Lốp xe là một yếu tố hết sức quan trọng có ảnh hưởng đến sự an toàn của người ngồi trên xe. Việc lựa chọn lốp không phù hợp với xe có thể ảnh hưởng đến hiệu suất vận hành, tuổi thọ của xe và thậm chí là tạo nên các tình huống nguy hiểm cho người điều khiển cũng như hành khách. Vậy lốp xe có tầm quan trọng như thế nào? Ngoài tên nhà sản xuất thì lốp xe còn "nói" điều gì với chúng ta? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau nhé.
Lốp xe
Cùng với sự phát triển của xe hơi, lốp xe cũng luôn được cải tiến hoàn thiện nhằm nâng cao hiệu suất vận hành của xe và đảm bảo sự an toàn của người dùng. Bạn có biết hãng lốp nổi tiếng Michelin đã đầu tư số tiền hơn 700 triệu đô la mỗi năm để nghiên cứu và phát triển lốp xe. Hãng này hiện đang sở hữu 240 bằng sáng chế về thiết kế và công nghệ lốp. Lốp xe không chỉ là một khối cao su bơm hơi mà còn được trang bị rất nhiều công nghệ tiên tiến và phải trải qua quá trình sản xuất hết sức khắt khe trước khi đến tay người dùng. Trước tiên, chúng ta hãy tìm hiểu sơ lược về cấu tạo của lốp xe nhé.
Cấu tạo lốp xe
Mỗi loại lốp xe đều được thiết kế dành cho từng loại xe, tương ứng với từng điều kiện hoạt động khác nhau. Tất cả các tính chất đều phụ thuộc vào chiếc lốp được sản xuất như thế nào. Tựu chung, các nhà sản xuất đều hướng tới mục tiêu tạo ra những chiếc lốp giúp tối đa hóa hiệu suất vận hành của xe, giúp hành khách thoải mái, an toàn và tiết kiệm lượng nhiên liệu tiêu thụ.
Bây giờ, chúng ta hãy cắt dọc một chiếc lốp xe ra và tìm hiểu cấu trúc của nó qua sơ đồ bên dưới nhé.
- Tanh lốp: Giúp kẹp lốp xe vào trong vành (mâm) xe một cách chắc chắn.
- Hông lốp: Bộ phận bảo vệ lốp tránh những tác động của đá, đất cát trên đường va vào. Đây cũng là nơi được ghi chú rất nhiều thông số quan trọng của lốp xe.
- Lớp cao su làm kín khí: Một thành phần quan trọng của lốp không săm. Thường được làm từ cao su tổng hợp, hoàn toàn chống thấm nước.
- Lớp bố thép: chế tạo từ thép dạng sợi mảnh, dệt bên trong cao su. Đây là thành phần tạo nên sức bền cho lốp xe.
- Lớp bố đỉnh: Là lớp đế vững chắc cho gai lốp, giúp giảm lượng tiêu hao nhiên liệu. Lốp bố đỉnh cũng cung cấp độ ổn định ly tâm và ổn định dọc cho lốp xe, đồng thời giúp lốp có đủ độ uốn cong để vận hành một cách thoải mái nhất.
- Gai lốp: Đảm bảo độ bám đường của xe tại nhiều điều kiện đường sá, thời tiết khác nhau. Gai lốp tiêu chuẩn phải đảm bảo chống mài mòn và chịu nhiệt tốt do đây là thành phần chịu ma sát rất lớn trong quá trình xe vận hành.
Sau khi đã cắt một chiếc lốp xe ra và biết được bên trong gồm những thành phần nào. Ở phần tiếp theo, chúng ta sẽ đi sâu vào tìm hiểu những thông số được ghi trên hông lốp xe. Đó là tất cả những gì chiếc lốp "muốn nói với bạn."
Ý nghĩa của các thông số trên lốp xe
Để cho các bạn có thể quan sát tổng quát và nắm được những thông số cơ bản ghi trên lốp xe, mình có làm thêm một infofraphic dưới đây. Infographic mô tả một chiếc lốp xe thông thường và những thông số có thể được nhà sản xuất ghi trên đó. Chi tiết về các thông số sẽ được trình bày ở phần tiếp theo.
Ký hiệu loại lốp
Thông số về kích thước lốp thường bắt đầu bằng 1 hoặc 2 ký tự, ví dụ như P hoặc LT. Những ký tự này cho chúng ta biết chiếc lốp dành cho loại xe hoặc điều kiện sử dụng nào. Dưới đây là các loại ký hiệu quy định kích thước lốp thường gặp
Lốp P (P-Metric, ví dụ P215/65R17 98T). Đây là dạng phổ biến, thường gặp nhất trên phần lớn lốp xe hiện nay. Chữ cái P viết tắt cho từ "Passenger Vehicle", nghĩa là những loại lốp P được thiết kế cho những chiếc xe chở khách như sedan, SUV hoặc xe có tải trọng nhẹ (khoảng 250kg hoặc 500kg).
Lốp Metric (còn gọi là lốp Euro Metric, không có chữ P, ví dụ như 185/65R15 88T). Đây là kiểu lốp có kích thước theo tiêu chuẩn châu Âu. Kích thước của lốp xe kiểu châu Âu tương đương với lốp kiểu P, nhưng khác ở khả năng chịu tải và áp suát lốp. Lốp kiểu Metric thường thấy ở những chiếc xe sản xuất tại Châu Âu, trên một số chiếc SUV hoặc vans.
Lốp cho xe tải có tiền tố LT (Ví dụ LT235/75R15 104/101S/C). Đây là loại lốp dành cho xe tải nhẹ, xe bán tải chở hàng, xe tải nặng có tải trọng từ 750kg đến 1 tấn. Ngoài ra, nó có thể được sử dụng cho một số chiếc SUV hoặc Vans Full-size.
Lốp xe tải có hậu tố LT (ví dụ 9.5-16.5 LT121/117R). Đây là loại lốp dành cho những chiếc xe tải vừa và nhỏ, xe tải hàng nặng, thường có tải trọng trên 500kg đến 1 tấn. Điểm đặc biệt là cụm LT đứng giữa 2 con số, con số đứng trước chỉ chiều ngang và kích thước của vành xe (như ví dụ là 9.5 và 16.5 inch), con số đứng sau chỉ tải trọng mà xe tải hoặc đầu kéo sử dụng. Ngoài ra, lốp hậu tố LT có thể được dùng cho một số xe thể thao và Vans.
Lốp T (viết tắt cho chữ Temporary Space, ví dụ T145/70R17 106M). Đây là loại lốp xe tạm thời, thường được sử dụng như lốp dự phòng trên một số xe và cho phép thay vào, sử dụng trong một thời gian ngắn khi lốp chính gặp sự cố.
Lốp có tiền tố ST (viết tắt của cụm từ Special Trailer, ví dụ ST175/80R13), thường được sử dụng cho rơ moóc kéo phía sau hoặc một số loại xe chuyên dụng khác.
Lốp C (Commercial, ví dụ 31x10.50R15/ C109R). Đây là loại lốp chuyên dùng cho xe dịch vụ chuyển hàng thương mại hoặc những chiếc vans tải hàng nặng. Thông số ghi trên lốp C thường sẽ chỉ rõ tải trọng mà lốp chịu được là thuộc loại nào (hạng B, C hay D).
Thông số kích thước lốp:
Chiều rộng lốp
Thông số nằm ngay sau ký hiệu loại lốp. Là khoảng cách từ hông bên này đến hông bên kia của lốp đo bằng đơn vị milimet. Ví dụ P 225/45R17 91V, đây là lốp có chiều rộng 225mm. Chiều rộng của lốp co thể được chuyển đổi sang đơn vị inch. Ví dụ lốp P225 tương ứng với chiều rộng là 8,86 inch.
Tỷ lệ % chiều cao/chiều rộng lốp
Thông số thường được ghi phía sau chiều rộng, sau dấu "/" và trước ký hiệu cấu trúc bố (chữ R ở ví dụ sau). Tỷ lệ càng cao thì lốp càng dày và ngược lại, tỷ lệ càng thấp thì lốp càng mỏng. Ví dụ như lốp P225/ 45R17 91V, tỷ lệ giữa chiều cao/chiều rộng là 45%
Đường kính mâm (vành, la zăng)
Đo bằng đơn vị inch (1 inch = 25,4 mm) Ví dụ lốp P225/45R 17 91V sẽ được gắn vào mâm với đường kính 17 inch. Một số đường kính mâm thường gặp là 8, 10, 12, 13, 14, 15, 17, 18, 19, 20, 22, 23, 24, 26 và 28 (đơn vị đều là inch). Đây đều là những loại mâm phổ biến cho sedan, SUV, minivan, van và xe tải nhẹ.
