(Baonghean) - Mấy tháng nay, bà Vương Thị Quế ở xóm Kim Thanh (đội 1), xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương không còn đi làm thêm như trước. Nhưng hàng ngày, bà dậy từ sớm để nấu cơm, cháo cho 3 đứa trẻ có hoàn cảnh éo le mà bà nhận nuôi.
Từ 3 đứa trẻ bơ vơ...
Hoàng Thị Phương Dung (SN 2004), Hoàng Thị Phương Ngân (SN 2006) và Hoàng Trọng Đức (18 tháng tuổi) là con của anh Hoàng Trọng Bình (SN 1973) và chị Đậu Thị Vân. Năm 2012, Hoàng Trọng Bình bị Công an Thành phố Hồ Chí Minh bắt giữ vì liên quan đến một vụ án mua bán trái phép chất ma túy. Khi đó, Đức còn đang nằm trong bụng mẹ, bên cạnh nỗi đau khổ, thất vọng về chồng thì gánh nặng cơm ăn, áo mặc, học hành cho các con nhỏ khiến cho chị Vân bị ức chế thần kinh và có dấu hiệu bị trầm cảm. Sau khi sinh cháu Đức, chị Vân bắt đầu có những biểu hiện không bình thường, chị bỏ con ở nhà, lang thang khắp nơi. Cách Tết Nguyên đán 3 tháng, chị mang theo bé Ngân bắt xe buýt xuống TP. Vinh. Khi ra đi thấy em khóc, Ngân nhất định không chịu theo mẹ, cứ nằng nặc đòi về. Thấy hai mẹ con giằng co nhau, công an Thành phố Vinh chú ý, sau khi liên lạc với nơi cư trú biết chị Vân có bệnh nên đã giữ lại, ngay sau đó, chị được đưa đến một cơ sở xã hội để điều trị.
Bé Đức mới hơn tuổi, bị bỏ đói, khát sữa khóc dai dẳng suốt đêm ngày, xóm làng ai cũng xót xa. Nhà bà Quế cách có một quãng đường, nghe tiếng khóc nóng lòng, nóng ruột, bà Vương Thị Quế đóng cửa nhà mình sang đó. Suốt 3 ngày, 3 đêm, bà ở lại, hết lòng chăm sóc 3 đứa trẻ. Biết chị Vân đã được đưa đến cơ sở xã hội để điều trị, bà Quế đã đưa cả 3 đứa trẻ về nhà mình nuôi dưỡng.
Mỗi sáng, bà Quế lại dậy từ 5 giờ để nấu cơm cho 3 cháu, rồi tắm rửa, giặt giũ, loay hoay cả ngày... Tấm lòng của người đàn bà góa bụa lay động mọi người ở làng trên, xóm dưới, họ cùng xúm lại, giúp bà Quế nuôi nấng, đùm bọc các cháu, người tấm bánh, người vài cân gạo, người ít lạng thịt hay con cá. Rồi UBND xã, huyện, các tổ chức đoàn thể cũng đến hỗ trợ các cháu tiền, gạo, quà bánh...
Đến tấm lòng của người góa phụ
Vợ chồng bà Vương Thị Quế sinh hạ được 1 người con trai, 1 người con gái. Người con gái lấy chồng ở xã bên, đã có con, dù không giàu có nhưng cuộc sống ổn định. Còn con trai làm nghề lái xe thuê, nay đây, mai đó. Năm 2002, qua mấy năm chống chọi với căn bệnh ung thư, chồng bà qua đời. Nhà có 2 sào ruộng, bà cày cấy chăm bón, cái ăn cũng tạm đủ, những lúc nông nhàn, bà được người quen nhờ đi làm cấp dưỡng cho các đơn vị, có khi sang tận bên Lào nấu cơm cho thợ người Việt, mỗi tháng cũng có 3 - 3,5 triệu đồng. “Đi nấu ăn xa nhà nên tôi cũng không rõ tình hình ở nhà. Vừa rồi về quê nghỉ Tết, biết chuyện nhà chị Vân, thấy mấy đứa con nheo nhóc, tôi không thể ngủ được. Cũng chỉ vì thương quá nên tôi đã đưa các cháu về, nghĩ đơn giản có rau, cháo ăn cùng ăn. Mẹ tôi nay đã 97 tuổi, qua nhà thấy các cháu ở với tôi cũng động viên: “Con gắng nuôi các cháu mà làm phúc. Sau này chúng nó không trả được ơn thì có trời trả cho con ạ”- bà Quế chia sẻ.
