"HOMESTAY“ TRẢI NGHIỆM THÚ VỊ

Đến bản Nưa, xã Yên Khê (Con Cuông) vào một ngày cuối tháng 9, mặc dù trời mưa, nhưng các thành viên của nhóm du lịch cộng đồng nơi đây phục vụ với thái độ cởi mở, vui vẻ. Chị Lô Thị Hoa - Trưởng nhóm du lịch cộng đồng, phấn khởi cho biết, suốt mùa hè đến nay vẫn có khách du lịch về với bản.
Do vậy, chúng tôi phải phân công các thành viên trong nhóm tìm kiếm thực phẩm tươi để chế biến các món ăn cho khách. Du lịch cộng đồng là vậy, khi có khách là chị em trong nhóm có trách nhiệm mỗi người một tay, mục đích là làm sao để phục vụ khách tốt nhất, với mục tiêu “ngon, bổ, rẻ” làm hài lòng du khách khi đến với Con Cuông.
Trong bản hiện có 3 Homestay do dự án JICA (Nhật Bản) tài trợ từ năm 2011, dành để tiếp khách du lịch. Mỗi căn nhà có thể đáp ứng ăn, nghỉ cho một lúc 30 - 40 khách lưu trú qua đêm.
bna_dulich8133480_6102019.jpgDu khách trải nghiệm du lịch Homestay và khám phá sông Giăng ở Con Cuông. Ảnh tư liệu Bá Hậu

Homestay của gia đình chị Hoa được thiết kế nhà sàn truyền thống bằng gỗ của đồng bào Thái. Phần nền dưới sàn được ghép gạch men, bố trí bàn ghế và trưng bày một số dụng cụ lao động, sinh hoạt mang tính đặc thù của đồng bào Thái; sàn trên được lát bằng gỗ, đánh sơn mài, bố trí nhiều phòng nghỉ.

Mỗi phòng nghỉ được bố trí đệm, chăn, màn… sạch sẽ. Khu vực đất vườn xung quanh nhà được trồng các loại rau xanh và nhiều thứ cây ăn quả, hàng rào xanh được tạo bởi bờ mận hảo bắt mắt. Công trình vệ sinh, nước sinh hoạt… được xây dựng khang trang, kiên cố, sạch sẽ, bố trí khoa học, phù hợp với du lịch cộng đồng.

Các nhà sàn bố trí chỗ ăn, nghỉ cho các du khách. Ảnh: Xuân Hoàng
Chị Hoa cho biết: Mỗi khi có khách đến, nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng chủ động bố trí nơi ăn nghỉ cho khách chu đáo tại 1 trong 3 Homestay trong bản, cùng đó là huy động các thành viên chế biến các món ăn của đồng bào Thái.

Bình thường không có khách, các hộ ra đồng sản xuất, nhưng khi có khách du lịch về với bản là họ sẵn sàng đón tiếp khách với thái độ vui vẻ, ân cần, cởi mở với những bộ trang phục độc đáo, những tiết mục văn nghệ mang bản sắc của đồng bào Thái nơi đây. 

Đến với du lịch cộng đồng bản Nưa, du khách được trải nghiệm các dịch vụ sẵn có của đồng bào Thái rất bình dị, mộc mạc trong cuộc sống thường nhật nhưng lại rất sinh động như lội ruộng cấy lúa, đội nón lá ra đồng gặt lúa thủ công cùng với bà con, nơm cá dưới khe nước Mọc; tham quan vườn cam, vườn chè…
Những vườn cam trĩu quả là một điểm nhấn tham quan trong phát du lịch homestay ở Con Cuông. Ảnh tư liệu

Đặc biệt, du khách được thưởng thức các món ăn được chế biến ngay tại chỗ, bằng nguồn thực phẩm tươi sống của bà con dân bản tự nuôi, trồng được như: lợn đen, gà thả đồi, dê… rau rừng, hoa quả hái ngay trong vườn, rượu cần do bà con sản xuất… Bởi thế, lượng khách du lịch đến với du lịch cộng đồng bản Nưa ngày càng nhiều hơn.

Chị Hoa tự hào: Mỗi năm bình quân nhóm du lịch cộng đồng bản Nưa đón tiếp 3.000 lượt khách trong và ngoài nước. Từ đó, các thành viên trong nhóm du lịch cộng đồng có việc làm quanh năm, thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng.

Huyện Con Cuông còn có 2 bản du lịch cộng đồng đang xây dựng, đó là bản Khe Rạn, xã Bồng Khê và bản Làng Xiềng, xã Môn Sơn. Hai bản đã chọn được nhiều hộ có đủ điều kiện để đón tiếp khách du lịch lưu trú qua đêm.
Những năm qua, bà con nơi đây đã tự học hỏi kinh nghiệm trong cách đón tiếp khách du lịch, nên đã thu hút được lượng khách nhất định qua hàng năm.

