Báo động tín dụng đen
Trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh cho biết, ông vừa ký lệnh mở đợt cao điểm trấn áp tội phạm kéo dài từ ngày 16/2/2018 đến hết ngày 15/2/2019. Theo mệnh lệnh ra quân, công an các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh sẽ huy động tối đa lực lượng, phương tiện, áp dụng đồng bộ, quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ nhằm đấu tranh trấn áp mạnh mẽ các loại tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự cho nhân dân. Đặc biệt, trong số này có tội phạm liên quan đến tín dụng đen. 
bna_anhh1277528_18122018.jpgGiám đốc Công an Nghệ An báo động về tín dụng đen. Ảnh: Tiến Hùng
“Tình trạng tín dụng đen trên địa bàn Nghệ An hiện nay diễn ra khá phức tạp. Đặc biệt ở các địa phương như TP. Vinh, Yên Thành, Diễn Châu… tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự”, Đại tá Cầu nói và cho hay, trong năm 2018, Công an Nghệ An đã tập trung điều tra, làm rõ 7 vụ liên quan đến tội phạm hoạt động có tính chất tín dụng đen. Đáng kể nhất là việc triệt xóa ổ, nhóm gần 30 đối tượng chuyên cho vay nặng lãi ở thị xã Thái Hòa.
Theo đó, sau 6 tháng xác lập chuyên án, sáng 6/11, gần 100 cảnh sát đồng loạt kiểm tra tại 41 công ty tài chính, tiệm cầm đồ trên địa bàn thị xã Thái Hòa. Quá trình kiểm tra, cảnh sát thu được nhiều tài liệu, phương tiện liên quan đến hoạt động cho vay lãi nặng của gần 30 đối tượng. Trong một thời gian dài, các đối tượng trên bị cho là đã lợi dụng nhu cầu cần tiền gấp của các cá nhân, nên đã dụ dỗ để vay tiền với lãi suất đưa ra cao hơn rất nhiều lần so với lãi suất quy định của Ngân hàng Nhà nước. Số tiền cho vay hàng tháng lên tới hơn 10 tỷ đồng, trong đó số tiền thu lợi bất chính là hơn 1 tỷ đồng. Trong quá trình giao dịch với người vay, các đối tượng đều không ghi lại nội dung lãi suất trên các giấy tờ, khi tất toán thì hủy đốt toàn bộ giấy tờ liên quan.
Được biết, việc thu thập tài liệu, chứng cứ của lực lượng công an gặp nhiều khó khăn vì phần lớn các bị hại ngại cung cấp thông tin cho cơ quan công an vì sợ bị trả thù. Mặt khác, các đối tượng cho vay nặng lãi thường là các đối tượng hình sự cộm cán trên địa bàn. Khi quá hạn trả nợ, chúng thường xuyên đe dọa, khủng bố người vay tiền, làm cho họ hoảng sợ, bán tài sản gia đình hoặc vi phạm pháp luật để có tiền trả lãi.
“Ngoài ra, còn có một số vụ việc liên quan đến tín dụng đen, các đối tượng sau khi cho vay đã đến gia đình người vay để khống chế, cưỡng đoạt. Trong đó công an đã khởi tố 3 vụ xâm phạm chỗ ở, 2 vụ cưỡng đoạt tài sản”, người đứng đầu Công an Nghệ An chia sẻ. 
Kẽ hở pháp luật
Theo tìm hiểu của phóng viên, trong những năm gần đây, hình thức kinh doanh dịch vụ hỗ trợ, tư vấn tài chính phát triển rất nhanh. Nhiều cơ sở, doanh nghiệp dùng những cái tên như “tư vấn tài chính, “hỗ trợ tài chính”... xuất hiện ngày càng nhiều. Trên thực tế phần lớn là núp bóng doanh nghiệp để cho vay nặng lãi. Không ít đối tượng cộm cán thành lập công ty để hợp pháp hóa việc cho vay nặng lãi. 
