Tập trung phát triển du lịch cộng đồng
Dự thảo Nghị quyết về chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 do Sở Du lịch tham mưu xây dựng nhằm khuyến khích, đồng thời đưa du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đi vào hoạt động bài bản, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế du lịch của tỉnh.
Theo dự thảo, có 7 huyện và 27 thôn, bản, xóm trong tỉnh được thụ hưởng chính sách. Đối tượng hỗ trợ gồm thôn, xóm, bản và hộ gia đình kinh doanh du lịch cộng đồng; các huyện, thành, thị xã có hoạt động du lịch cộng đồng.
Mức hỗ trợ đối với thôn, xóm, bản gồm 55 triệu đồng để mua sắm bộ nhạc cụ, trang phục truyền thống phục vụ hoạt động văn hóa và lắp đặt hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn, biển quảng cáo, thuyết minh.
Đối với gia đình là 100 triệu đồng/hộ để mua sắm trang thiết bị nhà vệ sinh công cộng đạt tiêu chuẩn và mua sắm trang thiết bị ban đầu để phục vụ khách du lịch. Đối với các huyện sẽ hỗ trợ 130 triệu đồng/đơn vị để tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch và tuyên truyền, quảng bá du lịch.
Thẩm tra dự thảo Nghị quyết về chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, bên cạnh đồng tình cơ bản nội dung dự thảo, một số thành viên tham gia cuộc họp đều khẳng định sự cần thiết ban hành chính sách bởi Nghệ An là địa phương có nhiều phong cảnh đẹp và bản sắc văn hóa đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc để phát triển du lịch cộng đồng.
Thực tiễn, tại một số địa phương như Con Cuông, Tân Kỳ, Quỳ Châu... đã hình thành được một số mô hình du lịch cộng đồng hiệu quả.
Cơ bản đồng tình với các nội dung dự thảo, một số thành viên tham gia cuộc họp cũng đặt ra một số băn khoăn đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu bổ sung. Theo Chánh Văn phòng HĐND tỉnh Phạm Văn Hóa, điều cần quan tâm khi ban hành chính sách là phải đảm bảo hiệu lực, hiệu quả.
Vấn đề mà các huyện, xã, xóm đang thiếu và cần nhất hiện nay là quy hoạch tổng thể, phát triển hạ tầng phục vụ du lịch. Vì vậy, chính sách cũng cần vươn tới nội dung này; đảm bảo sự phát triển du lịch cộng đồng mang tính bài bản, bền vững, gắn với thu hút, liên kết doanh nghiệp đầu tư.
Bên cạnh đó, một số thành viên cũng chỉ ra những yếu kém tại các điểm du lịch cộng đồng như: Thiếu các sản phẩm làng nghề mang tính đặc trưng, đặc sản của địa phương để làm lưu niệm, làm quà cho du khách; đồng thời góp phần lưu giữ, bảo tồn các văn hóa của thôn, xóm, bản…
Kết luận nội dung này, Trưởng ban Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thu Hường đề nghị cơ quan soạn thảo cần đánh giá tác động của chính sách đến năm 2025, bao gồm tổng số huyện, xã, thôn, xóm, bản, điểm du lịch và gia đình được thụ hưởng chính sách; thu hút được bao nhiêu khách du lịch tại các mô hình du lịch cộng đồng được hỗ trợ; tạo việc làm cho bao nhiêu lao động tại các địa phương.
Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo cũng tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh mức hỗ trợ ở một số nội dung sát thực tiễn như cần tăng mức hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá.
Mặt khác, chính sách ban hành nhằm hỗ trợ xây dựng mô hình nên cần làm rõ trách nhiệm của chính quyền cấp huyện trong chỉ đạo, quản lý gắn với đánh giá, nhân rộng mô hình, đảm bảo phát triển du lịch cộng đồng gắn với các hoạt động văn hóa cộng đồng...
Đồng thời cần phải giải trình rõ tên tuổi, vai trò, đóng góp của các danh nhân đối với quê hương, đất nước. Mặt khác, việc lựa chọn tuyến đường để đặt tên phải đảm bảo tuyến đường đó xứng đáng với vị thế của danh nhân hoặc cần có kế hoạch, lộ trình đầu tư xây dựng, nâng cấp cụ thể các tuyến đường.