(Baonghean)-Trong tháng Giêng này, các lễ hội diễn ra tại các đền, chùa, di tích văn hóa trên địa bàn tỉnh thu hút hàng triệu du khách thập phương và người dân tham dự. Hiện các ngành chức năng đang triển khai nhiều biện pháp nhằm tăng cường đảm bảo ANTT mùa lễ hội… Tuy nhiên, nhiều “vấn nạn’’ vẫn còn diễn ra.
Tăng cường đảm bảo an ninh trật tự
Ngay từ tháng 12/2015, Công an tỉnh đã có công điện chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương phối hợp với cơ quan chức năng, ban tổ chức lễ hội chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai lực lượng đảm bảo an toàn các lễ hội diễn ra trên địa bàn. Trong đó, ngành Công an đã chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch đảm bảo ANTT, an toàn cho du khách tham dự lễ hội; ngăn chặn tình trạng chèo kéo, tranh giành khách; chú trọng tới công tác phòng cháy, chữa cháy; đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng lễ hội để hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình... Phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch và các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động quản lý lễ hội. Đại úy Nguyễn Văn Đạo - Phó Trưởng phòng tham mưu (Công an tỉnh) cho biết, đối với những trường hợp lợi dụng lễ hội để thực hiện các hành vi mê tín dị đoan cũng như thực hiện các hành vi trộm cắp, đánh bạc, lực lượng công an sẽ xử lý nghiêm theo đúng quy định.
Người dân đi giải hạn ở Đền ông Hoàng Mười. Những ngày đầu năm, tại Đền ông Hoàng Mười (xã Hưng Lợi, huyện Hưng Nguyên), lượng du khách đến thắp hương đông. Những năm trước, tình trạng chèo kéo khách, ăn xin đeo bám, các chiếu xóc quẻ, bói xăm diễn ra công khai ngay trong khuôn viên đền. Năm nay, tình hình ANTT tại đền Hoàng Mười đã được thắt chặt. Tuy nhiên, nhiều hình ảnh không đẹp vẫn còn diễn ra. Ngay cổng đền, 3 - 4 người ăn xin nằm vạ vật, ngả nón xin tiền. Mặc dù, cạnh đó Ban quản lý đền đã đặt biển đề nghị người ăn xin không được vào trong khuôn viên đền. Trong đền, tình trạng mời chào viết sớ, xin quẻ vẫn còn diễn ra; cuối đền, rất đông người tụ tập xem một nhóm người lên đồng. Những người phụ nữ này mở nhạc, lắc lư rồi chỉ tay quát mắng, vung tiền cho lộc những người đến quỳ lạy. Ban quản lý đền đã yêu cầu nhóm người này dừng ngay hành vi sai trái và tuyên truyền cho người dân không tin vào những trò mê tín.
Còn tại Đền Hồng Sơn (phường Hồng Sơn, thành phố Vinh), để đảm bảo ANTT cũng như hạn chế tình trạng mê tín dị đoan, Ban quản lý đền đã cho treo các biển báo cấm đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch ngay trong đền. Các điểm đốt vàng mã cũng được bố trí và có hướng dẫn cụ thể cho du khách biết. Theo Trung tá Nguyễn Văn Mậu - Trưởng Công an phường Hồng Sơn thì để đảm bảo tốt công tác ANTT tại đền, công an phường đã có kế hoạch phối hợp với các lực lượng chức năng cùng bảo vệ dân phố thường xuyên có mặt tại các di tích để đảm bảo trật tự và PCCC. Phối hợp với Ban quản lý đền, chùa thường xuyên nhắc nhở các trường hợp cố tình chèn ép giá; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật như trộm cắp tài sản, móc túi nên tình hình ANTT luôn được đảm bảo.
Tại Đền Cờn (phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai), mặc dù còn hơn 1 tuần nữa mới khai hội nhưng từ đầu năm, lượng du khách đổ về ngày càng đông. Bên cạnh việc tổ chức, quản lý các hoạt động tại đền vừa đảm bảo phát huy giá trị văn hóa thì công tác đảm bảo ANTT cũng được chính quyền và các lực lượng chức năng hết sức quan tâm. Bên cạnh đó, phương án đảm bảo an toàn cho du khách về thăm quan, cúng viếng được lên kế hoạch cụ thể. Theo lãnh đạo xã Quỳnh Phương cho biết, trước, trong và sau Tết, lực lượng công an thị xã và phường luôn túc trực, nắm tình hình không để xảy ra tình trạng bán hàng rong chèo kéo du khách, nạn ăn xin, xe cộ lấn chiếm, quản lý các dịch vụ văn hóa, ăn uống, giá các mặt hàng. Để tránh tình trạng mất cắp, hệ thống camera an ninh cũng đã được đưa vào sử dụng.
