(Baonghean) - Hàng năm trên địa bàn tỉnh ta xảy ra khá nhiều vụ tai nạn tàu cá gây thiệt hại kinh tế không nhỏ cho ngư dân. Nghị định số 67/CP ra đời với những chính sách ưu đãi đặc biệt, kịp thời hỗ trợ ngư dân yên tâm bám biển, hạn chế rủi ro khi tham gia khai thác thủy sản; hiện ngư dân ở huyện Quỳnh Lưu và TX. Hoàng Mai đã tích cực tham gia mua bảo hiểm thuyền viên và bảo hiểm tàu cá...
Anh Hồ Văn Thanh ở xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu) chủ tàu có công suất trên 300 CV cho biết: “Ngay sau khi Công ty Bảo hiểm PJICO Nghệ An triển khai Nghị định 67/CP, thấy được lợi ích thiết thực, chúng tôi đã tham gia bảo hiểm để hạn chế rủi ro. Cụ thể là mua bảo hiểm vỏ tàu được Nhà nước hỗ trợ 70% giá trị, bảo hiểm thuyền viên cho 8 thành viên trên tàu gồm (1 máy trưởng, 1 thuyền trưởng và 6 thuyền viên) được Nhà nước hỗ trợ 100% giá trị. Ngày 1/5/2014, trong lúc ra khơi tàu va phải đá ngầm bị gãy chân vịt, chúng tôi đã báo với đại diện Công ty PJICO Nghệ An, cán bộ bảo hiểm đã nhanh chóng xuống xác minh và hoàn tất các thủ tục, bồi thường 8,5 triệu đồng, kịp thời giúp chúng tôi sửa chữa chân vịt ra khơi bám biển”.
Anh Nguyễn Văn Mười ở phường Quỳnh Lập (Thị xã Hoàng Mai) nói: “Tàu của gia đình tôi công suất trên 500 CV, theo Nghị định 67 được Nhà nước hỗ trợ 90% nên chúng tôi chỉ phải đóng mức gần 3 triệu đồng tiền bảo hiểm thân vỏ. Mới đây thuyền bị rơi mất mỏ neo, sau khi xác minh, Công ty PJICO đã nhanh chóng làm thủ tục đền bù, hiện chúng tôi đã nhận được 9 triệu đồng tiền bồi thường”. Hộ Thủy Đại ở phường Quỳnh Lập, có tàu 165 CV mua bảo hiểm thân vỏ và ngư lưới cụ được hỗ trợ 70% trị giá 5 triệu đồng, tàu bị gãy chân vịt đã được Công ty PJICO Nghệ An bồi thường 8 triệu đồng...
Ông Nguyễn Văn Nho, Chủ tịch Hội Nông dân, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá phường Quỳnh Lập (TX. Hoàng Mai) chia sẻ thêm: Việc giải quyết quyền lợi của người tham gia bảo hiểm một cách kịp thời, nhanh chóng đã động viên ngư dân vươn khơi bám biển, giữ chủ quyền biển đảo Tổ quốc, tăng thêm niềm tin đối với khách hàng. Vì thế mà số tàu thuyền tham gia bảo hiểm cao, Quỳnh Lập hiện đã tham gia bảo hiểm tàu thuyền đạt 150/170 chiếc, hầu hết các ngư dân đều tham gia bảo hiểm thuyền viên. Hiện tại Quỳnh Dị tham gia mua bảo hiểm đạt 44/44 tàu thuyền, Quỳnh Phương 184/200 tàu thuyền...
Tuy nhiên, không phải chủ tàu nào cũng ý thức được vai trò của bảo hiểm. Sau hơn 1 năm tàu cá bị mắc cạn ở cửa Lạch Vạn hư hỏng toàn phần. Anh Trần Văn Tâm ở xóm Quyết Thắng, xã Diễn Bích (Diễn Châu) cho hay: Con tàu trên 200 CV của gia đình đánh bắt xa bờ vừa sử dụng được 2 năm, ngày 24/10/2014 khi đi qua cửa Lạch Vạn thì bị mắc cạn và bị sóng đánh hỏng cả vỏ tàu rồi chìm nghỉm xuống biển. Tất cả trang thiết bị, máy móc, ngư cụ đều không lấy được, tổng thiệt hại khoảng gần 600 triệu đồng. Sau vụ đắm tàu gia đình tôi lâm vào cảnh nợ nần, túng bấn, lúc đó mới nghĩ đến việc mua bảo hiểm tàu cá thì đã muộn… Nếu sau này có điều kiện đóng tàu mới chắc chắn tôi sẽ tham gia bảo hiểm thuyền viên và tàu thuyền. Còn xã Diễn Ngọc có trên 400 tàu thuyền, trong đó có 67 tàu đánh bắt xa bờ loại từ 90 - 400 CV trở lên, tuy nhiên, tham gia bảo hiểm thuyền viên và tàu cá chỉ được 10 chiếc. Tính từ năm 2013 đến nay Diễn Ngọc đã có 8 vụ tàu thuyền bị tai nạn thiệt hại trên 4 tỷ đồng, do không tham gia bảo hiểm bà con phải gánh chịu thiệt hại tài sản.
Giám đốc Công ty PJICO Nghệ An cho biết: Ngay sau khi được Bộ Tài chính chấp thuận cho phép là đơn vị đứng đầu tổ chức triển khai hỗ trợ bảo hiểm khai thác thủy sản cho ngư dân tại Nghệ An và một số tỉnh, Công ty PJICO Nghệ An cũng đã phối hợp với các sở, ngành chức năng của tỉnh chuẩn bị về nhiều mặt để triển khai bảo hiểm khai thác hải sản theo NĐ 67/CP, đồng thời đã tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ và hệ thống đại lý của công ty trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với Chi cục Khai thác - Bảo vệ nguồn lợi thủy sản đến các địa phương có tàu cá trong diện được bảo hiểm theo NĐ 67 để tuyên truyền, vận động ngư dân tham gia bảo hiểm.
Triển khai tổ chức tập huấn bảo hiểm tàu cá nhằm hướng dẫn cho ngư dân nội dung, quy tắc, điều kiện, điều khoản và lợi ích khi tham gia bảo hiểm; đồng thời giải đáp các thắc mắc nhanh chóng chính sách hỗ trợ ngư dân. Cơ bản việc triển khai Nghị định 67 về vận động bà con ngư dân tham gia mua bảo hiểm thuyền viên và tàu thuyền khá thuận lợi. Trước hết được chính quyền địa phương các xã, huyện và thị xã quan tâm phối hợp nhịp nhàng, từ đó nâng cao ý thức cho bà con ngư dân trong việc tham gia bảo hiểm để giữ gìn tài sản, yên tâm theo nghề.
Đến thời điểm này toàn tỉnh đã tham gia mua bảo hiểm thân tàu đạt 700/1.271 tàu, mua bảo hiểm thuyền viên 8.000/14.000 người. Riêng các địa phương Thị xã Hoàng Mai, Quỳnh Lưu số lượng mua bảo hiểm đều đạt trên 90%. Công ty PJICO Nghệ An phấn đấu đến hết 9/2015, sẽ vận động bà con ngư dân tham gia mua bảo hiểm số thuyền viên và tàu thuyền còn lại. Ông Nguyễn Văn Lê giải thích thêm: Để thuận lợi cho bà con ngư dân tham gia bảo hiểm tàu thuyền, đội ngũ tư vấn viên, đại lý bảo hiểm thường xuyên bám cơ sở để giải thích rõ ràng cho ngư dân các quy tắc bảo hiểm, mức độ bảo hiểm, điều kiện để được giải quyết bồi thường, nhất là những thuật ngữ chuyên ngành khó hiểu và giảm thiểu các thủ tục rườm rà.
Công ty còn có đường dây nóng nhận thông tin 24/24h về những phản ánh của ngư dân để xử lý kịp thời. Từ đầu năm 2015 đến nay, công ty đã giải quyết đền bù cho khoảng gần 10 trường hợp tai nạn tàu thuyền trị giá trên 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, khó khăn đối với công ty khá nhiều, vì các vụ tai nạn xảy ra ngoài khơi. Bên cạnh việc nhận thức về bảo hiểm của bà con ngư dân còn thấp thì kinh phí đầu tư phương tiện, chi phí để tồn tại với nghề đi biển rất tốn kém. Do vậy, nhiều ngư dân đã cắt giảm các khoản chi phí, trong đó có việc không mua bảo hiểm.
Văn Trường
Thủ tướng Chính phủ đã có Nghị định số 67/2014 về một số chính sách phát triển thuỷ sản. Theo đó, ngư dân sẽ được hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm cho tàu khai thác thuỷ sản xa bờ, có công suất máy chính 90 CV trở lên với mức hỗ trợ 100% đối với bảo hiểm thuyền viên, 70% bảo hiểm đối với tàu từ 90 CV đến dưới 400 CV và 90% bảo hiểm đối với tàu từ 400 CV trở lên. |