(Baonghean) - Nhằm tránh nguy cơ chính phủ phải tạm ngừng hoạt động do thiếu kinh phí vì Quốc hội lưỡng viện Mỹ chưa thể phê chuẩn dự thảo ngân sách mới cho tài khóa tới, Thượng viện Mỹ vừa thông qua một dự luật tình thế, cho phép gia hạn cấp ngân sách cấp cho các cơ quan chính phủ trong tài khóa hiện tại đến ngày 11/12 tới. Cùng với đó, Nhà Trắng cũng nhận được tín hiệu khả quan từ Hạ viện để đẩy lùi nguy cơ phải đóng cửa.

Nguy cơ đóng cửa
 
Theo luật, hàng năm, Chính phủ Mỹ cần phải được Quốc hội duyệt cấp ngân sách cho năm tài chính tiếp theo, bắt đầu từ ngày 1/10. Năm nay, bản ngân sách đó có nguy cơ không được thông qua do các nghị sỹ của hai đảng là đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ tiếp tục mâu thuẫn sâu sắc với nhau. Hiện bất đồng lớn nhất giữa hai đảng của Quốc hội Mỹ chính là việc các nghị sỹ đảng Cộng hòa bảo thủ phản đối mạnh mẽ bất cứ kế hoạch nào kèm theo việc tiếp tục tài trợ cho tổ chức y tế Planned Parenthood, một tổ chức y tế ủng hộ cho việc phá thai.
 
Trong khi đó, các nghị sỹ đảng Dân chủ lại khẳng định sẽ ngăn chặn mọi dự luật chống lại tổ chức này. Ngoài ra, không chỉ dừng lại bất đồng phe phái, ngay trong nội bộ đảng Cộng hòa cũng bị chia rẽ, cụ thể là giữa giới lãnh đạo đảng Cộng hòa tại hai viện và các nghị sỹ theo đường lối bảo thủ. Do đó, phát biểu trong phiên họp báo thường kỳ hôm 23/9, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnes cho hay việc chính phủ liên bang bắt đầu có phương án dự phòng trước nguy cơ đóng cửa là động thái thận trọng cần thiết. Điều này cho thấy, Nhà Trắng đã có kế hoạch chuẩn bị cho kịch bản đóng cửa sau ngày 1/10 tới. 
 
images1389793__nh_b_i_b_nh_lu_n_qu_c_t__s__ng_y_30_9.jpgChủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner. Ảnh: Reuters

Việc Chính phủ Mỹ đứng trước nguy cơ đóng cửa đã một lần nữa cho thấy tính khác biệt của nền chính trị nước Mỹ. Mỗi khi có mâu thuẫn gay gắt giữa các nghị sỹ của 2 đảng tại Quốc hội lại khiến Chính phủ liên bang Mỹ gặp khó khăn trong nhiều vấn đề, nhất là vào cuối tháng 9, thời điểm chuẩn bị thông qua ngân sách cho năm tài khóa tiếp theo. Và “đến hẹn lại lên”, năm tài khóa 2016 một lần nữa đứng trước nguy cơ “treo” khi mâu thuẫn tại Quốc hội đang trở nên khó dung hòa. Và khi không có ngân sách thì chính phủ liên bang không thể hoạt động được. Tất nhiên, nước Mỹ cũng có luật quy định sẵn phương án xử lý trong trường hợp này. Các chức năng thiết yếu như quốc phòng, bưu điện, cơ quan an ninh y tế, quốc hội, văn phòng tổng thống, ngoại giao... vẫn được duy trì vì các bộ phận đó có quỹ riêng để hoạt động. 

