Vẫn còn tình trạng lơ là, chủ quan

Trên địa bàn tỉnh, đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 2.494 hộ, 471 xóm, 159 xã, 18 huyện. Tổng số lợn đã tiêu hủy 10.436 con (chiếm hơn 1% tổng đàn lợn của tỉnh), tổng trọng lượng 480.640 kg.

Dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp, không theo một quy luật nhất định, đặc biệt tại một số huyện như: Yên Thành, Đô Lương, Quỳnh Lưu, Diễn Châu.

bna_chot_tai_xom_14_dien_my_khong_mot_bong_nguoi_anh_qa8040488_562019.jpgNhiều chốt kiểm dịch không có người trực diễn ra tại một số địa phương trong thời gian qua. Ảnh:Tư liệu

Nguyên nhân dịch bệnh phát sinh và lây lan do: Một số địa phương chủ quan, lơ là, thiếu các biện pháp quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch; Một số hộ chăn nuôi còn xem thường dịch bệnh, chưa triệt để thực hiện nguyên tắc “5 không”;

Trên địa bàn tỉnh, chăn nuôi nhỏ lẻ là chủ yếu nên khó khăn trong công tác kiểm soát vận chuyển, buôn bán lợn và sản phẩm lợn; Thói quen sử dụng nước ao, hồ, sông, kênh mương chưa qua xử lý để cho lợn uống, tắm rửa, vệ sinh chuồng trại; các chất thải của quá trình chăn nuôi không được xử lý và lưu trữ tại hầm biogas hoặc hầm trữ lắng mà xả thải trực tiếp ra môi trường;

Việc giết mổ, buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn tại vùng dịch chưa được kiểm soát triệt để theo quy định; Công tác khử trùng tiêu độc chưa đảm bảo, còn trông chờ vào nguồn hóa chất Nhà nước cấp mà chưa chủ động mua hóa chất, vôi bột để khử trùng; Vi rút gây bệnh DTLCP có sức đề kháng cao, tồn tại lâu trong môi trường; hiện chưa có vắc-xin tiêm phòng và thuốc điều trị bệnh nên nguy cơ dịch bùng phát và lây lan ra diện rộng rất cao. 

Nội dung văn bản.

Tập trung chỉ đạo quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch

Trước tình hình đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố, thị xã coi nhiệm vụ phòng, chống bệnh DTLCP là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của các cấp ủy Đảng, chính quyền và người chăn nuôi trong thời điểm hiện nay và thời gian tới. Huy động cả hệ thống chính trị, quyết liệt trong chỉ đạo, với phương châm “phòng là chính” và “chống dịch như chống giặc”; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cấp huyện tăng cường đôn đốc, kiểm tra cơ sở. Chỉ đạo các xã, phường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch: giám sát, báo cáo dịch; lập chốt, trực chốt; cấm buôn bán thịt lợn rong, vỉa hè, tăng cường công tác khử trùng, tiêu độc trong quá trình tiêu hủy...

Chỉ đạo các đoàn liên ngành tăng cường kiểm tra, kiểm soát vận chuyển, giết mổ, kinh doanh lợn, sản phẩm của lợn trên địa bàn; phát hiện và xử lý nghiêm các chủ hàng vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn bệnh, không rõ nguồn gốc; phương tiện không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y.

Thành lập mới, hoặc rà soát bố trí vị trí hợp lý các chốt kiểm tra, kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩn lợn theo đúng quy định. Thường xuyên kiểm tra chấn chỉnh hoạt động của các chất đảm bảo thực hiện đúng yêu cầu kỹ thuật; bố trí hố sát trùng theo hướng dẫn của ngành Thú y.

Chiếc xe cải tiến chở lợn vào địa bàn phường Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai) bị lực lượng chức năng yêu cầu dừng xe. Ảnh:Tư liệu

Chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT (phòng Kinh tế), Trạm Chăn nuôi và Thú y phối hợp với chính quyền cấp xã tổ chức giám sát chặt chẽ, phát  hiện sớm, báo cáo kịp thời, xử lý tiêu hủy lợn bệnh theo đúng hướng dẫn của cơ quan thú y; thực hiện quản lý và kiểm soát giết mổ tại các cơ sở giết mổ đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh, khử trùng phòng dịch, ngoài hóa chất được Nhà nước hỗ trợ các chủ hộ chăn nuôi cần mua thêm hóa chất, vôi bột để khử trùng tiêu độc chuồng trại, lối đi, cổng ra vào trại, khuyến cáo người chăn nuôi không sử dụng nước sông, ao, hồ, kênh, mương chưa qua xử lý để tắm lợn, vệ sinh chuồng trại, cho lợn uống; chỉ sử dụng nước máy hoặc nước giếng khoan đã qua xử lý; các trang trại lớn thực hiện triệt để các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học bảo vệ đàn lợn, đặc biệt đàn lợn giống để tái đàn sau khi hết dịch.

Thực hiện nghiêm việc quản lý giết mổ lợn, tiêu thụ sản phẩm từ lợn, kiểm soát vận chuyển lợn theo các hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và PTNT.

Nhiều địa phương chưa thực hiện nghiêm việc kiểm soát giết mổ lợn trong vùng dịch. Thịt lợn bày bán không có dấu kiểm dịch của cơ quan thú y. Ảnh:Tư liệu

Chủ động bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống dịch; hỗ trợ kinh phí cho UBND các xã, chi trả thù lao hợp lý cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch... Chủ tịch UBND cấp huyện trực tiếp chỉ đạo đánh giá công tác chống dịch, thiệt hại do bệnh DTLCP gây ra và chịu trách nhiệm về thời gian hoàn thành hồ sơ hỗ trợ, số liệu tiêu hủy; thực hiện công khai chính sách, mức hỗ trợ trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại xóm, xã.

Địa phương nào chủ quan, không quyết liệt trong chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống dịch để xây ra việc cơ sở giám sát dịch bệnh kém, báo cáo dịch chậm; lơ là trong việc lập chốt, trực chốt, tháo dỡ chốt khi địa phương đang có dịch; bán rong thịt lợn; tiêu hủy lợn không đúng quy định... để dịch lây lan ra diện rộng, khó kiểm soát, chủ tịch UBND cấp huyện đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh...