bna___mai_hoa_98929672_2892018.jpgPhó trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Trần Đình Toàn chủ trì cuộc làm việc. Ảnh: Minh Chi

Thời gian qua, Công an tỉnh được giao chức năng quản lý Nhà nước đối với các cơ sở kinh doanh, ngành nghề có điều kiện và đã tích cực chỉ đạo triển khai các quy định của Nhà nước liên quan đến quản lý các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT.

Ngành Công an cũng đã quan tâm cải cách hành chính trong công tác cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT. Công tác thanh tra, kiểm tra, phòng ngừa các nguy cơ về ANTT, gắn với xử lý vi phạm để đảm bảo răn đe.

Toàn tỉnh hiện có 3.124 cơ sở kinh doanh thuộc 16/23 nhóm ngành nghề có điều kiện về an ninh, trật tự theo Nghị định số 96/2016 của Chính phủ đã được cấp giấy chứng nhận.

Trong đó lĩnh vực kinh doanh khí hóa lỏng có số lượng lớn nhất với 1.100 cơ sở; tiếp đó là kinh doanh lưu trú với 879 cơ sở; kinh doanh cầm đồ 559 cơ sở; kinh doanh karaoke 345…  

Tính từ 1/7/2016 đến 1/7/2018, ngành Công an đã thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất 8.314 lượt đối với cơ sở kinh doanh ngành nghề có điều kiện về ANTT trên địa bàn tỉnh. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện, lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 1.288 trường hợp vi phạm, với tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng.

Trên cơ sở giám sát tại 4 địa phương và thực tiễn nắm bắt cơ sở, tại cuộc làm việc, một số thành viên đoàn giám sát Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã nêu lên một số tồn tại, mặt trái đang nổi lên trong các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT, đặc biệt là cầm đồ, karaoke, khí hóa lỏng….

Nêu thực tiễn thời gian qua, Tòa án nhân dân tỉnh đã thụ lý một số vụ án cố ý gây thương tích nghiêm trọng liên quan hoạt động dịch vụ karaoke; và đối với dịch vụ cầm đồ có tình trạng cầm cố tài sản do phạm tội mà có, thậm chí là chiếm đoạt tài sản của người cầm cố, ông Hồ Đình Trung – Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh đề nghị ngành Công an có giải pháp để phòng ngừa, răn đe nhằm hạn chế những mặt trái trong các lĩnh vực này.

Liên quan đến lĩnh vực cầm đồ, Thượng tá Nguyễn Văn Tịnh - Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh, thừa nhận, trong hoạt động cầm đồ đang diễn ra tình trạng cầm cố, thế chấp tài sản do phạm tội mà có, cho vay nặng lãi, chiếm đoạt tài sản người cầm cố, thế chấp của chủ cơ sở cầm đồ.

Tuy nhiên, theo Thượng tá Nguyễn Văn Tịnh, do thủ đoạn tinh vi của chủ các cơ sở cầm đồ và về phía người dân chưa tố giác, cho nên ngành Công an khó để xác minh và xử lý.

Đai tá Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Giám đốc Công an tỉnh thừa nhận, các cơ sở kinh doanh, ngành nghề có điều kiện là lĩnh vực nhạy cảm và tiềm ẩn nguy cơ mất ANTT. Ảnh: Minh Chi

Cũng giải trình về các vấn đề mà các thành viên đoàn giám sát quan tâm, Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Giám đốc Công an tỉnh, khẳng định, các cơ sở kinh doanh, ngành nghề có điều kiện về ANTT là những lĩnh vực nhạy cảm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ vi phạm ANTT, đồng thời liên quan đến nhiều ngành.

Vì vậy, bên cạnh trách nhiệm của lực lượng Công an đề nghị các ngành như Sở Y tế, Sở Văn hóa – Thể thao, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương cũng có trách nhiệm trong công tác quản lý cũng như tích hợp thanh tra, kiểm tra, tránh nhiều đoàn kiểm tra đối với một chủ thể trong năm.

Liên quan đến mặt trái của dịch vụ cầm đồ, Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng kiến nghị ngành ngân hàng cần nghiên cứu để, bên cạnh đảm bảo an toàn về tài chính, nhưng cũng cần phải đơn giản hóa điều kiện, thủ tục để mọi người dân có nhu cầu về tài chính được tiếp cận và đáp ứng được, từ đó hạn chế việc người dân tìm đến các cơ sở cầm đồ để vay tiền.

Về phía các cơ quan chức năng cần nghiên cứu các điều kiện để hạn chế tối đa việc cấp phép hoạt động đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT, gắn với có chế tài để chấm dứt các trường hợp có dấu hiệu hoặc vi phạm.

Phó trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Trần Đình Toàn đề nghị Công an tỉnh đặc biệt tăng cường quản lý các dịch vụ có nguy cơ vi phạm ANTT cao như cầm đồ, karaoke, kinh doanh khí hóa lỏng. Ảnh: Minh Chi

Phát biểu tại cuộc làm việc, bên cạnh ghi nhận sự nỗ lực của Công an tỉnh trong công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này, Phó trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Trần Đình Toàn cũng chỉ ra một số khó khăn, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, đề nghị Công an tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra nghiệp vụ đối với Công an các huyện nhằm quản lý tốt hơn hoạt động này.

Khẳng định biện pháp nhắc nhở, phòng ngừa và răn đe là chính, Phó trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh đề nghị Công an tỉnh tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT.

Đề cập đến từng lĩnh vực cụ thể, Phó trưởng ban Trần Đình Toàn đề nghị Công an tỉnh đặc biệt tăng cường quản lý các dịch vụ có nguy cơ vi phạm ANTT cao như cầm đồ, karaoke, kinh doanh khí hóa lỏng, đảm bảo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật.