(Baonghean) -Trước đây, cam Con Cuông từng có tiếng thơm ngon,  mang lại giá trị kinh tế không nhỏ. Tuy nhiên, sau đó giống cam này dần bị mai một. Từ năm 2004, Con Cuông đã thực hiện Đề án “Khôi phục cây cam giai đoạn 2004 - 2015”, nhưng đến nay kết quả vẫn chưa như mong muốn. 

Ông Vi Văn Thìn ở bản Tân Hương, xã Yên Khê - Con Cuông, đang xới cỏ cho những luống cam, cho biết: “Đề án khôi phục trồng cam của huyện từ những năm 2004 nhưng phải đến năm 2011 gia đình tôi mới triển khai trồng được 1ha cam. Nguyên nhân triển khai chậm là do trồng cam yêu cầu vốn lớn, quy trình chăm sóc công phu. Dù được huyện hỗ trợ phân bón, 500 cây giống cam chín muộn V2 nhưng để cải tạo và trồng được 1 ha cam, gia đình phải đầu tư  gần 180 triệu đồng. Số tiền ngân hàng cho vay chỉ trên 20 triệu đồng, còn lại là vay thêm anh em và bán trâu bò để đầu tư trồng cam.

Trước khi trồng cam, gia đình được cán bộ khuyến nông hướng dẫn quy trình kỹ thuật và chăm sóc cam khá chu đáo. Cam sinh trưởng khá tốt, nhưng phải trên 5 năm cam mới cho thu hoạch. Người trồng cam chúng tôi rất lo cam Trung Quốc lẫn lộn trên thị trường nên khi thu hoạch sẽ khó tiêu thụ. Chúng tôi rất cần được cơ quan liên quan giúp đỡ để xây dựng được thương hiệu “cam Con Cuông”, để không phải lo đầu ra”.

795745_small_97348.jpg

Vườn cam ở bản Tân Hương, xã Yên Khê (Con Cuông).

Ông Tăng Ngọc Sơn ở bản Pha, xã Yên Khê kể: “Gia đình tôi trồng khoảng gần 1ha, giai đoạn I trồng năm 2009 được 350 gốc cam, giai đoạn II năm 2011 trồng 150 gốc. Tổng giá trị khoảng trên 150 triệu đồng tiền trồng cam. Lứa cam trồng giai đoạn I sang năm 2014 mới cho thu hoạch”. Theo ông Sơn thì năm thứ 5 cam sẽ cho thu hoạch được khoảng 8 - 10 tấn, giá cam đạt trên 30.000 đ/kg thì người trồng cam mới có lãi. Tuy nhiên, tất cả đang là hi vọng, bởi những vụ “cam bói” vừa qua không ít hộ trồng cam lao đao vì đầu ra khó tiêu thụ. Khó khăn đặt ra hiện nay nữa là cây cam đòi hỏi chất đất khô ráo, nhưng cũng là cây chịu hạn kém.

Đợt nắng nóng vừa qua nhiều hộ trồng cam ở Yên Khê rất khó khăn. Riêng gia đình ông Sơn cứ mỗi tuần phải tưới cho cam một đợt từ 2 - 3 ngày, phải dùng xe bò lốp chở nước từ khe Diêm lên tưới. Được biết, cả bản Pha có khoảng 22ha cam, trong đó chỉ mới có 4ha cam kinh doanh cho thu hoạch đạt trên 400 triệu đồng/ha. Trừ chi phí còn lãi từ 150-200 triệu đồng/năm. Trong khi cam tại các vùng của Công ty TNHH-MTV Nông nghiệp Xuân Thành đạt giá trị rất cao, bình quân từ 600 - 700 triệu đồng/ha, cá biệt có nhiều hộ đạt trên 1 tỷ đồng/ha/năm. Lý do cam của Công ty TNHH-MTV Nông nghiệp Xuân Thành đạt giá trị cao là tại đây đã xây dựng được thương hiệu “cam Vinh”, còn cam ở Con Cuông chưa quy hoạch được vùng trồng cam rộng lớn nên tiêu thụ nhỏ lẻ, giá trị kinh tế thấp. Ông Sơn cho biết thêm: Sắp tới theo kế hoạch, bản Pha sẽ trồng mới thêm 6,6 ha cam, tuy nhiên nhiều hộ dân chưa hào hứng trồng vì phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Ông Vi Văn Đậu - Chủ tịch UBND xã Yên Khê trao đổi: “Toàn xã có trên 50 ha cam, trong đó có gần 10ha cam kinh doanh đã cho thu hoạch. Năm 2013, xã đăng ký với huyện trồng trên 30ha cam ở các bản Trung Yên, bản Pha, Tân Hương… Năm nay, huyện chỉ hỗ trợ phần cây giống, còn lại bà con phải tự túc kinh phí. Khó khăn đặt ra hiện nay là nguồn vốn để trồng cam đầu tư quá lớn. Ngân hàng cần tạo điều kiện cho người dân vay với lượng tiền lớn hơn, chứ vay được từ 15 - 20 triệu đồng rất khó có thể đầu tư trồng cam”.

Ông Lang Văn Bán-Phó Trạm Khuyến nông Con Cuông, cho biết: Đề án “Khôi phục cây cam giai đoạn 2004 - 2015” là 250ha, nhưng đến thời điểm này toàn huyện mới chỉ có trên 175 ha, hiệu quả cam mang lại khá rõ nét. Hiện có 61ha cam kinh doanh, năng suất bình quân đạt 90 tạ/ha/năm, doanh thu trên 10 tỷ đồng/năm. Về cơ chế chính sách huyện hỗ trợ 100% giống cam, hỗ trợ lãi suất vốn đầu tư trồng mới 20 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, diện tích trồng cam chưa đạt được chỉ tiêu. Như quy hoạch Yên Khê 100ha xã chỉ đạt trên 50ha, xã Chi Khê 54ha thì đến thời điểm này vẫn chưa trồng được diện tích cam nào. Nguyên nhân chậm là trồng cam vừa tốn kém kinh phí, thời gian ít nhất 5 năm mới cho thu hoạch, đầu ra cho cam đang khó khăn do chưa xây dựng được thương hiệu, vì vậy mà nhiều hộ dân chưa mặn mà.


Bài, ảnh: Văn Trường