(Baonghean.vn) - Lễ Vu Lan là ngày lễ báo hiếu, một truyền thống đặc trưng của văn hóa Á Đông. Ở châu Á, có nhiều nước có ngày lễ Vu Lan như Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản và cũng có những nước tổ chức ngày lễ với ý nghĩa tương tự. Mời các bạn tìm hiểu về truyền thống tốt đẹp này ở các nước xung quanh Việt Nam chúng ta.

Trung Quốc

Ngày rằm tháng 7 âm lịch được gọi là Tết Trung Nguyên ở Trung Quốc. Họ gọi đây là ngày ma, ngày những con ma và linh hồn, trong đó có ông bà, tổ tiên trở về từ cõi âm. Vì thế đây cũng là ngày để con cháu tỏ lòng thành kính với những người thân đã mất.

images1659051_ng__i_trung_qu_c_th____n_l_ng_hoa_sen_trong_ng_y_l__vu_lan.jpgNgười Trung Quốc thả đèn lồng hoa sen trong ngày lễ Vu Lan.

Các hoạt động báo hiếu được chuẩn bị suốt trong cả tháng 7 âm lịch tại Trung Quốc. Ngoài ra, người Trung Quốc còn chuẩn bị các bữa ăn chay chu đáo và để ghế trống cho mỗi người quá cố trong gia đình như thể họ vẫn còn sống.

Đi kèm đó là các hoạt động tâm linh như cúng bái, đốt hương, đốt vàng mã. Người Trung Quốc quan niệm đúng ngày 15 tháng 7 âm lịch, cánh cửa thiên đàng và địa ngục sẽ mở để người quá cố về thăm nhà, đồng thời cũng là ngày để Phật giáo giải những nỗi oan cho người đã khuất.

Đài Loan

Lễ cướp đồ độc đáo của Người dân Đài Loan trong ngày Vu Lan.

Đài Loan cũng tổ chức ngày lễ Vu Lan tương tự Trung Quốc. Vào ngày này, con cái đi thăm, quét dọn lăng mộ tổ tiên để ông bà phù hộ cho những người sống ấm no, hạnh phúc. Tuy nhiên tại Đài Loan có một hoạt động rất độc đáo trong ngày Vu Lan là cướp đồ.

Đồ lễ sau khi cúng được treo lên một cột cao có bôi dầu mỡ. Sau đó nhiều người tranh nhau xem ai là người cướp được đồ lễ trước. Những thứ cướp được tượng trưng cho may mắn mà quỷ thần ban cho. Mặc dù vậy, do hoạt động này quá nguy hiểm nên Đài Loan đã cấm tổ chức. Thay vào đó là nghi thức rước ma, múa lân vào ngày lễ.

Hàn Quốc

Giống như Trung Quốc và Việt Nam, ngày báo hiếu ở Hàn Quốc cũng là ngày rằm tháng 7. Trong ngày này, con cháu sẽ tổ chức các buổi lễ, cầu nguyện cho cha mẹ, ông bà sống lâu, hạnh phúc. Nếu những người này đã khuất thì sẽ cầu cho linh hồn họ siêu thoát.

Vào ngày báo hiếu, con cháu ở Hàn Quốc cài hoa cẩm chướng đỏ lên ngực bà và mẹ.

Ngoài tặng những món quà, con cái sẽ tặng hoa cẩm chướng - loài hoa thể hiện tôn kính, lòng biết ơn của người con đối với cha mẹ của mình. Còn nếu không may, con bị mất thì người mẹ sẽ tự cài lên hoa cẩm chướng trắng.

Thái Lan

Lễ hội Khao Phansa vào tháng 7 ở Thái Lan là lễ hội Phật giáo lớn để bắt đầu mùa An cư của Phật tử. Vào những dịp này, các tăng ni phật tử không rời chùa, trong khi người dân lại tìm đến chùa để cầu nguyện. Đặc biệt nhất là những thanh thiếu niên sẽ xuống tóc tu hành để báo hiếu và tích đức cho bố mẹ.

Báo hiếu là một trong những hoạt động tốt đẹp của lễ hội Khao Phansa, Thái Lan.

Một đất nước theo đạo Phật khác ở Lào cũng tổ chức lễ hội Khao Phansa, với mục đích hướng thiện, giáo dục cho con dân Lào làm điều hay, lẽ phải, tu thân, tích đức.

Nhật Bản

Nhật Bản không có ngày lễ Vu Lan, nhưng họ có một ngày tương tự là Obon, tổ chức vào ngày 15/8 Dương lịch. Lễ Obon thông thường tổ chức trong 3 ngày, với truyền thống hỏa thiêu lễ vật vào đêm cuối. Vào dịp lễ người Nhật thường thả những chiếc đèn trên sông như đưa đường dẫn lối cho linh hồn ông bà, tổ tiên đã mất.

Người dân Nhật hóa vàng ở bờ sông cuối dịp lễ Obon.

Ngoài ra, người dân còn về quê thăm gia đình, họ hàng, tổ chức các lễ mừng thọ cho cha mẹ trong ngày Obon. Xung quanh lễ Obon là các hoạt động truyền thống ở mỗi địa phương như nhảy múa, ca hát. Người Nhật quan niệm sau lễ Obon, những linh hồn người thân sẽ được siêu thoát an lành, vì thế họ nhảy múa để ăn mừng sự kiện này.

Malaysia

Ở Malaysia, mọi người thường đi lễ để thắp hương cho người đã khuất nhân dịp Vu Lan.

Ngày lễ Vu Lan ở Malaysia còn được gọi là Ngày tổ tiên hay lễ hội tháng 7. Trong ngày Vu Lan, người dân sẽ nghỉ làm tất cả các công việc đồng áng và cử hành các nghi thức siêu độ vong linh như tảo mộ, thắp hương thờ cúng cho những người đã khuất.

Quân Lê - Chu Thanh

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN