(Baonghean.vn) - Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc, Thủ tướng Shinzo Abe đã đề cập đến trường hợp Nhật Bản tham gia cơ quan ra quyết định chính của Liên Hợp quốc (UN).
Thủ tướng Abe tuyên bố: “Nhật Bản tìm cách trở thành một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an và có đóng góp tương xứng với vị thế đó… Nhật Bản từng ủng hộ kiến thiết quốc gia tại nhiều nơi. Giờ đây hơn lúc nào hết, Nhật Bản muốn cho đi vốn kinh nghiệm đó một cách hào phóng”. Cuộc tranh luận tổng thể của Đại hội đồng Liên Hợp quốc bước vào ngày làm việc thứ 2 hôm 29/9.
Sau các bài diễn văn của Tổng thống Mỹ Barack Obama, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin, và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye hôm 28/9, ngày tiếp sau đó đến phiên ông Abe có bài phát biểu, trình bày tầm nhìn của Nhật Bản đối với UN, kết thúc bằng yêu cầu cho phép Tokyo giữ một ghế trong Hội đồng Bảo an (UNSC).
Ông Abe lưu ý rằng Nhật Bản từng là nước viện trợ nhân đạo tích cực. Ông cũng cam kết hàng trăm triệu USD để hỗ trợ các dự án viện trợ trên khắp thế giới, từ việc giúp đỡ Serbia và Macedonia ứng phó với cuộc khủng hoảng di cư hiện hành tại châu Âu đến việc xây dựng các hệ thống nước sạch và nước thải tại Iraq. Lấy ví dụ về ảnh hưởng của Nhật Bản đối với từng cá nhân riêng lẻ, ông Abe viện dẫn trường hợp một người mẹ chạy trốn tình cảnh bạo lực tại Syria, mang theo cuốn sổ tay mà Nhật Bản cung cấp để ghi lại thông số sức khỏe của đứa con nhỏ.
Thủ tướng Nhật Bản đã đưa ra một bức tranh tươi sáng về UN, bất chấp những cuộc khủng hoảng gần đây. Trong bài diễn văn, ông gần như tránh bàn thảo các vấn đề gai góc thách thức những nỗ lực tìm kiếm giải pháp của UN, từ cuộc nội chiến Syria đến sự trỗi dậy của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Điểm nóng quốc tế duy nhất được nhắc tới trong bài diễn văn của ông Abe là Triều Tiên: “Nhật Bản sẽ phối hợp với các nước có liên quan để có giải pháp toàn diện đối với các vấn đề nổi trội bao gồm bắt cóc, các vấn đề tên lửa và hạt nhân”.
Thay vì gây ra tranh cãi bằng cách khoét sâu thêm các vấn đề vốn đã chia rẽ UN, Thủ tướng Shinzo Abe duy trì trọng tâm ở các hậu quả nhân đạo của những cuộc khủng hoảng, và việc mà Nhật Bản sẵn sàng làm để giải quyết những vấn đề đó. Ông dùng những hứa hẹn này để lập luận rằng Nhật Bản sẽ là một sự bổ sung giá trị đối với nhóm có quyền cao nhất trong UN.
Trước hết, ông Abe khẳng định “Nhật Bản nghiêm khắc duy trì vị thế một quốc gia yêu chuộng hòa bình” kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Ông chỉ ra những đóng góp của Nhật Bản đối với các chiến dịch gìn giữ hòa bình và thái độ sẵn lòng làm nhiều hơn nữa để thu hẹp khoảng cách giữa kế hoạch đề ra và các chiến dịch trên thực địa. Trong bối cảnh này, ông Abe đề cập đến các luật an ninh mới gây tranh cãi tại Nhật Bản, và ông nói rằng các cải cách như vậy sẽ cho phép Nhật Bản đóng góp vào các chiến dịch gìn giữ hòa bình theo hướng rộng hơn và tích cực hơn.
Vị nguyên thủ này cũng nhấn mạnh chiến lược ưu tiên của Nhật Bản đối với việc giải quyết các vấn đề quốc tế là trao quyền cho các địa phương “làm chủ” và “quyết định cuộc sống của chính bản thân họ”. Nhắc tới những đối thoại mới đây cùng các nước châu Phi và Thái Bình Dương, ông Shinzo Abe nói: “Nhật Bản luôn nỗ lực trở thành quốc gia tích cực lắng nghe tiếng nói của các bên liên quan”.
Kết luận của ông Abe có đoạn: “Giương cao ngọn cờ "Tích cực đóng góp cho hòa bình dựa trên nguyên tắc hợp tác quốc tế", Nhật Bản quyết tâm tiến hành cải cách Hội đồng bảo an nhằm biến Liên Hợp quốc thành một cơ quan phù hợp với thế kỷ 21, và khi đó, với tư cách là một thành viên thường trực của Hội đồng bảo an, thực thi các trách nhiệm của mình để tạo ra những đóng góp lớn hơn đối với hòa bình và thịnh vượng của thế giới”.
Vị thủ tướng này không đơn thương độc mã trong việc tranh luận mở rộng UNSC. Nguyên thủ của nhóm nước G4 - bao gồm Brazil, Đức, Ấn Độ và Nhật Bản, những nước đều muốn trở thành thành viên thường trực của UNSC - đã có cuộc gặp tại New York hôm 26/9. Cả 4 nhà lãnh đạo thống nhất rằng đã đến lúc tiếp tục thúc đẩy cải cách UNSC. Theo tờ Times of India, Thủ tướng Nhật Bản khẳng định: “Từ cuộc gặp của nhóm G4 hồi năm 2004, tình hình thế giới đã thay đổi. Giờ đây có động lực cao thúc đẩy sự thay đổi”.
Dù vậy, G4 sẽ thấy rằng việc thúc đẩy tư cách thành viên từng chút một vẫn rất khó khăn giống như trước đây. Nhiều quốc gia khác, trong đó có cả Pakistan, Trung Quốc, Hàn Quốc, phản đối việc G4 có được vị thế thành viên thường trực của UNSC trong khi Brazil, Đức, Ấn Độ và Nhật Bản lại tỏ ra rất quyết tâm về điều này.
Thu Giang
(Theo Diplomat)