Tín dụng đen trong vòng xoáy tội phạm
Giám đốc Công an tỉnh: Báo động tình trạng buôn người, tín dụng đen
Ngày 11/12/2018, ông Nguyễn Chí Công – Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An ký Công văn số 459/LĐLĐ-CSPL về việc tuyên truyền phòng ngừa ngăn chặn hoạt động tín dụng đen trong công nhân lao động.
Theo Liên đoàn Lao động Nghệ An, thời gian qua, lợi dụng khó khăn về tài chính của công nhân lao động, nhất là công nhân tại các khu công nghiệp, nạn cho vay nặng lãi (tín dụng đen) đang hoành hành với những chiêu thức tinh vi.
Đã có nhiều công nhân lao động là nạn nhân của tín dụng đen, phải vay với lãi suất rất cao, thành con nợ không có khả năng thanh toán, bị hăm dọa, đánh đập, thậm chí phải bỏ trốn đi nơi khác hoặc nghỉ việc về quê.
Để bảo vệ quyền lợi của đoàn viên, công nhân lao động, góp phần giữ vững ANTT trên địa bàn, Liên đoàn Lao động tỉnh đề nghị các cấp công đoàn trong tỉnh nắm chắc tình hình tín dụng đen trong công nhân lao động, kịp thời thông tin giúp công nhân hiểu rõ về phương thức, thủ đoạn và tác hại của tín dụng đen để công nhân lao động biết, cảnh giác và tố giác, không để tín dụng đen làm ảnh hưởng đến việc làm, cuộc sống của công nhân lao động.
“Công đoàn các cấp cần thực hiện hiệu quả chương trình phúc lợi đoàn viên, trong đó cần quan tâm, chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, công nhân lao động như tiền lương, tiền thưởng, bữa ăn, nhà ở, nhà trẻ, có chính sách hỗ trợ đoàn viên, công nhân lao động nghèo gặp hoàn cảnh khó khăn”, công văn nêu.
Liên đoàn Lao động tỉnh cũng yêu cầu công đoàn các cấp chủ động báo cáo với cấp ủy, phối hợp với chính quyền, các ngành chức năng cùng cấp để có những biện pháp hiệu quả ngăn chặn triệt để tệ nạn tín dụng đen.
Trong thời gian qua, Báo Nghệ An đã có nhiều chuyên đề, bài viết cảnh báo về tình trạng tín dụng đen diễn biến phức tạp gây mất an ninh, trật tự ở nhiều địa phương. Hoạt động này núp bóng sau các doanh nghiệp với các tên gọi như “tư vấn tài chính”, “kinh doanh dịch vụ tư vấn tài chính”, “tư vấn, hỗ trợ đầu tư, tài chính”, “cho vay tài chính”, “hỗ trợ tài chính”….
Khi người dân vay tiền không trả được, chúng dùng các thủ đoạn như đánh đập, khủng bố, đe dọa tinh thần, xúc phạm danh dự, bắt cóc… để đòi tiền. Nhiều người dân đã phải bán đất, cắm sổ đỏ, vay ngân hàng… để trả nợ, thậm chí phải bỏ nhà đi trốn.
Tại kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVII, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cũng cảnh báo tình trạng này và cho rằng, có người dân có những lúc vay nợ đến 300%, trong khi đó theo quy định của Luật hình sự vay quá 5 lần ngân hàng thì khởi tố. Nhưng quá trình cho vay chúng dùng thủ đoạn tinh vi, chỉ đến khi người đi vay bị khủng bố, đe dọa tính mạng mới báo với cơ quan chức năng biết.
“Trong năm 2018, Công an tỉnh điều ra làm rõ 7 vụ tội phạm có liên quan đến tín dụng đen và đang mở rộng điều tra vụ án này. Để kịp thời phát hiện xử lý nghiêm minh, đề nghị nhân dân cử tri hết sức cảnh giác hành vi dịch vụ hỗ trợ tài chính, đồng thời đề nghị hệ thống ngân hàng tạo điều kiện vay vốn cho người dân”, Đại tá Cầu phát hiểu.