - Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ: Trước đây các hình thức gian lận như lắp thêm bảng mạch điện tử đo lường phụ dấu kín trong các khe hở CPU của cột đo nhiên liệu, sử dụng bàn phím SPKEY 2000 tách thành 2 mảng điều khiển khác nhau (cải tạo mạch)… đã  bị các cơ quan chức năng phát hiện, nên hầu như hình thức này các cửa hàng kinh doanh không còn sử dụng. Hiện nay lại có hình thức gian lận tinh vi, kín đáo hơn để tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng là thay thế IC chương trình nhằm điều chỉnh sai số phương tiện đo xăng dầu vượt quá mức cho phép. Trong 10 cửa hàng vi phạm có tới 7 cửa hàng vi phạm gian lận bằng IC. IC chương trình giả có hình dáng giống IC chương trình thật, cài đặt chạy được 2 chương trình song song đúng, sai khác nhau.
 
Muốn chạy chế độ sai nhập một dãy mật khẩu ngầm định, sai số tùy ý điều chỉnh của người bán hàng. Muốn chạy lại chế độ đúng (khi người mua sử dụng can, chai… hoặc khi có đoàn thanh, kiểm tra) chỉ cần ngắt nguồn điện cung cấp cho phương tiện đo hoặc ấn vào một phím bất kỳ trên bàn phím phương tiện. Sai số của từng con IC là do chủ kinh doanh tự cài đặt. Hành vi gian lận cao nhất qua đợt thanh tra là 11,6% (mua 10 lít thực tế chỉ còn 8,9 lít) , trong khi theo quy định, mức sai số cột bơm chỉ cho phép theo tiêu chuẩn đo lường mới năm 2013 là tăng, giảm 0,3%. Gian lận kiểu này rất khó phát hiện, vì IC chương trình trên bo mạch chính của cột đo vẫn còn tem niêm phong của đơn vị đo lường và của nhà sản xuất, không có chứng cứ chứng minh hành vi làm thay đổi tình trạng kỹ thuật và đặc tính đo lường của phương tiện đo.
 
Xăng, dầu là mặt hàng người tiêu dùng khó kiểm soát bằng mắt thường, không thể phát hiện được tình trạng gian lận đo lường, gian lận chất lượng. Còn cơ quan chức năng thì không thể theo dõi thường xuyên từng doanh nghiệp trong tất cả các hoạt động kinh doanh xăng dầu. Vì thế, điều cốt lõi quyết định chất lượng, định lượng mặt hàng đặc biệt này phụ thuộc rất lớn vào ý thức doanh nghiệp. Điều đó đòi hỏi chủ kinh doanh xăng dầu phải có đạo đức kinh doanh, không làm ăn dối trá. Để tránh mánh khóe gian lận, ông Trần Quốc Thành khuyến cáo người tiêu dùng: “Nên mua xăng theo dung tích chứ không nên mua xăng theo số tiền chẵn, bởi thông thường khi đi kiểm định các cột bơm xăng, đơn vị kiểm định kẹp chì ở số lượng lít chẵn, tất cả các điểm đó điều chỉnh IC đúng. Quan sát hiển thị của đồng hồ xăng, yêu cầu nhân viên chuyển đồng hồ về “0” trước khi bơm; khi thấy hành động bất thường như cắt nguồn điện, bấm thêm nút trước khi bấm số tiền là phải cảnh giác. Nếu thấy nghi ngờ về số lượng, người mua có thể đề nghị nhân viên bán hàng đối chứng bằng cách bơm xăng vào các bình đựng chuẩn có sẵn ở cửa hàng, điểm bán xăng (theo quy định) để kiểm tra, đối chiếu. Bên cạnh đó, phải mạnh dạn tố giác nếu phát hiện đại lý, điểm bán xăng dầu nào có dấu hiệu vi phạm, cố tình đong thiếu cho khách hàng để việc kinh doanh xăng dầu diễn ra minh bạch, công bằng hơn”.
 
Trước tình hình vi phạm khá phổ biến như hiện nay, các cơ quan chức năng cần phải có những giải pháp ngăn ngừa triệt để, xử lý đồng bộ và đủ mạnh; Công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng danh tính các cơ sở có hành vi gian lận về đo lường xăng dầu để người tiêu dùng biết và né tránh. Trên cơ sở đó hình thành mạng lưới giám sát rộng rãi của nhân dân và các đơn vị chức năng đối với các cơ sở bán lẻ xăng dầu. Nếu phát hiện những sai phạm, người tiêu dùng sẽ tẩy chay, đó là hình phạt có tính răn đe cao nhất đối với các cơ sở vi phạm.
 
Thanh tra chuyên ngành về đo lường, chất lượng hàng hóa và sở hữu công nghiệp đã kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn Nghệ An 
 
Đến ngày 5/11/2014, thanh tra 43 cơ sở đã phát hiện 12 cơ sở vi phạm, xử phạt 11 cơ sở với tổng số tiền phạt 561 triệu đồng, rút giấy phép, niêm phong đình chỉ kinh doanh 7 cơ sở, chuyển hồ sơ lên cấp trên xử lý 1 cơ sở vi phạm về chất lượng đo vượt thẩm quyền.                                        - CL
 
 
 
Bài, ảnh: Ngọc Anh