Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An, hoạt động ngân hàng đạt mức tăng trưởng nguồn vốn huy động và dư nợ tốt so với cùng kỳ năm trước, tiếp tục kiểm soát tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ dưới mức cho phép.
Tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn 9 tháng đầu năm 2021 đạt 171.170 tỷ đồng, tăng 6,9% so với đầu năm, tăng 7,03% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng dư nợ không tính Ngân hàng Phát triển đạt 217.119 tỷ đồng, tăng 3,8% so với đầu năm, tăng 10,08% so với cùng kỳ năm 2020.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, các doanh nghiệp khó khăn, phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh, nên các khoản vay mới không nhiều.
Đối với các khoản vay hiện hữu, các ngân hàng chủ động rà soát, thẩm định, thực hiện trong thẩm quyền hoặc trình Hội sở chính thực hiện các biện pháp thích hợp hỗ trợ khách hàng như: miễn, giảm phí, lãi tiền vay; giảm lãi suất vay; cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ...., cho vay mới với lãi suất ưu đãi nhằm hỗ trợ khách hàng vay duy trì và ổn định, sản xuất kinh doanh.
Trong khi đó, theo báo cáo của Sở Công Thương, hoạt động xuất khẩu là điểm sáng trong bối cảnh bị ảnh hưởng tác động của dịch Covid-19.
Tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đạt 1.100 triệu USD, tăng 44,8% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, xuất khẩu hàng hóa ước đạt 860 triệu USD, tăng 50,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng kim ngạch nhập khẩu 9 tháng đạt 670 triệu USD. 9 tháng đầu năm 2021, các doanh nghiệp Nghệ An đã xuất khẩu đi khoảng 115 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó, hàng hóa được xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường lớn như: Trung Quốc(chiếm 31,7%), Hàn Quốc (chiếm 14,2%), Ấn Độ (chiếm 3%)…
Nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng khá, nhất là nhóm hàng công nghiệp chế biến, như: Linh kiện điện tử đạt 125,9 triệu USD (so với 794 nghìn USD cùng kỳ năm 2020); hàng dệt may đạt 197,7 triệu USD, tăng 26,3%; dăm gỗ đạt 110,8 triệu USD, tăng 21%; hạt phụ gia nhựa đạt 17,6 triệu USD, tăng 50,4%; hoa quả chế biến và nước hoa quả 23,7 triệu, tăng 14,5%; xơ sợi dệt các loại đạt 8,9 triệu USD, tăng 39%; bột đá vôi trắng siêu mịn đạt 34,7 triệu USD, tăng 47,7%.
Trong khi đó thương mại, du lịch,vận tải giảm mạnh. Loại trừ một số mặt hàng y tế, nhu yếu phẩm phục vụ phòng, chống dịch, đối với các mặt hàng khác, sức mua của người tiêu dùng giảm mạnh do các cửa hàng kinh doanh, quán ăn, nhà hàng,... phải đóng cửa, không hoạt động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng ước đạt 52.024,82 tỷ đồng, giảm 10,12% so với cùng kỳ năm 2020 (riêng quý III giảm 37,57%).