Ngày 27/10, Hội Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với UBND huyện Tân Kỳ tổ chức hội thảo bàn giải pháp phát triển đặc sản, sản phẩm truyền thống Tân Kỳ thành hàng hóa gắn với xây dựng NTM.
Hội thảo có sự tham gia của các nhà khoa học, các sở, ngành liên quan và đại diện các địa phương huyện Tân Kỳ. Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh và đồng chí Phan Văn Giáp - Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ chủ trì hội thảo.
Báo cáo đề dẫn hội thảo nêu rõ, Tân Kỳ là huyện miền núi thấp của tỉnh Nghệ An, có có tài nguyên thiên nhiên phong phú, tính đa dạng sinh học cao, nhiều dân tộc sinh sống; khí hậu, thổ nhưỡng, rừng núi và truyền thống bản sắc các dân tộc đặc sắc nên có nhiều cây, con đặc sản, sản phẩm đặc sản, nhiều sản phẩm truyền thống đã tồn tại và phát triển từ nhiều đời nay.
Trong đó, tập trung chủ yếu là sản phẩm từ nông nghiệp với các sản phẩm cây, con đặc sản của huyện như: Dê, trâu, bò, gà, trứng gà, mật ong, măng loi, cam sông Con, tinh bột nghệ, sắn dây… Các sản phẩm từ nghề truyền thống: Dệt thổ cẩm; Dệt võng gai; Trồng dâu nuôi tằm; Làng chế biến miến gạo truyền thống; Sản xuất mật mía... Trong đó, có nhiều sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh.
Trong những năm qua, nhờ sự nỗ lực của chính người dân địa phương, người dân ở làng nghề, cộng với sự quan tâm của Nhà nước trong việc quảng bá, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, chứng nhận bảo hộ, vì vậy, nhiều sản phẩm đặc sản, sản phẩm truyền thống của Tân Kỳ phát triển mạnh.
Tuy nhiên, việc biến đặc sản trở thành hàng hóa, góp phần phát triển sinh kế bền vững cho người dân vẫn đang dừng lại ở dạng tiềm năng và đang chỉ là những đặc sản, với sự khan hiếm và chưa trở thành hàng hóa.
Hội thảo khoa học “Giải pháp phát triển đặc sản, sản phẩm truyền thống thành hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới ở huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An” nhằm tìm ra giải pháp để phát triển các sản phẩm đặc sản, sản phẩm truyền thống ở Tân Kỳ được bảo tồn và phát triển, sản xuất tập trung quy mô lớn thành hàng hóa và hình thành sản phẩm OCOP..., tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho người dân, góp phần thúc đẩy xây dựng Nông thôn mới.
Tại hội thảo, các nhà khoa học, các nhà quản lý, các chuyện gia, doanh nghiệp đã có các tham luận, ý kiến đóng góp, gợi mở nhiều vấn đề, trong đó, tập trung vào các nội dung: Đánh giá thực trạng các đặc sản, sản phẩm truyền thống Tân Kỳ; Bàn về định hướng phát triển đặc sản của huyện và có chỉ dẫn địa lý, tập trung vào bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống mang đặc trưng của sản phẩm đặc sản của huyện; Xác lập và phát triển thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp làng nghề..., xây dựng thương hiệu và tập trung quảng bá sản phẩm; Phát triển thương hiệu gắn với khắc phục điểm yếu của chuỗi giá trị; Vấn đề liên kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất...
Đồng thời, gợi mở các vấn đề về cơ chế, chính sách hỗ trợ trực tiếp những sản phẩm đặc sản theo hướng sản xuất sạch, chế biến bảo quản sạch, có ứng dụng công nghệ cao, bảo tồn và giữ giống gen một số cây, con đặc sản quý hiếm để duy trì, bảo tồn, phát triển; Cơ chế chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển Chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP), gắn với xây dựng Nông thôn mới, hướng tới nông thôn thông minh giai đoạn 2021-2025.