“Đến hẹn lại lên”, sau Tết, người giúp việc nghỉ lâu, thậm chí bỏ việc, khiến nhiều gia đình ở Thành phố Vinh gặp khó khi vừa phải tự bố trí, xoay xở việc nhà, lo cho con cái vừa phải chu toàn việc cơ quan…
Dở khóc, dở cười…
Sau những ngày nghỉ Tết, trở lại với bộn bề công việc, chị Nguyễn Hải Yến ở phường Quán Bàu (TP. Vinh) đếm từng ngày, mong người giúp việc ở quê lên. Vợ chồng chị đều là nhân viên ngân hàng, công việc đi sớm, về muộn, hai đứa con chị lại đang bé nên trước khi người giúp việc về quê, chị Yến đã nhắc đi nhắc lại, muộn nhất là sáng sớm mùng 6 trở lại làm việc. Thế nhưng, lần lữa mãi, người giúp việc xin khất tới tận ngoài Rằm tháng Giêng, với lý do phong tục ở quê là phải đi lễ chùa, rồi cúng Rằm… Khi chị “xuống nước” năn nỉ thì bà ấy lại bắt đầu kể “khổ” chuyện trông trẻ, rồi so bì với nhà khác để đòi tăng “lương”… Thế là chị Yến phải tìm người giúp mới. Trong thời gian đó, hai vợ chồng chị đành phải phân chia nhau việc nhà, chăm con, rồi đưa, đón con… Chị than thở “không có người giúp việc, “bí” quá, mình có “ba đầu sáu tay” cũng không thể kham nổi; thỉnh thoảng vẫn phải xin cơ quan đến muộn giờ hoặc về sớm…”.
Còn gia đình chị Nguyễn Kim Ngân ở phường Hà Huy Tập, mặc dù “chiều” người giúp việc bằng đủ mọi cách: mua quà cáp gửi về quê dịp Tết, hàng tháng còn thưởng thêm… nhưng sau Tết, vẫn không tránh khỏi cảnh phải tự xoay xở vì “ô sin” bất tín. Đến mồng 6 Tết, chị gọi điện cho người giúp việc thì bị từ chối khéo, “nhà có việc phải giải quyết”, rồi khất lần, khất lữa… Gia đình chị có con nhỏ, chồng lại đi làm xa nên không có người hỗ trợ trông con để đi làm. Cực chẳng đã, chị phải nhờ bố đẻ từ quê xuống trông coi tạm thời. Không có người giúp việc, cuộc sống gia đình chị Ngân bị đảo lộn hết cả. Chị phải tranh thủ dậy sớm, lo chợ búa, cơm nước, rồi thức con dậy, cho ăn để đi làm cho kịp giờ, rồi lại tất bật về lo bữa trưa, chiều… tối về lại cơm nước, giặt giũ, dọn dẹp.
Chị chạy đôn, chạy đáo, nhờ người nhà ở quê giới thiệu, nhờ bạn bè trên thành phố tìm người giúp việc mới nhưng đều vô hiệu. Để tiết kiệm thời gian và giảm thiểu phiền hà, chị chấp nhận mất phí trung gian nhờ trung tâm môi giới việc làm để tìm người giúp việc thế chỗ. Thế nhưng, để tìm được người giúp việc vừa ý, đủ tin tưởng để giao nhà cửa, trông coi các con không phải là chuyện đơn giản. Chỉ trong vòng một tuần, gia đình chị đã phải thay đến 2 người giúp việc. Chị Ngân ngao ngán: “Người giúp việc giờ cũng “lựa” việc lắm, ít người muốn làm ở những gia đình có con nhỏ, sợ vất vả; có người đồng ý nhận làm thì lại đòi mức lương trên 3 triệu đồng; công chức nhà nước chúng tôi kham sao nổi”.
Năm nào cũng vậy, thị trường lao động giúp việc sau Tết bao giờ cũng “nóng”. Không chỉ các gia đình lao đao vì thiếu người giúp việc, các công ty lao động dịch vụ giúp việc cũng thiếu nhân lực trầm trọng. Theo tìm hiểu tại Công ty TNHH thương mại dịch vụ gia đình Đại Thắng (TP. Vinh), chuyên về dịch vụ người giúp việc gia đình, nhu cầu tìm lao động giúp việc sau Tết thường cao hơn so với những tháng khác. Từ đầu năm đến nay, công ty đã tiếp nhận trên 60 yêu cầu của khách hàng gọi đến tìm người giúp việc nhà. Song cung không đủ cầu, công ty chỉ đáp ứng được khoảng trên 50%. Anh Hồ Hữu Thắng, Giám đốc công ty cho biết, những người làm giúp việc đa phần là nữ nông thôn thất nghiệp hoặc phụ nữ tầm tuổi 50; tâm lý chung của họ vẫn làm việc theo kiểu tự phát và tư tưởng “thích thì làm, không thích thì nghỉ”. Nhiều người thường ở lại quê sau Rằm, hoặc hết tháng Giêng mới trở lại thành phố làm, nên mặc dù công ty về tận các làng quê để rải tờ rơi tuyển dụng với mức lương từ 2,5 - 3 triệu đồng, có người đón tận bến xe, vậy mà tìm người giúp việc vẫn khó”.