Các ký hiệu về cấu trúc bố, chỉ số tốc độ giới hạn và tải trọng giới hạn
Cấu trúc bố
Ví dụ P225/45 R17 91V. Đây là lốp có cấu trúc bố dạng tỏa tròn (Ký hiệu chữ R - viết tắt của radial). Theo số liệu thống kê thì 98% lốp xe hiện nay có cấu trúc bộ dạng tỏa tròn. Ngoài ra còn có cấu trúc bố chéo (ký hiệu chữ D - Bias). Bên cạnh đó, chúng ta có thể bắt gặp ký hiệu B, cấu trúc bố tương tự chư bố chéo nhưng có thêm lớp đai gia cố bên dưới gai lốp.
Chỉ số tốc độ giới hạn
Ví dụ lốp P225/45R17 91 V thì chữ V để chỉ cho giới hạn tốc độ tối đa mà lốp có thể hoạt động được là 220km/h. Ngoài ra còn có các chỉ số khác từ M đến Z tương ứng với tốc độ tối đa từ 130 đến hơn 240km/h. Mời xem bảng bên dưới.
Chỉ số tải trọng giới hạn
Kể từ năm 1991, tất cả các nhà sản xuất lốp xe đều phải ghi rõ giới hạn tải trọng trên lốp xe. Ví dụ lốp P225/45R17 91V có chỉ số tải trọng giới hạn là 91 tương ứng với 615 kg. Thông thường, chỉ số giới hạn tải trọng thuộc khoảng từ 71 đến 110 tương ứng với tải trọng từ 345kg đến 1060kg. Chi tiết mời xem bảng bên dưới.
Một số ký hiệu khác
Loại lốp: được chia theo từng điều kiện đường sá, thời tiết hoặc các mùa trong năm. Thường gặp là ký hiệu M+S (M&S, lốp dùng cho tất cả các mùa trong năm, rãnh lốp đủ rộng để thoát nước và có độ bám tốt trên đường trơn). Ngoài ra còn có ký hiệu M+SE, tương tự như lốp M+S nhưng tăng độ bám đường trong điều kiện đường trơn, nhiều tuyết.
DOT CUNB A186:ký hiệu sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn của bộ giao thông Hoa Kỳ.
Thời gian sản xuất gồm 4 con số abcd: Lốp được sản xuất vào tuần thứ ab trong năm 20cd. Ví dụ như 1814 là lốp sản xuất vào tuần thứ 18 của năm 2014.
Bridgestone, Goodyear, Dunlop, Michelin, Pirelli,... Tên hãng lốp. Bên cạnh đó, hãng sản xuất thường sẽ có số hiệu của một loại lốp nhất định tùy thuộc vào tính năng, chất lượng và mục đích sử dụng do hãng quy định.
TREADWEAR acd:khả năng chống mòn của lốp. Giá trị càng cao thì lốp càng lâu mòn hơn. Giá trị tiêu chuẩn là abc=100.
Traction A: khả năng bám đường thuộc hạng A. Chỉ số này càng lớn thì khả năng bám đường càng tốt. Thứ tự bám đường giảm dần từ AA, A, B, C.
Temparatur A: Khả năng chịu nhiệt hạng A. Thang giá trị chịu nhiệt giảm dần từ A, B, C.
Max Permit Inflat: Áp suất lốp tối đa, tính theo đơn vị psi hoặc kPA. Chỉ số này quy định áp suất cao nhất mà lốp có thể chịu được trong phạm vi an toàn. Theo các chuyên gia, khi bơm hơi không nên bơm theo thông số này, mà dùng áp suất hơi khuyến cáo trong hướng dẫn sử dụng xe hoặc được ghi trên khung cửa cabin.
Tubeless: Lốp không săm
Nguồn Tinhte/Bridgestonetire, Tirebuyer (1), (2), (3), Michelin, Tirerack, Driverstech, HSW, Carbibles