Tín hiệu tích cực
 
Cuộc bỏ phiếu mang tính thủ tục tại Thượng viện diễn ra ngày 28/9 đã nhận được 77 phiếu thuận, 19 phiếu chống tại Thượng viện 100 ghế. Dự kiến dự luật tình thế gia hạn cấp ngân sách chính thức sẽ được Thượng viện bỏ phiếu trong ngày 30/9. Để có hiệu lực, dự luật này cần được Hạ viện phê chuẩn và sau đó Tổng thống Barack Obama sẽ ký ban hành. Tuy nhiên, trong một diễn biến được cho là tín hiệu tích cực từ Hạ viện, Chủ tịch Hạ viện Mỹ đương nhiệm, ông John Boehner, người vừa gây sốc với quyết định từ chức hồi tuần trước, cam kết rằng Quốc hội sẽ không để cho chính quyền Washington rơi vào cảnh phải đóng cửa. Ông Boehner khẳng định trong tuần này Hạ viện sẽ thông qua một dự luật ngân sách chính phủ mặc dù dự luật này bị phe bảo thủ trong đảng Cộng hòa phản đối. 
 
Nhìn lại lịch sử, lần gần đây nhất Chính phủ Mỹ phải đóng cửa là tháng 10/2013, khi đó đảng Cộng hòa thống nhất với nhau tìm cách ngăn chặn việc cải cách chương trình y tế do Tổng thống Barack Obama đề xuất. Lần đóng cửa kéo dài 2 tuần đó đã khiến hàng trăm nghìn công chức liên bang phải tạm nghỉ việc và các công viên quốc gia phải đóng cửa, khiến kinh tế Mỹ bị thiệt hại khoảng 24 tỷ USD.
 
Còn hiện tại, có thể thấy khả năng đóng cửa của Chính phủ Mỹ được đánh giá là thấp khi nhận được sự ủng hộ của Thượng viện và của đương kim Chủ tịch Hạ viện cũng như một số nghị sỹ Cộng hòa khác. Rõ ràng, không chỉ giới chức Nhà Trắng không mong muốn kịch bản chính phủ đóng cửa xảy ra mà nhiều nghị sỹ ở hai viện Quốc hội Mỹ cũng tỏ ra quan ngại vấn đề này.
 
Đảng Cộng hòa hiện chiếm đa số tại cả hai viện Quốc hội Mỹ, nếu phe Cộng hòa thống nhất chống lại các đề xuất của phe Dân chủ thì các dự luật khó được thông qua. Song thời điểm này người ta lại chứng kiến những mâu thuẫn không nhỏ tồn tại trong nội bộ phe Cộng hòa ở Hạ viện Mỹ. Chính Chủ tịch Hạ viện Mỹ và là lãnh đạo phe Cộng hòa tại Hạ viện, ông John Boehner là người đang phải chịu các chỉ trích và sức ép từ lực lượng bảo thủ, cựu hữu trong đảng Cộng hòa.
 
Trước khi ông Boehner thông báo từ chức, các nghị sỹ bảo thủ thuộc đảng Cộng hòa còn dự định bỏ phiếu về một nghị quyết nhằm loại ông này khỏi chiếc ghế Chủ tịch Hạ viện Mỹ. Các nghị sỹ này cho rằng ông Boehner ủng hộ cấp ngân sách liên bang cho tổ chức Planned Parenthood vốn ủng hộ phụ nữ phá thai và điều đó đi ngược lại với quan điểm của họ. Bên cạnh đó, ông Boehner còn bị chỉ trích vì xem xét việc đàm phán với đảng Dân chủ để tăng chi tiêu ngân sách. 
 
Các nhà phân tích đánh giá, sau quyết định từ chức Chủ tịch Hạ viện của ông Boehner thì dự luật tình thế gia hạn cấp ngân sách có thể nhận đủ phiếu bầu từ cả 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ ở Hạ viện để được thông qua. Có thể thấy, chính những mâu thuẫn đang tồn tại đã đẩy một bộ phận nghị sỹ Cộng hòa chuyển sang ủng hộ lập trường của phe Dân chủ tại Quốc hội, điều có lợi cho chính quyền Tổng thống Barack Obama. Như vậy, đây là những tín hiệu tích cực giúp Chính phủ Mỹ nhiều khả năng sẽ tránh được kịch bản phải đóng cửa trước khi hai viện Quốc hội Mỹ thông qua dự toán ngân sách cho năm tài khóa 2016./.
 
Nguyễn Cao Biền