Con trai, con gái bà Quế cũng ủng hộ mẹ, mua thêm sữa, quần áo cho 3 chị em con chị Vân. Việc chăm sóc trẻ con, nhất là bé Đức mới hơn 1 tuổi không hề dễ dàng, những lúc bé khát sữa, sốt quấy khóc làm bà Quế càng lo lắng. “Nhưng nay thì nó đỡ rồi, lại cun cút chơi với các chị để bà rảnh tay làm việc” bà Quế nở nụ cười đôn hậu cho biết. Ngôi nhà nhỏ bé của bà Quế lọt thỏm dưới hàng tre, mái lợp tranh, nền đất, vách che bằng những tấm bạt, ván gỗ hở hoác. Mùa Đông, gió vẫn lùa qua kẽ hở những tấm gỗ hun hút vào nhà, 4 bà cháu ôm nhau chống chọi với cái rét khắc nghiệt của trời đất. Dẫu vậy, bà vẫn ân cần chăm sóc, vui đùa cùng các cháu, cưng nựng khi bé Đức khóc và dạy các cháu biết chào hỏi lễ phép khi có khách tới chơi nhà, biết nói lời cám ơn khi khách cho quà...
Sau thời gian nghỉ học ở nhà khi mẹ bỏ đi, bà Quế dắt cháu Dung lên đề xuất với lãnh đạo xã để giúp cháu có thể trở lại trường học. Biết hoàn cảnh của Dung và Ngân, Ban Giám hiệu và giáo viên chủ nhiệm lớp 5A, 3A Trường Tiểu học Võ Liệt 1 đã tạo điều kiện để 2 em tiếp tục tới trường... Chị Nguyễn Thị Lý – hàng xóm nhà bà Quế chia sẻ: “Nhiều người trong, ngoài xóm thương cảm hoàn cảnh 4 bà cháu trong ngôi nhà trống trước, hụt sau đã đề nghị đưa các cháu về nhà mình chăm sóc. Chúng đã về ở nhà xóm bên được 1 vài ngày, nhưng đến tối cả 3 chị em lại dắt díu nhau về với bà Quế”.
Ông Phan Chính Tâm, Chủ tịch UBND xã Võ Liệt cho biết: “Người như bà Quế hiếm lắm, không phải ai cũng làm được đâu, phải là người có lòng thương con trẻ, không toan tính thiệt hơn mới đưa 3 đứa trẻ không có quan hệ huyết thống về nuôi nấng, chăm sóc như con cháu trong nhà. Cán bộ xã cũng đóng góp người ít, người nhiều, rồi ưu tiên các phần quà Tết để 4 bà cháu bớt khó khăn trong giai đoạn trước mắt. Xã cũng đã nghĩ tới phương án để bà Quế nhận các cháu làm con nuôi, nhưng chiếu theo các quy định hiện hành thì vẫn còn vướng mắc. Hiện tại, chính quyền địa phương đã liên lạc với người thân của các cháu trong miền Nam để có phương án tối ưu nhất cho các cháu, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có hồi âm. Trong thời gian này, chúng tôi chỉ biết động viên bà Quế chăm sóc các cháu và vận động các tổ chức, đoàn thể xúm tay vào giúp đỡ”.
Tâm sự với chúng tôi, bà Quế rơm rớm nước mắt: “Mình vất vả một tý nhưng vui cô ạ, có bà, có cháu, căn nhà cũng đỡ lạnh hơn. Mẹ thằng Đức vì bệnh tật mà phải xa các con chứ làm mẹ, ai nỡ bỏ rơi con cái mình. Còn tội của cha chúng nó thì đã có pháp luật xử lý, mấy đứa trẻ này có tội tình chi (?) Cứ nghĩ chúng phải xa cha, xa mẹ là thiệt thòi lớn, nên tôi thấy xót xa, thương các cháu lắm. Tôi sẽ chăm sóc nuôi dạy, khi nào bố mẹ các cháu về thì trả lại”. Bé Đức thấy bà khóc, chạy lại ôm cổ, đưa bàn tay nhỏ xíu vuốt nước mắt, thấy thế, bà Quế bật cười khoe: “Tối đi ngủ nó biết gọi Pà, pà (bà) rồi đó”. Cùng lúc cả Dung và Ngân cũng chạy lại ôm em trêu đùa, cả 4 bà cháu cùng vui cười, ngôi nhà nhỏ trở nên râm ran như xóa tan những nỗi buồn đang hiện hữu...
Hà Linh