"Con Cuông là địa phương có tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng, bởi trên địa bàn huyện có nhiều điểm du lịch sinh thái, cùng đó là đồng bào các dân tộc lưu giữ được bản sắc văn hóa đặc trưng, dân ca nhạc cụ, ẩm thực… nên du khách đến đây thỏa sức khám phá, trải nghiệm"

Bà Vi Thị Nguyệt – Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Con Cuông

Nghệ An còn có một số điểm du lịch cộng đồng thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Trong đó, phải kể đến bản du lịch cộng đồng xóm 4 Thái Minh, xã Tiên Kỳ (Tân Kỳ) và bản Hoa Tiến của xã Châu Tiến (Quỳ Châu)...
Du khách trải nghiệm ở làng nghề dệt thổ cẩm bản Hoa Tiến (Quỳ Châu). Ảnh tư liệu

Du khách đến đây không thể không dừng bước bên khung cửi của những phụ nữ Thái  với đôi tay thoăn thoắt đưa thoi, “thổi hồn” cho từng tấm thổ cẩm đầy “mê hoặc” rực rỡ sắc màu với những đường nét hoa văn nổi bật và thưởng thức những tiết mục văn nghệ độc đáo, hòa mình vào các trò chơi dân gian truyền thống của đồng bào Thái.

"Dù mới xây dựng làng du lịch cộng đồng, nhưng bà con trong xóm đã đón tiếp một số đoàn khách trong và ngoài nước. Đến đây, du khách được thưởng thức các món ăn truyền thống như: Cá nướng, gà nướng, lợn quay, cơm lam, bánh mọc, măng loi, trâu, bò giàng… Xóm cũng đã chọn 3 gia đình có đủ điều kiện để đón tiếp khách lưu trú qua đêm. Mới đây được Nhà nước cấp cho mỗi hộ 30 bộ chăn ga, gối đệm để phục vụ khách lưu trú". 

Ông Vi Văn Ngọc - Bí thư Chi bộ xóm 4 Thái Minh, xã Tiên Kỳ (Tân Kỳ) 

Dù mới phát triển vài năm gần đây nhưng du lịch cộng đồng được ngành du lịch và nông nghiệp xếp vào sản phẩm tiêu biểu của nông thôn có tiềm năng, có thể phát triển mạnh hơn nữa nếu biết khai thác chính sách và có cách làm đúng. 

THÁCH THỨC THAY ĐỔI
Thực tế tại các điểm du lịch cộng đồng ở Con Cuông, Tân Kỳ, Quỳ Châu… cho thấy, đồng bào các dân tộc đã phần nào làm quen với dịch vụ du lịch, cơ bản làm hài lòng khách đến. Tuy nhiên, để đáp ứng được tốt hơn cho khách du lịch, các điểm du lịch cộng đồng cần được khắc phục một số tồn tại.

Theo chị Lô Thị Hoa - Trưởng nhóm du lịch cộng đồng bản Nưa, trong bản hiện chỉ có 3 Homestay để đón khách là chưa đủ, bởi lượng khách ngày càng nhiều hơn. Nhưng để có thêm Homestay là rất khó, bởi cần phải có sự đầu tư để làm nhà, xây dựng các công trình vệ sinh, điện, nước… trong khi điều kiện kinh tế của các hộ dân còn hạn chế.

Hơn nữa, nguồn thực phẩm tại chỗ chưa đáp ứng được cho du khách, nhất là vào thời gian cao điểm của mùa du lịch, bởi phần lớn các hộ trong bản chưa ý thức được du lịch cộng đồng, nên chưa quan tâm đẩy mạnh chăn nuôi, hay trồng rau sạch trong vườn. Trong bản chưa bố trí được bãi đậu xe, nên vào thời điểm mùa du lịch, thiếu chỗ đậu xe ô tô. 

Bà Lào Thị Hải - Tổ trưởng Tổ dệt thổ cẩm ở điểm du lịch cộng đồng xóm 4 Thái Minh, xã Tiên Kỳ (Tân Kỳ) cho rằng, để điểm du lịch cộng đồng chủ động phục vụ khách, rất mong chính quyền địa phương cần đầu tư mua sắm cho xóm 1 bộ cồng chiêng, loa đài, âm ly, bộ nhảy sạp… để chủ động biểu diễn khi có khách. Hệ thống giao thông cũng cần được nâng cấp và có biển chỉ dẫn để du khách dễ tiếp cận. Những gia đình được chọn làm điểm lưu trú cho khách, cần đầu tư hệ thống công trình bếp nấu ăn, nhà vệ sinh kiên cố, khang trang, sạch sẽ. 

Du lịch cộng đồng Nghệ An là sản phẩm rất dễ thu hút quảng bá tới du khách quốc tế nếu được đầu tư đúng hướng. Vì vậy, để các điểm du lịch cộng đồng thu hút được khách, đặc biệt là khách lưu trú qua đêm, chính quyền địa phương các cấp và người dân cần khai thác chương trình OCOP để xây dựng những dự án hữu ích, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân bằng dịch vụ du lịch ngay tại bản làng, gia đình mình.

Chương trình OCOP: 'Bà đỡ' cho sản phẩm nông thôn tiêu biểu Nghệ An

(Baonghean) - Nghệ An có diện tích rộng nhất cả nước với 16.493 km2, đất đai trù phú, sở hữu nhiều nông sản phẩm đặc sắc và có giá trị cao...Chương trình OCOP được phê duyệt sẽ là tiền đề, “bà đỡ” quan trọng nâng cao nhận thức trong sản xuất và kinh doanh, hỗ trợ phát triển cho các sản phẩm địa phương.

Chương trình OCOP tiếp sức cho đặc sản Nghệ An

(Baonghean) - Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” được Chính phủ phê duyệt giai đoạn 2018 - 2020 và OCOP Nghệ An vừa được phê duyệt với nguồn vốn ngân sách 120 tỷ đồng sẽ là cơ hội để nhiều sản phẩm đặc sản của Nghệ An được chắp cánh trong thời gian tới nếu có cách làm và bước đi thích hợp.