Xã Nghi Công Bắc có gần 5.300 hộ với 15.000 nhân khẩu, dân cư  phân bổ trên 12 xóm. Thời gian qua, Nghi Công Bắc tập trung lãnh đạo nhân dân khai thác lợi thế phát triển nông nghiệp, hình thành các gia trại, đưa giống mới như cam, chanh vào sản xuất. Đến nay Nghi Công Bắc mới đạt 12/19 tiêu chí xã nông thôn mới, thu nhập bình quân 32 triệu đồng/người/năm.
 
bna_daibieuquochoianhthanhle7824152_6102018.jpgChiều 6/10, đại biểu Quốc hội tỉnh tại đơn vị bầu cử số 4 gồm các ông, bà: Nguyễn Vân Chi - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội; Nguyễn Thanh Hiền - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh có cuộc tiếp xúc cử tri huyện Nghi Lộc trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Thanh Lê

Tại hội nghị, đại biểu Nguyễn Vân Chi thông tin tới cử tri về dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, diễn ra từ ngày 22/10 - 20/11 sắp tới.

Cử tri xã Nghi Công Bắc, huyện Nghi Lộc bày tỏ phấn khởi, tin tưởng thời gian qua Quốc hội, Chính phủ có nhiều đổi mới trong chỉ đạo, điều hành và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhiều kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng của cử tri được đưa ra bàn bạc, thảo luận tại nhiều diễn đàn và được Quốc hội, Chính phủ các bộ, ban, ngành quan tâm giải quyết. 

Đại biểu Nguyễn Vân Chi thông báo dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Thanh Lê

Đề cập về chất lượng giáo dục trong Luật Giáo dục, cử tri Nguyễn Văn Thế phản ánh kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua đã phát hiện một số địa phương để xảy ra gian lận trong thi cử. Đề nghị lần này Quốc hội thông qua Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học sửa đổi cần luật hóa, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong thi cử, tạo niềm tin trong nhân dân.

Bày tỏ băn khoăn về việc kê khai tài sản của cán bộ đã thực hiện nhiều năm nhưng hiệu quả rất thấp, cử tri Nguyễn Văn Thế cho rằng, tuy Đảng, Nhà nước đã có nhiều biện pháp phòng, chống tham nhũng nhưng người dân vẫn còn nhiều bức xúc. Đặc biệt, người dân mong muốn Đảng, Nhà nước kiên quyết thu hồi tài sản tham nhũng.

Đồng quan điểm, cử tri Nguyễn Viết Xuân (xóm 9) đề nghị Quốc hội sớm thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) để hoàn thiện hành lang pháp lý cho vấn đề này. Đồng thời mong muốn Đảng, Quốc hội và Nhà nước tiếp tục nghiên cứu có chế tài đủ mạnh đủ sức răn đe, ngăn ngừa, xử lý các đối tượng tham nhũng.

Cử tri xã Nghi Công Bắc kiến nghị với Đại biểu Quốc hội. Ảnh: Thanh Lê

Cùng chung lo lắng về vấn đề phòng, chống tham nhũng, cử tri Võ Văn Lan, xã Nghi Công Nam cho rằng, vấn đề nhân dân đặc biệt quan tâm là chế tài xử lý việc kê khai thu hồi tài sản sau xử lý tham nhũng, chứng minh nguồn gốc tài sản. 

Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thanh Hiền trả lời những vấn đề cử tri quan tâm. Ảnh Thanh Lê

Ghi nhận đánh giá cao ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của cử tri, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thanh Hiền khẳng định: Nhiều vụ án tham nhũng kinh tế nghiêm trọng, phức tạp đã được xử lý nghiêm minh, không có “vùng cấm”. Vấn đề này đang được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo quyết liệt.

Trả lời băn khoăn của cử tri về vấn đề nợ công, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh thông tin thời gian qua, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp quan trọng để kiểm soát nợ công.

Đối với ý kiến cử tri về sử dụng nguồn vốn ODA, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền cho biết qua kết quả giám sát của, Đoàn ĐBQH tỉnh về việc thực hiện sử dụng nguồn vốn ODA trên địa bàn tỉnh cho thấy, nhiều công trình, dự án đã hoàn thành, đưa vào khai thác, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội và hỗ trợ giảm nghèo bền vững. Dù vậy, bên cạnh những kết quả, thành công, vẫn còn một số hạn chế trong quản lý, sử dụng nguồn vốn.

“Trong điều kiện nguồn thu của ngân sách hạn hẹp, yêu cầu đầu tư phát triển lớn nên việc tiếp tục vay vốn ODA là cần thiết. Đây là vấn đề đang được Quốc hội  tiếp tục bàn bạc, thảo luận, để hoàn thiện hệ thống pháp lý, nêu cao nhận thức về vốn vay ODA cũng như gắn trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc quản lý, sử dụng nguồn vốn này” - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh nhấn mạnh.