Ngoài quyết tâm chính trị của Đảng thì Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi, bổ sung là hàng lang pháp lý để xử lý nghiêm, mang tính răn đe đối với hành vi tham nhũng. Ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương trao đổi về vấn đề này.
Ông Vũ Quốc Hùng:Công cuộc phòng, chống tham nhũng của chúng ta khởi sắc và đạt được nhiều kết quả cụ thể, có nhiều vụ việc được làm rõ, xử lý nghiêm minh.
Mới đây, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, phiên họp lần thứ 14 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng có rất nhiều thông tin đáng chú ý.
Ban Chỉ đạo đã đưa một số vụ án, vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp vào theo dõi, chỉ đạo ở 3 cấp độ để tập trung chỉ đạo xử lý nghiêm minh, với nguyên tắc: “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”; hình thành cơ chế chỉ đạo xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế…
Trong tổng số 68 vụ án, 57 vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, đến nay đã kết thúc điều tra, truy tố và đưa ra xét xử sơ thẩm 40 vụ án/500 bị cáo, với các mức án nghiêm khắc, đúng quy định của pháp luật, rất nghiêm minh nhưng cũng rất nhân văn; trong đó có nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, kể cả những vụ án tồn đọng kéo dài từ nhiều năm trước đã được chỉ đạo xử lý dứt điểm.
Về nhiệm vụ công tác những tháng cuối năm 2018: Tập trung chỉ đạo để kết thúc điều tra 10 vụ án; ban hành cáo trạng truy tố 7 vụ án; xét xử sơ thẩm 10 vụ án; xét xử phúc thẩm 8 vụ án; xử lý 32 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo…
Sở dĩ có được kết quả như thế là do quyết tâm chính trị cao của Đảng. Điều đó củng cố thêm niềm tin và làm cho vai trò lãnh đạo của Đảng được nâng lên. Trong thời gian qua tự thân Đảng nhận thức và cụ thể hóa, thể chế hóa bằng Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Đó là những nghị quyết mà Đảng đã chỉ rõ ràng những thiếu sót, những yếu kém, những sai lầm trong nội bộ Đảng. Đảng công khai chứ không giấu giếm, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã nhận diện và chỉ rõ 27 biểu hiện suy thoái, tự diễn biến.
Những sự việc trên cho thấy, Đảng ta chống tham nhũng là chống một cách thật tâm, chống một cách kiên quyết, với tinh thần chống đến cùng chứ không chỉ là hình thức. Đây là việc mà như Bác Hồ đã nói là cuộc chống nội xâm, chống những điều xấu xa trong đồng chí của mình, thể hiện từ tư tưởng chính trị đến đạo đức lối sống, đến tham ô, lãng phí…
Thế nên có thể nói, trong thời gian qua Đảng ta rất quyết tâm chống tham nhũng, chống những suy thoái và cụ thể trong Nghị quyết Trung ương 4 đã nói không có vùng cấm, không có vùng trắng, không có sự nể nang và không né tránh.
Ông Vũ Quốc Hùng:Lý thuyết cũng như thực tế đã chỉ ra vai trò của người đứng đầu vô cùng quan trọng. Xưa ông cha ta có câu “một người lo bằng kho người làm”, còn nay vai trò của người đứng đầu có rất nhiều văn bản, nghị quyết nhấn mạnh điều này.
Trong thời gian qua, có thể nói Tổng Bí thư rất quyết tâm và luôn tỏ thái độ khi cần thiết. Đơn cử, khi Báo Thanh niên viết bài về sự xuất hiện của một chiếc xe ô tô Lexus 570, trị giá gần 6 tỷ đồng, được lắp biển kiểm soát màu xanh, dùng để chở ông Trịnh Xuân Thanh, khi đó là đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.
Những tưởng việc nhỏ, bởi Trịnh Xuân Thanh chưa nằm trong hàng ngũ cán bộ cao cấp, cũng chỉ là cán bộ trẻ. Nhưng nhận thấy việc này cần làm rõ, đồng chí Tổng Bí thư đã chỉ đạo và các cơ quan chức năng vào cuộc và qua vụ việc của Trịnh Xuân Thanh đã vỡ lở nhiều việc...
Ông Vũ Quốc Hùng:Mới đầu chỉ có nghị quyết về chống tham nhũng, sau đó có pháp lệnh về chống tham nhũng. Lúc đó tôi làm ở bộ phận thường trực Trung ương 62. Giờ phòng, chống tham nhũng không chỉ có nghị quyết của Đảng mà đã được thể chế hóa bằng luật pháp.
Đợt sửa đổi bổ sung Luật Phòng, chống tham nhũng lần này có rất nhiều nội dung đáng chú ý như: Mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng, chống tham nhũng đối với các hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân ngoài khu vực nhà nước. Xử lý tài sản không rõ nguồn gốc (không giải trình được) như thế nào? Ai kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ công chức?... Tôi cho rằng đây sẽ là công cụ sắc bén để phòng, chống tham nhũng; rồi mọi người dân soi vào đó để không vi phạm luật. Điều đó rất quan trọng vì chúng ta xây dựng một đất nước cần có sự điều chỉnh bằng luật pháp.
Có thể khẳng định, Luật Phòng, chống tham nhũng một lần nữa được xem xét bổ sung, sửa đổi là đúng quy luật, xuất phát từ hoạt động thực tiễn. Điều đó thể hiện Đảng không bảo thủ, kịp thời bổ sung những điều còn thiếu, còn chưa hoàn chỉnh.
Tôi thấy rất đáng mừng và tin với trí tuệ của cơ quan tham mưu trong việc chuẩn bị luật này và đặc biệt là trí tuệ của Quốc hội thì sẽ có một luật mang tính toàn diện hơn, khả thi hơn trong thời gian tới đây. Tôi tin tưởng, tới đây công cuộc phòng, chống tham nhũng vẫn tiếp tục được đẩy mạnh, hiệu quả hơn nữa.
Trong phát biểu kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành kiểm tra Đảng, đồng chí thường trực Ban Bí thư đã thay mặt Bộ Chính trị nhấn mạnh, xây dựng chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng là một trong những việc làm rất quan trọng. Quyết tâm chính trị của Đảng là nhất quán không dao động.
Trình bày báo cáo tại Phiên họp thứ 14, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, đồng chí Phan Đình Trạc, Trưởng ban Nội chính Trung ương nêu rõ: Trong 68 vụ đã kết thúc điều tra truy tố và đưa ra xét xử sơ thẩm 40/57 vụ việc tham nhũng kinh tế nghiêm trọng phức tạp, với 500 bị cáo; tổ chức 40 Đoàn công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng tại 15 cấp ủy, tổ chức đảng ở Trung ương và 63 ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương, kiến nghị 404 nhóm vấn đề về hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật,chỉ đạo xử lý 452 vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, thi hành kỷ luật hơn 4.300 cán bộ, đảng viên; kiến nghị thu hồi hơn 400 ngàn tỷ đồng và 18.525 ha đất, chuyển 515 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự sang cơ quan có thẩm quyền để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật…/.