Cảnh giác với những trò mê tín dị đoan
Những năm gần đây, việc giải hạn được tổ chức quy mô, bài bản. Phổ biến nhất vẫn là giải hạn ở các đền, chùa. Để giải hạn, đơn giản thì mỗi người chỉ cần nhờ một thầy viết sớ rồi trực tiếp cúng và giải hạn. Cầu kỳ hơn, thì một nhóm từ vài người đến vài chục người sẽ tập hợp nhau lại và cùng thuê một thầy để giải hạn. Quy trình giải hạn có nhiều bước, thủ tục, tuy nhiên trong giải hạn thứ không thể thiếu đó là cúng và hóa vàng mã. Ít thì chỉ một hình nhân thế mạng, nhiều hơn thì có thêm thuyền giấy, ngựa giấy... |
Ở Đền Hồng Sơn, theo quy định của đền (đã được niêm yết), mỗi lần giải hạn là 150.000 đồng. Hiện ở đền có 5 thầy làm giải hạn thường xuyên. Ông Hồ Quang Tiến - Phó Ban quản lý đền cho biết: “Thực ra, việc niêm yết phí giải hạn sẽ tạo điều kiện cho người dân trong quá trình giải hạn, tránh tình trạng người dân bị “nói thách, nói chém” hoặc bị các thầy tự ý nâng giá... Nhờ cách làm này, nên hoạt động giải hạn ở đền Hồng Sơn những năm gần đây quy củ và nề nếp hơn. Ban quản lý đền cũng đã lập biên bản và xử lý một số trường hợp các thầy tự ý thu cao hoặc nâng giá”. Tuy nhiên, cũng theo ông Hồ Quang Tiến, do đa số người dân có tâm lý đã đến đền chùa, đến nơi tâm linh là không mặc cả, không thắc mắc nên vẫn bị các thầy lợi dụng. Vì vậy, người dân cần chủ động đi mua lễ, cân nhắc khi được các thầy gợi ý mua sắm thêm vàng mã, lễ vật, có ý kiến với ban quản lý khi thấy giá các thầy đưa ra cao hơn quy định. Đặc biệt, không nên quá mê tín mà bỏ quá nhiều tiền, của để giải hạn, giải các sao xấu.
Nhếch nhác hình ảnh ăn xin, chèo kéo khách trước cổng chùa Cần Linh Tại Đền ông Hoàng Mười, hơn 50% khách đến dâng lễ đầu năm là xin giải hạn. Vì vậy, nhiều năm nay hoạt động giải hạn diễn ra khá lộn xộn. Có thời điểm, do các thầy giải hạn quá nhiều, mỗi thầy lập đàn ở một điện nên chiếm hết diện tích, ảnh hưởng đến những người đi dâng hương. Để chấn chỉnh tình trạng này, năm nay Ban Quản lý Đền ông Hoàng Mười tuyệt đối không cho các thầy làm lễ giải hạn ở khu thượng điện, nhằm tạo mọi điều kiện cho nhân dân đến dâng hương, dâng lễ đầu năm, đồng thời chỉ cho phép các thầy tổ chức giải hạn vào ban đêm để không ảnh hưởng đến người đi lễ. Những người lợi dụng đền để xem bói, bốc quẻ đều bị nghiêm cấm. Ban quản lý đền cũng thường xuyên nhắc nhở người dân trong quá trình mua lễ, vàng mã và đề nghị không nên quá lãng phí, vừa tốn tiền vừa ảnh hưởng đến môi trường. Cũng nhờ những việc làm quyết liệt này nên năm nay, mọi hoạt động dâng lễ đầu năm tại Đền Hoàng Mười diễn ra trật tự, đúng quy củ hơn.
Ông Nguyễn Đình Tường - Phó Trưởng Ban quản lý Đền ông Hoàng Mười, cho biết: “Dâng sao giải hạn vốn theo phong tục tập quán của người phương Đông và xuất phát từ tục lệ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Vì vậy, đi giải hạn, đơn giản cầu để lòng được bình an. Còn cho rằng giải hạn để cầu lộc, cầu tài là không có căn cứ. Cũng đừng vì vậy cho rằng cứ “mâm cao cỗ đầy” là giải được hạn. Tất cả phải được xuất phát từ tâm, từ đạo của mỗi con người”. |
Mặc dù đã có những kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự của các cơ quan chức năng nhưng với nhiều hình thức tinh vi, nhiều đối tượng vẫn lợi dụng các lễ hội, lợi dụng sự mê muội của một số người dân để lừa đảo. Ngay như tại Đền Hoàng Mười, mặc dù Ban quản lý đền nhiều năm nay đã ngăn cản hành vi bói toán, xem chỉ tay nhưng nhiều đối tượng vẫn ngang nhiên hoạt động. Vì vậy, ngoài trách nhiệm của các lực lượng chức năng, thì du khách khi đến tại các đền, chùa, các di tích cần đề cao cảnh giác, tránh việc bị lừa, lợi dụng lòng tin để tham gia vào những hình thức mê tín dị đoan, vừa mất tiền, vừa gây tâm lý bất an.
Nguyên Hưng – Mỹ Hà