(Baonghean) -Vụ xuân 2013, lần đầu tiên Nghệ An triển khai xây dựng các cánh đồng mẫu lớn. Sau một vụ sản xuất, các cánh đồng mẫu lớn đều đã chứng tỏ được những thành công so với sản xuất đại trà.

Dưới cái nắng tháng 5 oi ả, chúng tôi tìm về xóm 10, xã Diễn Hùng (Diễn Châu). Bà con nông dân đang tập trung thu hoạch lạc xuân, ai cũng ướt đẫm mồ hôi, song nét mặt tươi vui phấn khởi. Anh Trần Trung (xóm 9) hào hứng: “Gia đình tui có 2.258m2 đất trồng lạc trong cánh đồng mẫu lớn. Nhờ sản xuất theo quy trình cánh đồng mẫu lớn nên lạc được mùa, năng suất lên tới 29 tạ/ha”. Theo anh, trước đây khi chưa có cánh đồng mẫu lớn, trên cánh đồng này còn trồng cả ngô, làm hạn chế sự phát triển của lạc. Không những thế, trong quá trình chăm bón, người dân đầu tư phân bón không đúng cách, nhiều hộ dân chưa thực hiện che phủ nilon, việc phun thuốc diệt cỏ, thuốc kích thích không theo đúng quy trình nên năng suất lạc thường chỉ đạt trên 100 kg/sào là cao. Đây là lần đầu tiên, năng suất lạc đạt cao như thế này.

Quyết định chọn vùng đất cao tại 3 xóm 8, 9, 10 xã Diễn Hùng để xây dựng cánh đồng mẫu lớn sản xuất lạc được đưa ra khi bà con ở đây đã bắt đầu gieo trỉa ngô xuân. Thế nhưng, theo ông Phan Đức Lương - Chủ tịch UBND xã: “Xác định đây là một chủ trương lớn, nếu thành công sẽ góp phần rất lớn vào nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp ở địa phương nên chúng tôi đã khẩn trương vận động, hỗ trợ đền bù lại số giống ngô đã gieo cho bà con, thuyết phục người dân chuyển sang trồng đồng loạt giống lạc L26. Các biện pháp thâm canh, kỹ thuật được cán bộ khuyến nông huyện trực tiếp về hướng dẫn, chuyển giao. Với những biện pháp chăm bón đồng bộ, đúng kỹ thuật, năng suất lạc ở đây đã đạt bình quân 26 tạ/ha, cao hơn sản xuất bình thường 3 tạ/ha, trong đó có những diện tích đạt trên 40 tạ/ha.

795743_small_97346.jpg

Thu hoạch lạc ở xã Diễn Thịnh (Diễn Châu).
Ảnh: Cảnh Yên

Đánh giá về kết quả ban đầu trong xây dựng cánh đồng mẫu lớn ở Diễn Châu, ông Hoàng Lân - Phó phòng Nông nghiệp huyện cho biết: Vụ xuân năm nay, Diễn Châu triển khai xây dựng mô hình đầu tiên ở xã Diễn Hùng và hiện đang tiếp tục triển khai xây dựng thêm một cánh đồng mẫu lớn ở xã Diễn Cát với trên 51 ha lúa Vật tư- NA2. Nhờ đầu tư phân bón, thâm canh tốt, đồng nhất theo một quy trình kỹ thuật hiệu quả nên không những củ nhiều hơn, tỷ lệ nhân cao hơn mà màu hạt cũng đẹp hơn.

Vụ xuân năm nay, toàn tỉnh xây dựng được 16 cánh đồng mẫu lớn, trong đó có 11 cánh đồng mẫu lớn gieo trồng lúa (trên 800 ha), 3 cánh đồng mẫu lớn ngô (100 ha) và 2 cánh đồng mẫu lớn lạc (xấp xỉ 70 ha). Không chỉ lạc, mà các cánh đồng mẫu lớn sản xuất ngô và lúa cũng cho những kết quả rất khả quan. Những cánh đồng ngô ở Con Cuông, Anh Sơn dù đến tháng 6 mới cho thu hoạch nhưng quá trình phát triển đã cho thấy sự hứa hẹn về năng suất. Tại cánh đồng mẫu lớn rộng tới 87,5 ha của xã Nghi Đồng (Nghi Lộc), năng suất giống lúa thuần chất lượng cao DT68 đạt tới 68 tạ/ha. Đặc biệt, trong quá trình sản xuất, trên toàn bộ cánh đồng gần như không có hộ nào phải phun thuốc trừ sâu, người nông dân được hỗ trợ về giống lúa, được vay phân bón và được Tổng Công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An bao tiêu toàn bộ sản phẩm.

