(Baonghean) - Đến nay, trên địa bàn Nghệ An đã phát triển được 500 ha sản xuất rau, củ, quả an toàn áp dụng quy trình sản xuất công nghệ. Con số này vẫn còn khá khiêm tốn so với tiềm năng của tỉnh. Để nhân rộng các vùng rau an toàn (RAT), vấn đề đặt ra là phải có mối liên kết bền vững giữa doanh nghiệp (DN) và người nông dân.
Những mô hình được ghi nhận
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng RAT như: Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu), Lưu Sơn (Đô Lương), Nghi Ân (TP.Vinh), Hưng Phúc, Hưng Lợi (Hưng Nguyên), Nam Xuân (Nam Đàn)… Trong đó, có một số vùng RAT có sự liên kết của các địa phương, nông dân và DN để phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đang phát huy hiệu quả.
Ở xã Diễn Thành (Diễn Châu) có truyền thống sản xuất rau nhưng trước đây chủ yếu theo hình thức “tự cung - tự tiêu”, hiệu quả không cao. Nhưng từ năm 2015 đến nay, nông dân ở các xóm 9,10 đã hợp tác với DN phát triển mô hình RAT trên diện tích 2ha. Được sự hỗ trợ của DN từ kỹ thuật, phân bón, theo dõi dịch bệnh theo quy trình RAT, đồng thời đảm bảo bao tiêu sản phẩm nên doanh thu trung bình đạt trên 200 triệu đồng/ha; đầu ra ổn định hơn trước.
Theo ông Lê Thế Hiếu – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Diễn Châu: Để thu hút được đầu tư vùng RAT tại địa phương, ngoài chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện còn trích 180 triệu đồng hỗ trợ DN đầu tư một trang thiết bị dùng để sơ chế ban đầu, hệ thống nước sạch... Thời gian tới, huyện tiếp tục nhân rộng mô hình liên kết DN phát triển vùng RAT ở xã Diễn Lâm với diện tích 5ha”.
Còn tại xã Khánh Sơn (Nam Đàn), từ đầu năm 2016 này, nông dân một số xóm trên địa bàn triển khai mô hình trồng ớt chỉ thiên với tổng diện tích gần 5 ha. Khác với trước đây, sản xuất giống ớt chỉ thiên, bà con nông dân không phải lo đầu ra bởi đến mùa thu hoạch sẽ có công ty thu mua ngay tại ruộng. Giá ớt chỉ thiên cao hơn các giống ớt thường (11.500 đồng/kg) nên mỗi sào cho thu nhập hơn 8 triệu đồng (gấp đôi các giống ớt khác). Ông Nguyễn Trọng Hồng – Phó Chủ tịch xã Khánh Sơn cho biết: Xã liên kết với DN hỗ trợ sản suất, thu mua cho bà con nên đảm bảo được đầu ra cho sản phẩm.
Khoảng 3 năm trở lại đây, xã Nghi Ân (TP.Vinh) đã phối hợp với DN phát triển mô hình trồng ớt chỉ thiên trên diện tích 4 ha. Với mô hình liên kết sản xuất này, DN đã hỗ trợ nông dân từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó năng suất cây trồng tăng lên, đầu ra ổn định bởi vậy nông dân yên tâm sản xuất. Ông Phạm Văn Sơn, xóm Kim Bình (Nghi Ân) trồng 400 m2, thu nhập 20 triệu đồng/vụ (5 tháng).
Để thu hút đầu tư vào các dự án sản xuất RAT, UBND tỉnh đã có Quyết định 08/2015/QĐ – UBND ban hành một số chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 - 2020. Theo đó, nhà đầu tư có dự án sản xuất RAT theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGap) được ngân sách tỉnh hỗ trợ, đầu tư.
Cụ thể, hỗ trợ tối đa 1 tỷ đồng/dự án (đạt 20 ha) để đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua máy móc, thiết bị; 100 triệu đồng thuê tổ chức chứng nhận đánh giá để được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm an toàn… Nhờ đó, đến nay toàn tỉnh đã phát triển được 2-3 vùng sản xuất rau, củ, quả áp dụng quy trình sản xuất công nghệ với diện tích thực hiện khoảng trên 500 ha, sản lượng đạt trên 50 nghìn tấn, đảm bảo chất lượng ATTP.
Cần sự liên kết chặt chẽ
Mặc dù, hiện có một số địa phương đã liên kết với DN xây dựng được một số mô hình RAT khá hiệu quả. Nhưng số lượng các vùng RAT có sự liên kết hỗ trợ sản xuất, bao tiêu sản phẩm, tạo dựng được thương hiệu vẫn còn ít ỏi; chưa tương xứng với tiềm năng. Hiện, ngoài vùng RAT Diễn Thành, TX. Hoàng Mai, trên địa bàn tỉnh còn có rải rác một số vùng rau liên kết sản xuất với một số DN như: HTX sản xuất nấm Đoàn Kết (Yên Thành), HTX Phú Lương (Quỳnh Lưu); mô hình nấm ở Hưng Lộc, trồng ớt cay Nghi Ân (TP.Vinh), Nam Đàn, Anh Sơn…
Nhìn chung, quy mô của các vùng rau còn nhỏ và hiệu quả vẫn còn hạn chế. Theo ông Lê Thế Hiếu – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Diễn Châu, “trong quá trình sản xuất RAT nông dân đang vấp phải không ít khó khăn. Cụ thể, do đặc thù về thời tiết mỗi năm nông dân chỉ sản xuất được khoảng 7 tháng nên chỉ có thể cung cấp cho DN rau củ, quả vụ đông. Mặt khác, vì chưa có được thương hiệu rau sạch nên giá trị của RAT cũng không cao hơn rau được sản xuất theo quy trình bình thường là mấy”.
“Ngoài ra, để duy trì và nhân rộng mô hình RAT tại các vùng rau chuyên canh trên địa bàn tỉnh, còn vấp phải những khó khăn khác, như: Diện tích sản xuất RAT còn manh mún, gây khó khăn cho công tác quản lý. Sản phẩm sản xuất chưa đảm bảo cả về số lượng và chất lượng, kinh phí để đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng vùng RAT còn hạn chế. Là lĩnh vực mang tính rủi ro cao nên DN ít tham gia vào quá trình sản xuất, trong khi cơ chế thu hút DN đầu tư sản xuất RAT chưa thực sự hấp dẫn. Mặt khác, sản phẩm rau chủ yếu chưa qua sơ chế nên sản phẩm kém đa dạng, khó tiêu thụ…” - ông Nguyễn Đình Hương – Phó Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Nghệ An cho biết thêm.
Đinh Nguyệt