(Baonghean) - Thế vận hội - sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh luôn thu hút sự quan tâm của người hâm mộ thể thao trên toàn thế giới. Tuy nhiên, tổ chức một kỳ thế vận hội có thực sự đem lại lợi ích về kinh tế cho nước chủ nhà là một dấu hỏi lớn. Hãy cùng xem một vài phân tích để có cái nhìn chung nhất về lợi ích kinh tế của một kỳ Olympic.

resize_images1658719__nh_2.jpgHình ảnh hoành tráng tại lễ khai mạc Olympic Rio 2016. Ảnh: New York Times.

Chi phí cho một cuộc chạy đua làm chủ nhà cho một thế vận hội là khá lớn, ví dụ mỗi nước tham gia phải chi ra ít nhất 20 triệu USD để tranh chức đăng cai Olympic 2016. Đó là còn chưa kể những chi phí khổng lồ lên tới hàng tỷ USD cho việc tổ chức một kỳ thế vận hội. Thậm chí, một số thành phố còn liên tục thất bại trong các cuộc chạy đua làm chủ nhà như Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ (5 lần) hay Madrid của Tây Ban Nha (2 lần). Vậy điều gì khiến việc trở thành chủ nhà của một kỳ Olympic lại quan trọng đến vậy?

Lợi ích về kinh tế?

Hai lợi ích kinh tế được nhiều quốc gia tổ chức thế vận hội kỳ vọng nhất có thể là tăng việc làm và phát triển du lịch. Có thể thấy, Olympic Sydney 2000 là một trong số ít các kỳ thế vận hội gần đây đem lại những lợi ích này.

Khi được lựa chọn làm chủ nhà cho Olympic 2000 từ năm 1993, nước chủ nhà Australia đã chi ra tổng cộng 4,8 tỷ USD để tổ chức sự kiện này và phần chi phí lớn nhất là dành cho xây dựng cơ sở hạ tầng.

Các nhà tổ chức đã ưu tiên cho việc xây dựng các công trình kiên cố với hy vọng đem lại lợi ích cho địa phương sau này. Và 3 tỷ USD là kết quả thế vận hội năm 2000 đã đem lại cho nước Úc. Những hiệu quả rõ nét nhất là có khoảng 100 ngàn việc làm mới được tạo ra nhờ hiệu ứng từ Olympic, và thế vận hội làm tăng số lượng khách du lịch đến Australia tới 1,6 triệu khách. 

Những gánh nặng

Với chi phí lên tới 11 tỷ USD, Olympic Athen là kỳ Thế vận hội đắt đỏ nhất, tính đến thời điểm nó diễn ra. Ngay sau khi tổ chức xong thế vận hội, Hy Lạp đã phải gánh chịu khoản nợ khổng lồ lên tới 168 tỷ Euro, tức 110,6% GDP, cao hơn 2 lần giới hạn của khu vực đồng tiền chung châu Âu Euro-zone.

Điều này khiến Hy Lạp trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên chịu sự giám sát tài chính của Ủy Ban châu Âu (EC) vào năm 2005. Mặc dù việc tổ chức thế vận hội năm 2004 không thể là nguyên nhân duy nhất kiến nền kinh tế Hy Lạp rơi vào khủng hoảng vào năm, tuy nhiên nó là biểu hiện của việc chi tiêu thiếu thận trọng của chính phủ nước này với những khoản vay không bền vững.

Hơn thế nữa, những khoản đầu tư cho Olympic tại Hy Lạp dường như không đem lại hiệu quả lâu dài, đơn cử như nhiều sân vận động cùng trang thiết bị không còn được sử dụng sau Olympic. Ngành du lịch cũng không được hưởng lợi nhiều từ thế vận hội khi mà ngay những năm sau đó, du khách chọn các điểm đến khác không phải Hy Lạp mà là Croatia hay Thổ Nhĩ Kỳ với chi phí rẻ hơn cũng như chiến lược quảng bá tốt hơn.

Hay như một ví dụ khác đó là Olympic Bắc Kinh 2008. Mặc dù chi ra tới 40 tỷ USD và là kỳ thế vận hội đắt nhất hành tinh tính đến thời điểm này, sự kiện này được đánh giá có tác động không đáng kể tới nền kinh tế Trung Quốc.

Olympic 2012 được tổ chức tại London.

Còn tại Anh, khi Olympic London diễn ra, số lượng khách thăm bảo tàng Anh Quốc giảm xuống còn 480.000 người so với 617.000 người cùng kỳ năm trước. Vào tháng diễn ra Thế vận hội, số khách du lịch nước ngoài vào Anh giảm 5% so với năm trước đó.

Còn tại Olympic Rio năm nay, mặc dù rơi vào tình trạng khủng hoảng kinh tế và cả chính trị, chính quyền lớn nhất trong nhiều thập kỷ, Brazil vẫn chi ra tổng cộng 12,2 tỷ USD để tổ chức Thế vận hội. Áp lực về tài chính này thậm chí đã khiến chính quyền thành phố Rio tuyên bố tình trạng khẩn cấp về ngân sách trong tháng 6 vừa qua và nhờ vào sự ứng cứu từ Quỹ hỗ trợ của liên bang để chi trả lương hưu cũng như lương cho công chức. Bên cạnh đó, có 60% người Brazil được hỏi, tin rằng Thế vận hội sẽ đem lại nhiều chi phí cho họ hơn là lợi ích.

Thế vận hội đem lại gì cho nước chủ nhà?

Có thể thấy, những lợi ích kinh tế từ các kỳ Thế vận hội khó có thể bù đắp được chi phí của nó là do các công trình phục vụ cho thi đấu. Sân vận động được xem là những công trình tốn kém nhưng lại hiệu quả kinh tế thấp.

Một người phụ đứng trên sân thượng của một căn nhà bị phá hủy ngay cạnh tòa tháp khách sạn được xây dựng phục vụ Olympic 2016. Ảnh: Bloomberg.

Đó cũng chính là nguyên nhân khiến các công trình này hầu như được xây dựng bởi tiền thuế chứ không thu hút được đầu tư tư nhân. Hay như mạng lưới đường xá, cơ sở hạ tầng kết nối giữa các địa điểm thi đấu dù được đầu tư kỹ lưỡng nhưng lại không được sử dụng hiệu quả sau Thế vận hội vì nó không phục vụ cho các khu vực dân cư sinh sống.

Do vậy, một kế hoạch dài hơi là cần thiết cho các khoản đầu tư xây dựng tại Olympic. Điều này đã được các nước chủ nhà Thế vận hội gần đây cân nhắc, khi mà họ đã tập trung hơn cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng như đường cao tốc hay sân bay để đem lại lợi ích lâu dài.

Như vậy, lợi ích về kinh tế của việc tổ chức Thế vận hội dường như rất mập mờ. Một số quan điểm cho rằng không nên nhìn các kỳ Olympic chỉ trên khía cạnh kinh tế. Tác giả Kuper viết trên ESPNFC rằng chúng ta đang hiểu sai về bản chất của một sự kiện thể thao lớn, nó không phải là một gói kích thích kinh tế. Tổ chức một sự kiện thể thao có thể làm tăng chỉ số hạnh phúc cho người dân địa phương. Trong khi đó nhà kinh tế học Matheson từ Massachusetts đã so sánh ‘’Thế vận hội như một đám cưới, nó không khiến bạn giàu nhưng làm cho bạn trở nên vui vẻ’’.

Phan Vũ

TIN LIÊN QUAN