(Baonghean) - Thiếu tướng, PGS - TS Lê Văn Cương - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Chiến lược, Bộ Công an vừa có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An về cuộc khủng hoảng Ukraina và những vấn đề liên quan. Xin trân trọng giới thiệu bạn đọc.
 
Phóng viên: Thưa Thiếu tướng, tình hình Ukraina đang ngày càng diễn biến phức tạp. Thiếu tướng có thể cho biết về bản chất của cuộc khủng hoảng ở Ukraina?
 
Thiếu tướng Lê Văn Cương:Có thể gọi cuộc khủng hoảng này là cuộc đảo lộn chính trị ở Ukraina, bắt đầu từ ngày 21/11/2013. Lúc chính quyền Yanukovich tuyên bố tạm hoãn ký liên kết với liên minh châu Âu, lực lượng đối lập đã tràn xuống Quảng trường Thủ đô Kiev để biểu tình phản đối, dẫn đến bạo loạn đẫm máu. Đây là một kịch bản do Mỹ chuẩn bị sẵn, tạo ra để lật đổ chính quyền Yanukovich. Kịch bản này giống như “cách mạng hoa hồng” ở Gruzia năm 2003, “cách mạng cam” ở Ukraina 2004.
 
images991104_8a.jpgTân tổng thống Poroshenko cầm cây trượng Bulava, biểu tượng quyền lựccủa Ukraine. (Ảnh: Reuters
 
Trước tình trạng bạo loạn đẫm máu, ngày 21/2/2014, chính quyền Yanukovich đã phải ký thỏa thuận hòa bình với phe đối lập được Mỹ và phương Tây hậu thuẫn. 8 giờ tối 21/2/2014, Tổng thống Obama điện cho Tổng thống Putin nói rằng Mỹ ủng hộ thỏa thuận của họ ký với nhau, chúng tôi đề nghị Nga và Hoa kỳ hợp tác để giúp hiện thực hóa thỏa thuận ấy, đưa Ukraina thoát khỏi khủng hoảng. Trước đó, Ngoại trưởng John Kerry cũng đã gọi điện cho người đồng cấp Lavrov nói như vậy. 14 tiếng đồng hồ sau, 10 giờ sáng ngày 22/2/2014, Mỹ chỉ đạo tổ chức cuộc đảo chính vi hiến lật đổ Yanukovich. Hiến pháp Ukraina hiện hành quy định một tổng thống chỉ bị phế truất khi có 75% đại biểu quốc hội đồng ý, thế nhưng tại cuộc đảo chính này chỉ có 72,8% đồng ý “hất” Yanukovich. Ngay sau đấy, các quan chức Mỹ, lãnh đạo 28 nước EU lũ lượt đến Kiev để đồng tình ủng hộ chính quyền lâm thời Kiev hình thành sau cuộc đảo chính ngày 22/2/2014. Nên nhớ, trong chính quyền lâm thời của Kiev có 1/3 là những phần tử phát xít mới, 2/3 là những tài phiệt gắn liền lợi ích với Mỹ và EU. Từ sự kiện này cho thấy tính hai mặt của Hoa Kỳ trong những sự kiện quốc tế hiện nay. 
 
Phản ứng trước vấn đề này, phía Nga đã phản công lại bằng cách sáp nhập Crimea, làm cho Mỹ và EU sốt sắng phản đối. Trong chuyện này Mỹ và EU không có tư cách nào để phê phán Nga cả. Bởi lẽ, từ năm 1793 bán đảo Crimea đã thuộc về Nga rồi. Crimea chỉ chuyển sang Ukraina vào năm 1954 trong một lần Khơrutsop là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô (người con của Ukraina) đi về quê và ông đã tự ý quyết định “tặng” Crimea cho Ukraina như một món quà. Đây cũng là việc làm vi hiến, vì Hiến pháp Nga lúc đó quy định khi muốn chuyển một phần lãnh thổ từ bang này sang bang khác thì trước tiên phải trưng cầu dân ý, thứ hai là phải được Xô Viết tối cao thông qua quốc hội đồng ý. Việc này làm người ta nhớ đến Kosovo 1000 năm là một tỉnh của Nam Tư, chưa bao giờ rời khỏi lãnh thổ Nam Tư. Thế mà năm 1999, Mỹ và NATO phát động chiến tranh 79 ngày tàn phá toàn bộ nước Nam Tư, trong khi Cộng hòa Nam Tư không hề đe dọa nước nào. Mỹ và NATO tổ chức một cuộc tấn công bằng đường không xóa sạch những cơ sở kinh tế của Nam Tư và sau đấy cắt Kosovo thành một quốc gia riêng. Đặt Crimea bên cạnh Kosovo thì thấy rằng Mỹ và NATO không có lý gì để phê phán Nga và Putin. Đó là chưa nói đến việc Mỹ tấn công Afghanistan năm 2001, tấn công Iraq năm 2003 khi chưa được Liên Hợp quốc đồng ý. 
 
P.V:Ngày 25/5 vừa qua Ukraina đã tổ chức bầu cử Tổng thống, mở ra một chương mới trong quan hệ giữa Nga với Ukraina, Nga với Châu Âu và Mỹ. Thưa thiếu tướng, ông đánh giá như thế nào về vị tổng thống mới của Ukraina?
 
Thiếu tướng Lê Văn Cương:Ông Petro Poroshenko là một tỷ phú chocolate, 1 trong 10 người giàu nhất Ukraina, có tài sản khoảng 1,5 tỷ USD, từng làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Kinh tế trong chính quyền cũ. Trong cuộc bầu cử 25/5 ông Petro Poroshenko giành được 54.87% số phiếu, người cao thứ hai là bà Tymoshenco. Điều này cho thấy trong lúc khó khăn, hỗn loạn, 45 triệu người dân Ukraina vẫn dành số phiếu cao cho Petro Poroshenko. Vậy là chính cử tri Ukraina đã tỉnh táo, không như một số người nghĩ bà Tymoshenko sẽ thắng lợi. Đa số cử tri đã chọn ông Petro Poroshenko vì ông này tranh cử đã nói 3 việc sẽ làm nếu đắc cử: Một là sẽ nói chuyện với các tỉnh miền Đông để tìm cách hòa giải đưa Ukraina thoát ra khỏi nội chiến, vì chẳng ai có lợi khi đất nước Ukraina nội chiến; Hai là vẫn xem Nga là một đối tác chiến lược; Ba là sẽ bằng mọi cách khôi phục kinh tế. Việc ông Petro Poroshenko thắng cử là một bước đệm gần như thỏa mãn được nhu cầu lợi ích các bên liên quan. Nga cũng cho như vậy là được, Mỹ và EU chấp nhận được. Petro Poroshenko thân Mỹ, EU nhưng không chống Nga quyết liệt như những người khác. Tuyên bố tranh cử của Petro Poroshenko dung hòa được lợi ích các bên, nên đương nhiên ông đắc cử. 
 
P.V:Xin hỏi Thiếu tướng một câu bên lề. Hiện nhiều người Việt Nam rất bức xúc bởi một hãng truyền thông lớn của Nga đã cho đăng bài viết của nhà báo Nga Dmitry Kosyrev nói rằng: Việt Nam, Philippines với Trung Quốc như là Crimea với Nga. Đây có phải là tiếng nói đại diện cho người Nga? Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào? 
 
Thiếu tướng Lê Văn Cương:Trong hàng nghìn nhà báo Nga có một loại nhà báo như Dmitry Kosyrev. Dmitry Kosyrev đã tốt nghiệp cử nhân báo chí, có thời gian tác nghiệp tại ASEAN lại làm việc cho một hãng thông tấn uy tín của Nga mà trình độ thấp kém đến thế. Con người này không hiểu tí gì về chính trị cả. Nếu Dmitry Kosyrev không nhận tiền của Trung Quốc để viết xằng bậy, thì đây là một người nhân cách thấp hèn. Tôi tin đây hoàn toàn là một hiện tượng cá biệt, là loại cặn bã trong nhà báo Nga cần phải thanh lọc. Xét trên mọi phương diện con người này không xứng đáng để cầm bút.
 
P.V:Thưa Thiếu tướng, thời gian qua nhiều người cũng đang đặt dấu hỏi thái độ của Nga đối với việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển thuộc chủ quyền, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam? Cho đến nay phía Nga chưa có một ý kiến chính thức nào. Cùng thời điểm đó Nga có chuyến thăm Trung Quốc, có cuộc tập trận chung trên Biển Đông.
 
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Khi đánh giá về Nga trong mối quan hệ với Trung Quốc, Nga với Việt Nam hiện nay cần từ điểm nhìn kinh tế, chính trị và an ninh gắn liền với nhau. Hiện tại, Nga đang cực kỳ khó khăn về kinh tế. Vì chuyện Crimea, trong 5 tháng đầu năm nay vốn đầu tư đã rút khỏi Nga hơn 60 tỷ USD, dự báo đến cuối năm hơn 100 tỷ USD. Nga đang đứng trước khó khăn kinh tế, ai làm ông chủ Điện Kremly vào thời điểm này cũng phải đặt lợi ích nước Nga lên tối thượng. Trong bối cảnh này, rõ ràng Việt Nam không thể giúp Nga được. Do đó họ phải tìm đến đối tác khác có khả năng giải quyết những bức bách về kinh tế. Và Nga buộc phải tìm đến Trung Quốc. Vì thế họ ký với nhau hợp đồng xây dựng đường ống dẫn khí khoảng 400 tỷ USD trong 30 năm.  
 
