Thành phố Vinh thực hiện đợt
cách ly xã hộilần 2 trong năm 2021 này đã tròn 20 ngày và 14 ngày phong tỏa toàn bộ các khu dân cư với quan điểm "ai ở đâu, ở yên đó", trong thời gian này đường phố vắng lặng lạ thường.
Đêm xuống, ngoài lực lượng chuyên môn làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát, một số cán bộ, công nhân viên làm nhiệm vụ thiết yếu trở về muộn, thì chỉ còn lại các công nhân môi trường đô thị là vẫn trải đều trên khắp các con phố dọn dẹp vệ sinh như những ngày thường.
Cả một tuyến phố dài, ngày thường rất tấp nập, những công nhân môi trường đô thị có khi vừa làm việc, vừa phải chú ý không để xe tông trúng thì nay vắng ngắt và sâu hun hút. Ảnh: Tiến Đông Chị Cao Thị Lý, công nhân Đội 4, làm nhiệm vụ trên tuyến đường Nguyễn Sỹ Sách cho biết, những ngày thành phố cách ly, đường vắng tanh, không phát sinh lượng rác tại các nhà hàng, khách sạn, nhưng rác tại khu dân cư lại tăng lên. Bình thường mỗi ngày chị bắt đầu vào ca lúc 18h30 đến khoảng 0h30 thì quét xong và ngồi đợi xe đến bốc rác đi, đến khi xong việc trở về nhà thì cũng vừa sáng.
Cả một tuyến đường Nguyễn Sỹ Sách kéo dài từ ngã tư Ga Vinhxuống đến điểm giáp với đường Lê Viết Thuật không có một bóng người hay xe cộ đi lại, chỉ mình chị Lý cần mẫn quét dọn từng đoạn đường, hốt từng đống rác.
Cả một tuyến phố dài chỉ có một mình công nhân môi trường đô thị làm việc trong không gian vắng lặng. Ảnh: Tiến Đông "Bình thường thành phố lúc nào cũng tấp nập người đến tận khuya, có khi phải vừa quét vừa chú ý trước sau, nhỡ xe cộ tông vào mình, nhưng mấy ngày nay thì vắng, dù an toàn hơn nhưng cũng có cảm giác heo hút", chị Lý chia sẻ.
Vinh của những đêm cách ly xã hội, dọc theo các tuyến đường, nhà nào cũng cửa đóng then cài từ sớm. Làm nhiệm vụ trên các tuyến đường từ Nguyễn Phong Sắc, sang Phan Đăng Lưu rồi xuống Nguyễn Viết Xuân là chị Lê Thị Bích Hoàn và chị Trần Thị Thảo, cả 2 người được bố trí đi chung 1 tuyến. Tuyến đường này khá dài và vòng vèo nên tiếng là chung tuyến nhưng cả chị Hoàn và chị Thảo mỗi người một đầu quét lại, từ khi lên ca đến khi quét xong, đẩy xe đến điểm tập kết bên cạnh
Trường Đại học SPKT Vinh thì mới gặp nhau.
Sau khi quét và hốt hết rác trên tuyến đường được giao, chị Hoàn và chị Thảo lại phải gom rác về điểm tập kết để chờ xe tải đến bốc đi. Ảnh: Tiến Đông Chị Thảo quê Nam Đàn, thuê trọ ở xã Hưng Lộc, những ngày dịch, tuyến đường mà các chị phụ trách lại nhiều rác sinh hoạt hơn. Đêm nào cũng vài ba chuyến xe tải mới bốc đi hết được. Đường vắng hơn nhưng đêm nào cũng phải 4-5h sáng mới về đến nhà để nghỉ ngơi.
Những ngày TP.Vinh thực hiện
Chỉ thị 16 cao hơn một mức, do ở trọ nên chị Thảo cũng gặp không ít khó khăn trong việc dự trữ thức ăn. Tiếng là ngày nào cũng đi làm nhưng do chợ và các cửa hàng đều đóng cửa, chỉ mua hộ qua khối xóm nên việc chuẩn bị lương thực, thực phẩm cũng gặp đôi chút khó khăn.
Dù thời điểm cách ly xã hội nhưng lượng rác thải sinh hoạt người dân thải ra lại nhiều hơn nên khi hoàn tất công việc, những người công nhân vệ sinh môi trường trở về nhà cũng là khi trời vừa sáng. Ảnh: Tiến Đông Giữa tiếng gầm của chiếc máy múc đang dồn rác về một góc để chờ xe tải đến bốc đi, chị Hoàn bộc bạch, lắm lúc làm trong đêm vắng quá cũng sợ. Dù không phải lực lượng tuyến đầu chống dịch Covid-19nhưng chị em vẫn luôn nhận thức được nghề nghiệp của mình. Làm việc trong đêm những ngày cách ly, đường phố vắng người qua lại, chị em vẫn luôn động viên nhau cố gắng hoàn thành tốt công việc và địa bàn được giao.
Sau khi quét dọn xong tuyến đường mình phụ trách, họ còn phải ở lại chờ xe tải đến bốc rác đi, đồng thời đẩy xe gom rác về điểm tập kết thì mới được ra về. Ảnh: Tiến Đông Ông Phú Văn Phượng - Giám đốc Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An chia sẻ: Thời điểm toàn thành phố Vinh thực hiện cách ly xã hội, để đảm bảo vệ sinh môi trường, công ty cũng phải duy trì lực lượng công nhân với 300 người tại 9 bộ phận, làm nhiệm vụ quét, thu gom và vận chuyển rác đến bãi xử lý.
Vào những ngày cách ly, mặc dù hệ thống nhà hàng, quán ăn đóng cửa nhưng lượng rác vẫn đều như ngày thường với khoảng 320 tấn/ngày đêm. Bên cạnh đó, phía công ty còn cắt cử 1 đội làm nhiệm vụ thu gom rác tại các khu cách ly của thành phố, với khoảng 40 tấn/ngày đêm.
Đêm khuya vắng, chỉ có người công nhân vệ sinh môi trường qua chốt. Ảnh: Tiến Đông Theo ông Phượng, làm việc tại các khu cách ly tập trung là nơi có nguy cơ bị phơi nhiễm cao nên công ty đã phải bố trí 1 đội riêng và được trang bị thêm các phương tiện bảo hộ cần thiết. Đội này cũng được bố trí làm việc độc lập, hạn chế tiếp xúc với các thành viên khác trong công ty. Sau khi thu gom rác tại các điểm cách ly trên địa bàn thành phố, họ được bố trí ăn nghỉ tập trung một nơi nhằm đảm bảo an toàn.
Bên cạnh đó, đối với những công nhân có nhà ở ngoài thành phố, phía công ty cũng đã phải bố trí "3 tại chỗ", thuê nhà nghỉ cho công nhân ăn ở tập trung.
"Mặc dù thời điểm này dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, tuy nhiên chúng tôi xác định, bất kể ngày hay đêm, đội ngũ công nhân môi trường đô thị cũng sẽ hoàn thành nhiệm vụ, làm sạch đẹp đường phố và bảo đảm vệ sinh môi trường, sức khỏe cho người dân, đồng thời vẫn tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch, giữ an toàn cho bản thân và cộng đồng" - ông Phượng nhấn mạnh thêm./.