Câu chuyện các doanh nghiệp Việt Nam không thể làm nổi cái ốc vít cho Samsung được Đại biểu Lê Minh Thông (đoàn Thanh Hóa) nhắc đến khi thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội năm 2014 và nhiệm vụ 2015.
 
Ông Lê Minh Thông dẫn chứng: Công ty Samsung đưa 150 loại linh kiện, các DN trong nước đầu hàng không sản xuất. Vấn đề đặt ra vì sao DN của ta không tham gia được chuỗi giá trị của một tập đoàn? Samsung đặt tại Việt Nam và họ thiện chí với ta nhưng ta lại không làm được. Vậy nền kinh tế, cơ cấu kinh tế, công nghiệp, cụ thể là công nghiệp phụ trợ đang phát triển theo hướng nào… Một nền kinh tế như thế không làm được một chi tiết nhỏ trong một chuỗi giá trị thì không hiểu định hướng phát triển công nghiệp đến đâu.
 
images1070011_nang_suat_lao_dong_thap_fqsc.jpgNhà máy sản xuất của Samsung
 
Ông Lê Minh Thông so sánh: Campuchia làm được ô tô, còn ta thì làm gì có ô tô Made in Vietnam, mà chúng ta có chiến lược công nghiệp ô tô đã 20 năm nay. Vấn đề đặt ra là việc tham gia kinh tế toàn cầu của ta không ổn, chúng ta vẫn với một nền sản xuất thô là chính. Trong cùng khu vực, nhưng một số nước lại bứt phá rất mạnh như Lào, Myanmar… Không ít chuyên gia cảnh báo không khéo chúng ta tụt hậu.
 
Một khía cạnh khác, theo ông Lê Minh Thông, Chính phủ chưa chú trọng đến việc khảo cứu về năng suất lao động thì chúng ta “vinh dự” đứng ở cuối bảng. Năng suất lao động đến đâu, đầu tư thế nào…. Chính phủ cần phân tích nghiêm túc chỉ số này. Phải tìm rõ nguyên nhân vì sao năng suất lao động lại thấp như vậy để có cách đẩy năng suất lên. Chính phủ có thể đầu tư, tái cơ cấu nền kinh tế mà năng suất lao động không có thì lãng phí.
 
“Đã đến lúc chúng ta nhìn nhận năng suất lao động một cách nghiêm túc là yếu ở khâu nào để tìm ra cách tổ chức sản xuất như thế nào để có năng suất lao động cao nhất thì mới thắng được. Không phân tích, mổ xẻ kỹ nguyên nhân năng suất lao động thấp thì khó tìm giải pháp thực tế” – ông Lê Minh Thông nói.
 
Theo báo cáo của Chính phủ, trong số 14 chỉ tiêu mà Quốc hội giao, có chỉ tiêu lao động qua đào tạo là không đạt. Nhưng theo đại biểu Lê Minh Thông, kể cả có đạt thì cũng không đáp ứng được yêu cầu vì các trường dạy nghề đào tạo những nghề doanh nghiệp, xã hội không dùng”.
 
Cùng chung những trăn trở về công tác dạy nghề hiện nay, đại biểu Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) cho rằng:  Các cơ sở dạy nghề của chúng ta với cơ sở vật chất như hiện tại thì không thể dạy được nghề cho xã hội cần, rất lãng phí. “Đề nghị Chính phủ sắp xếp lại trên cơ sở dạy nghề gắn với nhu cầu thị trường. Thực tế hiện nay, các cháu học xong không thể xin được việc. Mục tiêu chúng ta đặt ra đúng nhưng tổ chức thực hiện lại chưa được” – đại biểu Trần Ngọc Vinh nói.
 
Năng suất lao động đúng là thấp, nhưng có phải thấp nhất thế giới?
 
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đánh giá tình hình kinh tế từ góc nhìn xã hội. Theo ông Bùi Sỹ Lợi, khó khăn của kinh tế lúc này là do phải gánh quá nặng các vấn đề xã hội. Ví dụ, chính sách người có công: Năm 2012 chi trả 25.000 tỷ đồng; năm 2013 chi 30.000 tỷ, 2014-32.000 tỷ… “Những nội dung này không thể đánh giá được bằng năng suất lao động. Tổng chi cho an sinh xã hội của chúng ta là 18% GDP” – ông Bùi Sỹ Lợi nói.
 
Bộ Kế hoạch-Đầu tư, Tổng cục Thống kê đưa ra con số thống kê tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam là 1,84%, thấp nhất thế giới và cả khu vực. “Về phương pháp có con số này là không sai, nhưng nếu áp dụng với đặc điểm của thị trường lao động Việt Nam lại không chuẩn” – ông Bùi Sỹ Lợi nói.
 
Nói rõ hơn cách tính của Tổ chức Lao động thế giới (ILO), ông Bùi Sỹ Lợi cho biết: ILO điều tra trong 7 ngày, hoàn toàn người lao động không có việc làm nhưng bản thân muốn làm việc và đang đi tìm việc làm. Các nước thì 90% trong quan hệ lao động, chỉ lấy tổng lao động chia cho lao động không có việc làm để ra tỷ lệ thất nghiệp chung. Nhưng chúng ta lại có 47% lao động trong nông nghiệp, chiếm cơ cấu GDP chỉ 18%, cho nên, khi cộng hai chỉ số trong quan hệ lao động và phi chính thức chia cho tổng số lao động trong nền kinh tế quốc dân nên tỷ lệ thấp.
 
Trong một báo cáo của ILO cũng nói là năng suất lao động của Việt Nam thấp nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đặt câu hỏi: Câu chuyện này có đúng không? Ông Bùi Sỹ Lợi nói: “Phải khẳng định, năng suất lao động của Việt Nam đúng là thấp”.
 
Giải thích cho thực tế này, theo ông Lợi, vì chúng ta hiện nay có 47% lao động trong khu vực nông nghiệp, năng suất khu vực này chỉ bằng 1/3 năng suất lao động trong công nghiệp và bằng 1/4 năng suất lao động trong lĩnh vực dịch vụ. Các nước, tỷ trọng lao động nông nghiệp rất thấp, nhưng tỷ trọng giá trị công nghiệp cao. ILO tính năng suất lao động theo phương pháp: tổng GDP chia cho tổng lực lượng lao động đang làm việc. Nếu Việt Nam lấy tổng GDP chia cho đầu người lao động đang làm việc thì sẽ không đúng vì lao động trong nông thôn của Việt Nam cao. Chia như vậy thì năng suất lao động Việt Nam thấp là đương nhiên.
 
“Năng suất lao động của Việt Nam thấp thật, nhưng thấp nhất hay thấp ở mức nào thì phải tính lại. Nếu tính năng suất lao động trong khu vực công nghệ thông tin của Việt Nam thì chúng ta lại có thể đứng ở thứ hạng cao. Nếu chúng ta tính theo phương pháp này thì sẽ rất bi quan về vấn đề kinh tế-xã hội” – ông Bùi Sỹ Lợi nói.
 
Trong báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế xã hội năm 2014, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng: Tỷ lệ thất nghiệp chung giảm nhưng thực chất là do lao động ở khu vực chính thức phải chuyển sang làm việc trong khu vực phi chính thức, nhiều lao động thiếu việc làm, không có việc làm thường xuyên, thu nhập thấp và thiếu ổn định. Năng suất lao động xã hội thấp và có xu hướng tăng chậm lại. Nhiều ý kiến cho rằng với thực trạng nền kinh tế và tình hình doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong những năm qua nhưng số liệu liên quan đến việc làm, thất nghiệp không có biến động lớn là chưa phản ánh đúng thực tế, cần đánh giá thực chất hơn, làm rõ mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế, khó khăn của các doanh nghiệp với chỉ tiêu việc làm, thất nghiệp.
 
Theo VOV