Hàng loạt tiệm cầm đồ hiện đã chuyển qua hỗ trợ tài chính. Ảnh: Tiến Hùng
“Hiện nay, các cơ sở cầm đồ đang ồ ạt chuyển qua loại hình kinh doanh này để “lách” những quy định của pháp luật về điều kiện an ninh trật tự, đồng thời để đối phó với sự quản lý của lực lượng chức năng”, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 559 cơ sở kinh doanh cầm đồ và 172 cơ sở hỗ trợ tài chính. Trong khi các cơ sở kinh doanh cầm đồ thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện, phải được sự cấp phép của công an thì cơ sở hỗ trợ tài chính lại không nằm trong danh sách này. Chính vì thế, cộng với thủ tục đơn giản, hàng loạt tiệm cầm đồ không đủ yêu cầu để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh trật tự đã ồ ạt chuyển hướng. 
Thủ đoạn đầu tiên mà những đối tượng cho vay nặng lãi sử dụng là thành lập doanh nghiệp vừa để tạo vỏ bọc cho hoạt động kinh doanh vừa để tạo niềm tin với người vay. Các hình thức đăng ký thành lập doanh nghiệp như Công ty TNHH, công ty tư vấn tài chính, dịch vụ đáo nợ ngân hàng… Sau khi lập doanh nghiệp, chúng thường mở rộng các chi nhánh đến nhiều địa bàn để hoạt động.
“Hoạt động của các cơ sở này rất thông thoáng, đôi khi chẳng cần giấy tờ gì vẫn cho vay. Thủ đoạn rất tinh vi, ví dụ như đến vay 10 triệu đồng nhưng bị cắt 2 triệu đồng, người vay chỉ nhận được 8 triệu đồng. Trong khi trên giấy vay lại ghi là 10 triệu đồng và không hề ghi lãi suất bao nhiêu”, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu nói và cho hay, công an xác minh, có nhiều vụ việc lãi suất lên đến 300%. Nhưng do lãi suất này chỉ là thỏa thuận miệng giữa 2 bên, không ghi trên giấy tờ vay nên không thể xử lý, mặc dù luật hình sự quy định lãi cao gấp 5 lần Ngân hàng Nhà nước là đủ khởi tố. 
Ngoài ra, những cơ sở này còn có một thủ đoạn tinh vi khác nữa đó là hình thức cầm đồ trá hình. Người dân khi muốn vay tiền chỉ cần mang giấy tờ xe, tài sản của mình đến cơ sở cho vay và viết giấy bán xe cho chủ cơ sở theo số tiền cần vay. Sau đó người vay để giấy tờ xe lại và vẫn được sử dụng chiếc xe với hình thức thuê lại xe. Hàng tháng người vay phải trả một số tiền lãi suất nhất định theo thỏa thuận nhưng cao hơn rất nhiều lần so với lãi suất của ngân hàng và được trá hình dưới danh nghĩa trả tiền thuê xe. 
Một nhóm đối tượng cho vay nặng lãi bị bắt giữ ở thị xã Thái Hòa. Ảnh: Tiến Hùng
Tình hình tín dụng đen đang ngày càng diễn biến phức tạp, nhưng hiện nay vẫn chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào để quy định cụ thể về hoạt động kinh doanh dịch vụ tư vấn, hỗ trợ tài chính. Các loại hình này hoạt động trên cơ sở Quyết định số 337/QĐ-BKH năm 2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Theo đó, chủ thể đăng ký kinh doanh có thể thực hiện các hoạt động như trợ giúp trung gian tài chính trong các hoạt động thỏa thuận và giải quyết các giao dịch tài chính, tư vấn và môi giới thế chấp… Tuy nhiên, với những quy định chung chung như vậy, không khó để những kẻ cho vay nặng lãi tìm ra kẻ hở nhằm “lách luật”. “Trước khi cơ quan chức năng ban hành những quy định cụ thể hơn, hợp lý hơn, chúng ta cần phải tuyên truyền để người dân tránh xa tín dụng đen”, Giám đốc Công an Nghệ An nói.