Khan hiếm người giúp việc sau Tết, khiến dịch vụ thuê người giúp việc theo giờ, giúp việc thời vụ nở rộ. Với nhiều gia đình, đó là phương án chữa cháy tối ưu nhất. Đối tượng sinh viên được các gia đình lưu ý và lựa chọn thuê làm giúp việc theo giờ hoặc hợp đồng ngắn hạn. Công việc không mấy nặng nhọc, với mức thu nhập khá hấp dẫn nên hầu hết sinh viên đều rất hào hứng với công việc giúp việc thời vụ này. Vừa trở lại thành phố sau Tết, em Nguyễn Thị Hải, sinh viên Trường Đại học Vinh, được bạn bè giới thiệu đi làm giúp việc theo giờ. Mỗi ngày em tranh thủ 2 tiếng buổi chiều được nghỉ học để đến dọn dẹp, giặt giũ, nấu cơm (có hôm còn đón trẻ) cho một gia đình ở phường Cửa Nam và được trả 70 – 80 nghìn đồng/2 tiếng. "Công việc không có gì vất vả mà lại có thu nhập nên em cố gắng thu xếp để đi làm có thêm kinh phí trang trải cho việc học hành và cuộc sống; đỡ đần cho bố mẹ phần nào", Hải chia sẻ.
Xu hướng chung của các gia đình ở thành phố hiện nay là tìm người giúp việc theo giờ hoặc nửa ngày, để vừa làm được các việc cần thiết trong gia đình, như quét dọn nhà cửa, giặt giũ, nấu nướng (một buổi trong ngày); đón con đi học… như vậy vừa không phải nuôi người giúp việc ăn, ở trong nhà, tránh ảnh hưởng đến cuộc sống chung của gia đình lại vừa tiết kiệm chi phí hơn (chỉ từ 1,5 – 2 triệu đồng/tháng). Công việc giúp việc theo giờ, hoặc bán thời gian này chủ yếu phù hợp với những người lao động thiếu việc làm ở thành phố, mà hầu hết là sinh viên.
Thiếu cơ chế ràng buộc
Nghề giúp việc gia đình là nhu cầu tất yếu của cuộc sống hiện đại, đặc biệt ở khu vực thành phố. Thế nhưng, những người làm công việc này, đa phần họ vẫn có phần còn tư tưởng làm việc theo kiểu tự phát, thiếu chuyên nghiệp. Giúp việc gia đình vẫn chưa được xem là một nghề như những nghề khác trong xã hội. Bởi hầu hết giữa chủ nhà và người giúp việc không có sự ràng buộc nào mà đa phần vẫn quen với hình thức “thoả thuận miệng”. Nguyên nhân tình trạng này xuất phát từ cả hai phía. Người giúp việc đa phần xuất thân từ nông thôn, trình độ học vấn thấp, không dám ký kết hợp đồng lao động. Còn người thuê thì vẫn có thói quen là chọn người giúp việc có mối quan hệ họ hàng, bạn bè giới thiệu nên nể nang không giao kết hợp đồng bằng văn bản. Bên cạnh đó, trong khi nhu cầu về lao động giúp việc ngày càng tăng, khâu đào tạo các kỹ năng, kiến thức cần thiết cho người giúp việc vẫn chưa được chú trọng. Nên người giúp việc vẫn tự ý nghỉ việc không báo trước, còn chủ nhà thì đành chịu “bó tay”. Hoặc khi xẩy ra mâu thuẫn hoặc khúc mắc thì hai bên chủ nhà và người giúp việc vẫn tự giải quyết theo cách của mình.
Thực hiện một bản hợp đồng lao động giữa chủ nhà với người lao động giúp việc đã khó, huống hồ việc thực hiện theo các quy định của Nghị định 27/2014 của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 25/5/2014), với các nội dung như: thỏa thuận về tiền lương, tổng tiền lương bao gồm cả chi phí ăn ở của người giúp việc do 2 bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng; được trả thêm tiền lương nếu làm ngoài thời gian trong hợp đồng hay ngày lễ, Tết; được chi trả thêm một khoản tiền tương đương với mức đóng BHXH, BHYT…
Trao đổi về vấn đề này, ông Hồ Văn Chiến, Giám đốc Công ty TNHH tư vấn Kết nối (TP Vinh), chuyên cung cấp dịch vụ người giúp việc gia đình, thừa nhận: “Mặc dù đã ký hợp đồng nhưng có một số người giúp việc vẫn nghỉ việc sau Tết vì muốn thay đổi chỗ làm, hoặc muốn tìm chỗ làm lương cao hơn, thời điểm này lao động giúp việc lại khan hiếm nên chưa tìm được người thay thế, công ty đành phải trả lại chủ nhà 50% phí. Còn về mức lương và các công việc mà người giúp việc phải làm trong gia đình, hai bên tự thoả thuận; riêng khoản đóng bảo hiểm cho người giúp việc thì hiện nay người sử dụng lao động chưa tham gia”.
Như vậy, khi người giúp việc chưa được đào tạo những kỹ năng cần thiết, thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu hiểu biết về kiến thức pháp luật, còn người sử dụng lao động chưa có những ràng buộc chặt chẽ về mặt pháp lý, càng làm cho thực trạng thiếu người giúp việc sau Tết vẫn là câu chuyện chưa có hồi kết...
Đinh Nguyệt