(Baonghean) - Hiện nay ở một số địa phương đã thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã đứng ra liên kết sản xuất với nông dân, ngoài đưa khoa học kỹ thuật, cơ giới còn áp dụng tiêu chuẩn VietGAP vào sản xuất để đem lại nhiều lợi ích cho người nông dân.
 
“Cầu nối” hợp tác xã
 
Thời điểm Hợp tác xã Dịch vụ chăn nuôi bò sữa Đồng Tiến, xã Quỳnh Thắng (Quỳnh Lưu) chưa thành lập, nghề chăn nuôi bò sữa ở Quỳnh Thắng lao đao. Mặc dù bà con được tỉnh hỗ trợ lãi suất trong 3 năm mua bò HF nhập ngoại, nhưng phần vì chưa kinh nghiệm, kiến thức chăn nuôi, nhận thức của người dân còn kém (sữa có cả nước lạnh, không đảm đảm bảo tiệt trùng); sản phẩm không đạt chất lượng, nhà máy không thu mua nên từ 22 hộ nuôi với 59 con bò năm 2005 đã giảm còn 15 hộ nuôi với 36 con năm 2008.
 
Từ tháng 12/2009 UBND xã thành lập Hợp tác xã Dịch vụ chăn nuôi bò sữa Đồng Tiến, những khó khăn của người chăn nuôi dần được tháo gỡ. Ban quản trị HTX đã đàm phán với Công ty CP Thức ăn chăn nuôi CP cung ứng sản phẩm tận gốc cho bà con (hiện giá cung ứng cám con cò là 327.000 đồng/bao 40 kg, trong khi thị trường bên ngoài là 350.000 - 360.000 đồng/bao 40kg); HTX cũng cung cấp ngô hạt với giá 6.000 đồng/kg (giá ngoài thị trường là 6.700 đồng/kg), cung cấp bã bia 5.800 đồng/kg (giá thị trường đang là 6.500 đồng/kg). Đồng thời, Ban quản trị HTX bỏ vốn hơn 450 triệu đồng mua bồn lạnh tự động hóa với sức chứa 2.000 kg để xe vận chuyển của nhà máy về “ăn hàng” tận xã. 
images1070088_1dsc_0701.jpgNông dân xã Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu) chăm sóc rau màu.
 
HTX Dịch vụ chăn nuôi bò sữa Đồng Tiến ra đời thực sự tiếp sức cho nhiều hộ chăn nuôi bò sữa có thể sống được với nghề. Gia đình ông Trần Trung Hường ở xóm 6, xã Quỳnh Thắng (Quỳnh Lưu) đang nuôi 8 con bò, trong đó có 6 con cho sữa với sản lượng sữa bình quân 60 - 65kg/ngày. Với giá thu mua hiện tại 12.500 đồng/kg, ông Hường thu khoảng 800.000 đồng/ngày.  Ông cho biết: “Khi tham gia dự án chăn nuôi bò sữa theo Quyết định 47 của UBND tỉnh năm 2005, tôi đã bỏ vốn hơn 100 triệu đồng để xây dựng chuồng trại và mua 3 con bò sữa. Nhưng thời điểm đó, giá sữa tươi chỉ được hơn 3.000 đồng/kg, đầu ra bấp bênh, nên liên tục bị thua lỗ, chỉ cố cầm cự chứ cũng không muốn đầu tư. Đến giữa năm 2009, giá sữa bắt đầu tăng lên hơn 10.000 đồng/kg, lại có HTX thu mua ổn định tại xã nên chúng tôi rất phấn khởi, yên tâm đầu tư cho con bò và xây dựng chuồng trại”.
 