Tôi cho rằng bản thân Putin, Lavrov, Thượng viện và Hạ viện Nga đều có cảm tình với Việt Nam. Người Nga là dân tộc nhân hậu với Việt Nam. Nhưng khi đứng trước vấn đề này, họ buộc phải đưa ra lựa chọn nhằm đạt lợi ích tối thượng của người Nga. Putin phải đảm bảo cho nước Nga ổn định, không bị sụp đổ. Trong sự kiện giàn khoan này chúng ta cần bình tĩnh, tỉnh táo, đánh giá khách quan, hết sức thông cảm với bạn bè, thông cảm với cộng đồng quốc tế. 
 
P.V:Trở lại vấn đề Ukraina. Thưa Thiếu tướng, ông nhận định như thế nào về tình hình Ukraina trong thời gian tới. Liệu cuộc khủng hoảng có kết thúc nhanh chóng hay không?
 
Thiếu tướng Lê Văn Cương:Trong chính quyền Ukraina hiện nay có đến 1/3 thành viên là phát xít mới, gồm: Phó Thủ tướng, Bộ trưởng quốc phòng, Chủ tịch Ủy ban an ninh quốc gia, Bộ trưởng Nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường,  Tổng công tố. Lực lượng này rất mạnh, có thể sẽ chi phối chính sách của Tổng thống Petro Poroshenko. Có thể khi tranh cử Tổng thống Petro Poroshenko đưa ra 3 điều rất hay, nhưng thực thi thì không dễ.
 
Vì vậy, theo tôi tình hình Ukraina sắp tới tùy thuộc vào mấy yếu tố. Yếu tố đầu tiên là bản lĩnh của tân Tổng thống Petro Poroshenko. Ukraina nằm ở nút thắt địa - chính trị Âu – Á, có vị trí cực kỳ quan trọng. Những ai cầm quyền ở Kiev dung hòa tương đồng mối quan hệ giữa Nga, EU, Mỹ thì có khả năng tồn tại. Bởi Ukraina là mảnh đất thiên thời, địa lợi, chỉ tiếc là nhân không hòa. Nước này có 8 tỉnh phía Tây nói tiếng Ukraina, tôn giáo La Mã, lịch sử gắn liền với châu Âu; 11 tỉnh phía Đông có tôn giáo Nga, nói tiếng Nga, kinh tế Nga, truyền thống lịch sử gắn với Nga. Tổng thống nào cầm quyền Kiev dung hòa 2 cộng đồng cư dân nói trên thì thành công. 3 ông tổng thống trước đây đều thất bại, bà Tymoshenco thất bại. Vì 4 người này ngã theo EU, chống Nga, đều thất bại. Vì thế, nếu kết hợp lợi ích hài hòa thì Ukraina sẽ ổn định. 
 
P.V:Thưa Thiếu tướng, qua cuộc khủng hoảng ở Ukraina, Việt Nam có thể rút ra bài học gì, nhất là trong bối cảnh quan hệ quốc tế đang hết sức phức tạp như hiện nay?
 
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Theo tôi có 2 vấn đề từ sự sụp đổ của 4 đời tổng thống Ukraina thời gian gần đây. Thứ nhất, là những người lãnh đạo quốc gia phải bằng mọi cách phát triển kinh tế, đồng thời đảm bảo lợi ích hài hòa các tầng lớp dân cư, tầng lớp xã hội. Tiếp đó là, trong điều kiện toàn cầu hóa, bao giờ cũng phải đảm bảo đường lối độc lập, tự chủ. Kiên quyết không liên minh với ai để chống ai. Phải tỉnh táo, kết hợp sức mạnh dân tộc và thời đại trong bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Tạo ra mối quan hệ càng nhiều bạn bè càng tốt. Chỉ trên cơ sở tạo đồng thuận xã hội làm nền tảng, tạo mối quan hệ hài hòa. Một mặt nào đấy chúng ta cũng phải hết sức cẩn thận. Ta nằm ở cửa ngõ Thái Bình Dương. Cuộc đấu tranh ở thế kỷ XXI này sẽ tập trung ở Thái Bình Dương. Do đó, chúng ta phải tỉnh táo để thiết lập quan hệ ngoại giao đúng đắn, cân bằng. 
 
P.V: Xin cảm ơn Thiếu tướng, PGS.TS Lê Văn Cương!
 
Nhóm P.V(Thực hiện)