Đến nay, tuy chưa có kết quả nghiệm thu chính thức, nhưng nhìn chung, theo đánh giá của Sở NN&PTNT, thì năng suất các loại cây trồng trên cánh đồng mẫu lớn đều cao hơn trên 10% so với sản xuất thông thường. Bên cạnh đó, nhờ áp dụng quy trình sản xuất hợp lý, ít phun thuốc BVTV, bón phân cân đối cũng như lượng giống sử dụng ít hơn nên đã giảm chi phí từ 3- 5%, nhờ đó giá trị sản xuất tăng trên 15% so với sản xuất thông thường. Có được kết quả đó, là nhờ sự đầu tư sản xuất đồng bộ, đầy đủ, áp dụng quy trình kỹ thuật tốt hơn, các loại giống chất lượng tốt, dễ tiêu thụ như DT68, BC15, VTNA2, lạc L14, L26… Đặc biệt, theo ông Nguyễn Văn Lập - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cái được rất lớn là qua xây dựng các cánh đồng mẫu lớn, đã từng bước hình thành tập quán sản xuất có đầu tư đúng, đủ theo quy trình kỹ thuật cho nông dân. Đồng thời tạo mối liên kết bền vững giữa 4 nhà là Nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học. Tạo điều kiện đưa nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất, giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho người dân và góp phần xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, xung quanh xây dựng các cánh đồng mẫu lớn vẫn còn một số tồn tại. Mục tiêu trong xây dựng cánh đồng mẫu lớn là sản xuất hàng hóa nhưng thực tế, khâu tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế, kể cả ở những cánh đồng mẫu lớn có ký hợp đồng tiêu thụ. Việc chấp hành kỹ thuật sản xuất ở một số hộ dân chưa nghiêm túc, và trong khi yêu cầu của doanh nghiệp nhận bao tiêu là khá nghiêm ngặt về phẩm cách sản phẩm thì nông dân bán ra ngoài lại không cần phải đáp ứng yêu cầu quá khắt khe.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Lập, đây là một chủ trương lớn của tỉnh, của Nhà nước trong xây dựng nông thôn mới, nhưng một số địa phương vẫn còn coi nhẹ, chưa vào cuộc một cách quyết liệt mà vẫn còn để mặc cho HTX. Bên cạnh đó, sự vào cuộc của các nhà khoa học cũng còn hạn chế. Đây cũng là băn khoăn của các địa phương khi chỉ đạo xây dựng các cánh đồng mẫu lớn. Ông Hoàng Lân - Phó phòng Nông nghiệp huyện Diễn Châu cho biết: Quy trình kỹ thuật còn do cán bộ phòng nông nghiêp, trạm khuyến nông huyện tự xây dựng để triển khai chứ chưa có một quy trình chuẩn cho từng loại mô hình cụ thể. Điều này bên cạnh khó khăn về kỹ thuật, còn gây khó khăn cho cơ sở khi xây dựng dự toán. Đến nay, dù hầu hết các cánh đồng mẫu lớn đều đã thu hoạch xong, nhưng hỗ trợ của nhà nước vẫn chưa về đến người dân. Trong khi đó, theo kiến nghị của cán bộ xã, những nơi có triển khai xây dựng cánh đồng mẫu lớn, thì khi hỗ trợ cần có phương thức thanh toán nhanh gọn, nếu đòi hỏi các hộ dân phải có hóa đơn đỏ khi mua vật tư phục vụ cho sản xuất thì rất khó.


Phú Hương