Sáng 11/1, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức họp báo công bố tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.
bna_toan_canh8619503_1112021.jpgTham dự buổi họp báo có lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy, Ban Văn hóa – xã hội HĐND tỉnh, UBMTTQ tỉnh, Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan, cùng đại diện các cơ quan báo chí trung ương và địa phương. Ảnh: Phạm Bằng

NHIỀU KẾT QUẢ TÍCH CỰC

Năm 2020, là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của tỉnh, đất nước. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ, toàn diện và sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội. Bên cạnh đó, thời tiết cực đoan, thiên tai... gây thiệt hại nặng nề, tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống trên địa bàn tỉnh.

Trong bối cảnh đó, với quyết tâm và sự nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị và nhân dân cùng cộng đồng doanh nghiệp, tập trung thực hiện “mục tiêu kép”: vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh; vừa tập trung phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Tình hình kinh tế - xã hội năm 2020 của tỉnh đạt được những kết quả quan trọng.

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tăng 4,45%, đứng thứ 19/63 địa phương, trong khi GDP cả nước chỉ tăng 2,91%. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 17.363 tỷ đồng, tăng 14,11% so với dự toán đầu năm và tăng 11,6% so với dự toán điều chỉnh, tăng 7,3% so với năm 2019. Chi ngân sách đạt 29.688 tỷ đồng, đạt 109,4% dự toán và đạt 108,1% dự toán điều chỉnh.
Các đồng chí: Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Bá Hùng - Giám đốc Sở TT&TT; Đặng Thanh Tùng - Chánh Văn phòng UBND tỉnh đồng chủ trì buổi họp báo. Ảnh: Phạm Bằng

Khu vực nông, lâm, thủy sản tăng trưởng 4,99%, thể hiện được vai trò “bệ đỡ” của nền kinh tế trong lúc khó khăn. Tính đến cuối năm 2020, có 280/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 68,12% tổng số xã; có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; dự kiến có 6 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng và đạt chuẩn nông thôn mới…

Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp đạt 4,44%. Tổng lượt khách du lịch đạt 3,52 triệu lượt, bằng 53% cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 78.847 tỷ đồng, tăng 12,35% so với năm 2019. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt khá (tính đến 31/12/2020 phần ngân sách tỉnh quản lý đã giải ngân đạt 83,8% kế hoạch giao).

Hoạt động đối ngoại tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực. Môi trường đầu tư kinh doanh được tập trung cải thiện. Tính đến 31/12/2020, tỉnh đã cấp mới cho 84 dự án với tổng số vốn đăng ký 8.388,78 tỷ đồng; điều chỉnh 103 lượt dự án, trong đó điều chỉnh tổng vốn đầu tư 35 dự án (tăng 8.984,2 tỷ đồng).

Đồng chí Nguyễn Hữu Mão - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2020. Ảnh: Phạm Bằng

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục được quan tâm chỉ đạo; Tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2020 ước còn khoảng 3%. Chất lượng giáo dục toàn diện tiếp tục được chăm lo và khẳng định; tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt 72,66%. Quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.

Bước sang năm 2021, Nghệ An đặt chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) đạt 7,5% - 8,5%; Thu ngân sách 14.032,3 tỷ đồng; Kim ngạch xuất khẩu 1,2 tỷ USD; Tổng nguồn đầu tư phát triển toàn xã hội 88.000 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người 48-49 triệu đồng; có thêm 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới; mức giảm tỷ lệ hộ nghèo 0,5-0,7%...

Để đạt được các chỉ tiêu trên, UBND tỉnh đề ra 12 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Trong đó, tập trung chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025; Tiếp tục thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng chống và giảm thiểu thiệt hại từ đại dịch Covid-19. Tập trung tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, thúc đẩy đầu tư, bảo đảm an sinh xã hội.

Đồng chí Nguyễn Bá Hảo - Phó Giám đốc Sở TT&TT báo cáo kết quả hoạt động báo chí trên địa bàn. Ảnh: Phạm Bằng

Đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức cạnh tranh của nền kinh tế trong trạng thái bình thường mới; Đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Đổi mới giáo dục, đào tạo; nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ...

GHI NHẬN ĐÓNG GÓP TÍCH CỰC CỦA CÁC CƠ QUAN BÁO CHÍ

Tại cuộc họp báo, các nhà báo, phóng viên đã nêu nhiều câu hỏi, xung quanh các vấn đề về các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 2020 - 2025, như: Vì sao diện tích trồng cây chanh leo tại các huyện miền Tây đang giảm mạnh; Việc xử lý cán bộ sai phạm liên quan đến đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu có bỏ lọt đối tượng, nương nhẹ hay không; Kết quả giải quyết các vi phạm tại Công viên trung tâm TP Vinh như thế nào ?.

Nhà báo Bá Thăng - Báo điện tử VTC News đặt câu hỏi tại buổi họp báo. Ảnh: Phạm Bằng

Bên cạnh đó, các nhà báo cũng đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành trả lời rõ các vấn đề liên quan đến giá nước thô; Tình trạng xe buýt chạy ẩu; Việc thổi phồng giá thiết bị y tế; Sai phạm tại Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện Yên Thành, Quỳ Hợp, Tương Dương; Đến khi nào dự án Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An – giai đoạn 2 đi vào hoạt động...

Đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng, Công an tỉnh, Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An, Sở Thông tin và Truyền thông, UBND TP Vinh đã trả lời cụ thể nhiều câu hỏi của các nhà báo, phóng viên và đồng thời cảm ơn các cơ quan báo chí trong thời gian qua đã đồng hành vì sự phát triển chung của tỉnh, của các ngành.

Đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Giám đốc Sở NN&PTNT trả lời các câu hỏi về sai phạm tại các BQL Rừng phòng hộ; đề án phát triển cây chanh leo... Ảnh: Phạm Bằng
Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An Nguyễn Văn Hương trả lời câu hỏi của nhà báo về dự án Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An – giai đoạn 2. Ảnh: Phạm Bằng

Kết luận buổi họp báo, đồng chí Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, để đạt được những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 có sự đóng góp tích cực, hiệu quả của các cơ quan báo chí, của các nhà báo, phóng viên trên địa bàn. Hoạt động của cơ quan báo chí đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và nhiều vấn đề báo chí phản ánh đã giúp tỉnh, các sở, ngành xử lý, giải quyết hiệu quả.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, năm 2021 diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của đất nước, năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Đặc biệt là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX với nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, tập trung mạnh mẽ cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính, đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đồng chí Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu ghi nhận sự đóng góp tích cực, hiệu quả của các cơ quan báo chí, của các nhà báo, phóng viên trên địa bàn. Ảnh: Phạm Bằng

Thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh, đồng chí Bùi Đình Long đề nghị các cơ quan báo chí quan tâm tăng cường thông tin vào việc triển khai nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh. Đặc biệt, tăng cường quảng bá hình ảnh đổi mới, tích cực của chính quyền các cấp; tuyên truyền nhiều thế mạnh, tiềm năng của tỉnh nhằm thu hút nhiều nhà đầu tư vào địa bàn.

UBND tỉnh  sẽ tiếp tục tạo điều kiện để các cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên thường trú trên địa bàn hoạt động và đề nghị các sở, ngành, địa phương chủ động, kịp thời, minh bạch cung cấp thông tin cho báo chí. UBND tỉnh cũng sẽ nghiêm túc tiếp thu những ý kiến đóng góp xác đáng của các nhà báo, phóng viên để làm sao hoạt động của các cấp, các ngành ngày càng hiệu lực, hiệu quả hơn.