Báo chí cách mạng là công cụ của Đảng, có nhiệm vụ phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân, đồng thời thể hiện sinh động quan điểm, đường lối của Đảng.
Tính đảng là nguyên tắc nền tảng của công tác tư tưởng nói chung và của báo chí nói riêng. Tính đảng của báo chí cách mạng, một mặt, phải bảo vệ lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, mặt khác, đấu tranh một cách kiên quyết chống lại những tư tưởng thù địch, những quan điểm sai trái, những hiện tượng tiêu cực.
Ở phương diện này, tính đảng cũng có nghĩa là tính chiến đấu. Tính chiến đấu của báo chí cách mạng thể hiện trên ba mặt: đấu tranh phê bình và tự phê bình, đấu tranh lý luận và đấu tranh chống những hiện tượng tiêu cực trong Đảng, trong bộ máy Nhà nước và trong xã hội.
Phê bình và tự phê bình là quy luật phát triển của Đảng, của các tổ chức chính trị - xã hội, cũng như của mỗi cá nhân. Song phê bình và tự phê bình những khuyết điểm trên báo là việc không dễ dàng đối với các tác giả bài báo và cả người là đối tượng của phê bình. Đó là chưa kể những trường hợp phức tạp hơn, khó khăn hơn là phê phán, đấu tranh chống những hiện tượng tiêu cực.
Trong quá khứ, đã có một thời gian dài, khuynh hướng chính của báo chí là một chiều biểu dương cái thiện, cái tốt. Nêu lên cái tiêu cực, cái xấu là điều kiêng kỵ trên các trang báo. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có lần nhận xét báo chí ta: "Thường nói một chiều và đôi khi thổi phồng các thành tích, mà ít hoặc không nói đúng mức đến khó khăn và khuyết điểm của ta" (1). Mặc dầu Đảng ta đã phê phán khuynh hướng phiến diện, một chiều nói trên, nhưng cho đến nay, không phải báo chí đã khắc phục hết những lệch lạc đó. Khi đấu tranh chống tiêu cực thì ít chú ý biểu dương nhân tố mới.
Tính đảng của báo chí cách mạng còn thể hiện trong suy nghĩ và hành động của nhà báo. Gắn bó với cách mạng, bảo vệ cách mạng là truyền thống quý báu của đội ngũ nhà báo chân chính nước ta. Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ suốt 30 năm, đội ngũ nhà báo nước ta đã xông pha trên khắp các chiến trường với tư thế của người dũng sĩ với lý tưởng cao cả. Nhiều nhà báo đã hy sinh. Có thể nói, lịch sử báo chí cách mạng nước ta là lịch sử đấu tranh kiên cường của đội ngũ nhà báo - chiến sĩ. Không có đội ngũ nhà báo đáng quý đó thì cũng kh΄ng thể có báo chí cách mạng.
Tính đảng của báo chí đòi hỏi sự nghiên cứu kỹ lưỡng đường lối, quan điểm của Đảng, lý luận khoa học của chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Đặc điểm khoa học của hệ thống tư tưởng Mác - Lê-nin giúp nhà báo nhận rõ các khuynh hướng phát triển của xã hội và khám phá những khả năng sáng tạo của cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Đảng lãnh đạo báo chí và báo chí tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng là nhằm mục đích để báo chí phát huy quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin của báo chí; mặt khác, thông qua báo chí, Đảng phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong sự nghiệp cách mạng của đất nước. Sự lãnh đạo của Đảng tạo điều kiện cho báo chí phát triển và cống hiến nhiều nhất cho nhân dân, đất nước, đồng thời, qua đó, Đảng kịp thời phát hiện, uốn nắn những thiếu sót của báo chí, ngăn chặn những âm mưu của kẻ thù lợi dụng báo chí để phá hoại cách mạng. Sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí vừa là nguyên tắc, vừa là điều kiện để báo chí làm tròn chức năng của mình, xứng đáng là công cụ của Đảng và diễn đàn của nhân dân.
C΄ng cuộc đổi mới đất nước đang tạo nên sự đổi mới của báo chí, và sự đổi mới của báo chí lại góp phần tích cực vào quá trình đổi mới đất nước. Để phát huy mạnh mẽ vai trò của mình trong sự nghiệp đổi mới, báo chí và đội ngũ nhà báo luôn luôn nêu cao tính đảng cộng sản, nắm vững mục tiêu xã hội chủ nghĩa, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng: "Chú trọng nâng cao tính tư tưởng, phát huy mạnh mẽ chức năng thông tin, giáo dục, tổ chức và phản biện xã hội của các phương tiện thông tin đại chúng vì lợi ích của nhân dân và đất nước; khắc phục xu hướng thương mại hóa, xa rời tôn chỉ, mục đích trong hoạt động báo chí, xuất bản. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ hoạt động báo chí, xuất bản vững vàng về chính trị, tư tưởng, nghiệp vụ và có năng lực đáp ứng tốt yêu cầu của thời kỳ mới..."
---------------------
(1) Hồ Chí Minh Toàn tập - NXB CTQG - H - 1996 - T 10 - tr 614.