Đến nay 33 hộ dân nuôi bò sữa Quỳnh Thắng đã có nguồn thu nhập khá, trong số 130 con bò sữa đang nuôi có 70 con cho sữa; trung bình mỗi ngày cung cấp cho nhà máy Vinamilk hơn 600 kg. Qua bảng tổng hợp 6 tháng đầu năm 2014 của HTX, tổng sản lượng sữa đạt hơn 154.600 kg, doanh thu gần 2 tỷ đồng. Hiện các hộ chăn nuôi đã tham gia cùng nhà máy Vinamilk xây dựng vùng nguyên liệu khá tốt. Việc tiếp tục hỗ trợ tư vấn về kỹ thuật, cung cấp tinh bò và hỗ trợ thu mua đã tạo mối quan hệ giữa doanh nghiệp với người dân ngày càng chặt chẽ, hiệu quả. Ông Bùi Văn Vinh - Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ chăn nuôi bò sữa Đồng Tiến cho biết: Đầu năm 2013, được sự tư vấn, hỗ trợ của Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thuỷ sản Nghệ An, các hộ chăn nuôi đã đầu tư nâng cấp chuồng trại, trang thiết bị dụng cụ nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn VietGap trong chăn nuôi bò sữa. Hiện tại, các hộ chăn nuôi bò sữa đã được Trung tâm Chứng nhận phù hợp (QUACERT) đánh giá và cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn thực hành chăn nuôi tốt VietGap.
 
Hợp tác xã Diêm nghiệp Vạn Nam, xã Diễn Vạn (Diễn Châu) đang quản lý 4 đội với 278 hộ sản xuất muối trên diện tích 50,7 ha; sản lượng trung bình hàng năm đạt khoảng 4.000 - 4.500 tấn. Thị trường chủ yếu của diêm dân Diễn Vạn vốn ở các huyện miền núi trong tỉnh do từng hộ hoặc một nhóm hộ sản xuất đưa muối đổi lấy ngô, lạc, lúa về nhập cho các tư thương chế biến nông sản trong huyện. Nhưng việc tiêu thụ này cũng thường xuyên bị ách tắc, nhất là vào thời điểm từ tháng 4 - 5 ÂL muối thường bị tồn đọng do người dân phải thua hoạch mùa vụ nên không trao đổi hàng hóa.
 
Để tránh tình trạng diêm dân bị tư thương vào lợi dụng ép giá, gom hàng trong thời điểm này, sau đó xuất bán lại cho chính diêm dân mang đi tiêu thụ, từ năm 2006, Ban quản trị HTX Vạn Nam đã thế chấp bìa đất vay vốn ngân hàng đứng ra thu mua muối cho bà con giá cao hơn từ 150 - 200 đồng/kg so với giá bán bên ngoài; liên hệ với các doanh nghiệp ở các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Hải Phòng… để nhập hàng; trung bình một năm HTX bỏ vốn khoảng 800.000.000 - 1.000.000.000 đồng thu mua từ 600 - 800 tấn muối cho diêm dân. Có thời điểm như năm 2013, giá muối giảm từ 1.600 đồng/kg thời điểm đầu vụ xuống còn 1.100 đồng/kg khi chính vụ, nhưng HTX vẫn thu mua cho bà con giá 1.250 đồng/kg. Trong năm 2014, ông Trần Hải Thanh (ở đội 2) sản xuất 2.500m2 đã nhập cho HTX 15 tấn muối, ông Võ Quế (ở đội 1) sản xuất 2.000m2 nhập cho HTX 10 tấn muối… với giá 1.700 đồng/kg (cao hơn 150 đồng/kg so với giá tư thương đang mua tại thời điểm tháng 5 ÂL). 
 
Theo ông Vũ Hồng Tuyên - Phó Chủ nhiệm HTX Diêm nghiệp Vạn Nam thì trước đây, diêm dân làm muối theo phương pháp phơi cát truyền thống nên sản lượng thấp, tốn nhiều công sức… Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai dự án “Xây dựng mô hình tổ hợp tác và áp dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất muối sạch” trong 2 năm (2011 - 2012) tại HTX Diêm nghiệp Vạn Nam. Mô hình triển khai trên quy mô 1 ha, trong đó có 1.000 m2 sân kết tinh muối, 50 ô nề được trải 1.000 m2 bạt HDPE...). Diêm dân sản xuất muối theo cách này sau mỗi vụ không cần phải cải tạo sân, chi phí làm sân trải bạt thấp hơn làm sân ô nề truyền thống. Những lợi ích từ xây dựng mô hình, đến năm 2014 đồng muối của HTX Diêm nghiệp Vạn Nam đã chuyển đổi 100% diện tích sản xuất muối sạch, nâng tổng số ô nề được trải bạt là 300 ô với diện tích 19.500 m2. Diêm dân dễ tiếp thu, cải thiện được năng suất và chất lượng sản phẩm, giảm chi phí đầu vào, giảm nhân công. Sản xuất muối trên sân kết tinh trải bạt có năng suất bình quân 80 tấn/ha, tăng từ 30 đến 40%, tạp chất lẫn trong muối giảm trên 95% so với sản xuất truyền thống. Do chất lượng muối được nâng lên nên dễ tiêu thụ hơn, giúp diêm dân tăng thu nhập…
 
Nâng cao chất lượng nông sản
 
Hiện trên địa bàn tỉnh ta đã xuất hiện nhiều mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản khẳng định đươc tính hiệu quả cũng như triển vọng phát triển trong tương lai. Tuy nhiên trên thực tế, ở nhiều địa phương dù sản xuất quy mô lớn nhưng đầu ra vẫn bấp bênh, nhất là khi vào mùa thu hoạch rộ, gây thiệt hại cho nông dân. Minh chứng cho điều đó là ở vụ đông 2013, tại “thủ phủ” rau xã Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu). Tất cả các loại rau gồm: su hào, bắp cải, rau cải, hành, mùi… đều rớt giá thê thảm; giá bán hành lá 200 đồng/kg, chưa đầy 1000 đồng/củ su hào, bắp cải… Tính ra Quỳnh Lương đã phải phá bỏ khoảng 170 ha/200ha rau các loại do không bán được... Hàng năm, trong tổng số 200 ha rau của xã thì chỉ có hơn 10 ha rau sạch được chứng nhận VietGap với sản lượng khoảng 50 tấn đang tiêu thụ ổn định ở các khách sạn, siêu thị tại Hà Nội; còn lại hơn 9.000 tấn được tiêu thụ chủ yếu theo hình thức bán cho tư thương để đưa về các chợ đầu mối. Tình trạng được mùa rớt giá, được giá thì khan hàng đã diễn ra nhiều lần ở vùng sản xuất rau lớn nhất nhì tỉnh này.
 
Trao đổi về hướng đầu ra ổn định cho rau củ quả sản xuất trên địa bàn, ông Nguyễn Xuân Dinh - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu cho biết: Trước hết cần tiếp tục mở rộng diện tích trồng rau an toàn theo hướng VietGap, vì thực tế huyện mới chỉ có trên 10 ha rau sạch được chứng nhận VietGap tại xã Quỳnh Lương. Phải quy hoạch vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn tạo thuận lợi cho người nông dân thâm canh; tích cực kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất rau sạch và tiêu thụ cho sản phẩm rau. Đồng thời phát huy vai trò kinh tế tập thể theo mô hình HTX nhằm tiếp thu, đầu tư , phổ biến khoa học kỹ thuật vào sản xuất tới người dân, và đây cũng là các kênh đầu mối, kết nối giữa người nông dân và thị trường. Còn theo ông Nguyễn Văn Lập - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT: Để có thị trường nông sản ổn định hơn, phải thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó phải xác định chất lượng nông sản là vấn đề sống còn của sản xuất nông nghiệp hàng hóa; có nâng cao được chất lượng nông sản thì mới nâng cao được sức cạnh tranh. Nhà nước cần có cơ chế rõ ràng, biện pháp hiệu quả và thể hiện rõ vai trò trong việc giúp nông dân tìm thị trường, trong đó phát huy tốt vai trò của doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm nông sản. 
 
Bài, ảnh: Ngọc Anh