(Baonghean) - Sự hấp dẫn không thể cưỡng lại của mạng xã hội khổng lồ facebook đã mê hoặc hàng chục ngàn, hàng trăm triệu, và bây giờ là hàng tỷ người trên hành tinh hồ hởi nhập cuộc.
Và, những người giỏi kiếm tiền “thính hơi” lắm. Họ ngay lập tức chứng minh sự tinh tường trong khả năng ấy bằng việc nhìn rõ mồn một cái lượng khách hàng tiềm năng vô cùng hùng hậu trên facebook; đương nhiên là họ cũng chả khờ dại gì mà bỏ phí nó. Tất nhiên, không có lý do nào để ngăn cản sự ra đời của những “tay” bán hàng ở cái chốn “cho chộ chả cho chạm” này. Thế là “chợ phây” ra đời! Không tên gọi, không “ban quản lý”, không thuế má cũng chả cần tìm kiếm mặt bằng, thật đơn giản, quá đơn giản, lập facebook xong là bán, bán và… bán!
Rất có thể sẽ bị coi là hồ đồ nếu lấy facebook mà đi so với một cái chợ làng! Nhưng quả thực ai còn nghi ngờ thì cứ ngược trở lại những ngày “khai trương” của nó xem thử, không khác nhau là mấy. Ban đầu cũng chỉ một vài người thưa thớt, mấy món hàng lèo tèo cùng với dăm câu mời chào dè dặt. Tưởng sự khởi đầu èo uột như kia sẽ sớm đón nhận tiếng trống vãn hồi ấy thế mà chỉ trong một thời gian không thể ngắn hơn, nó lan nhanh đến chóng mặt, nó phổng phao đến ngỡ ngàng và nó bành trướng đến choáng ngợp. Giờ thì hầu như ai cũng có thể trở thành người bán hàng trên facebook! Cơ hội vàng cho họ có thể đưa tất cả những gì muốn bán lên “phây”. Sim thẻ điện thoại, có ngay! Đồ diện tử, đồ gia dụng, bất động sản, ô tô xe máy, xăm hình, giúp việc, thời trang, cây cảnh, gà chọi, xem bói, cao xương chó, gia sư kiêm cầm đồ, thực phẩm chức năng, tuyển sinh du học… có tất! Thậm chí thỉnh thoảng còn xuất hiện cả kẻ “rao” bán thân… giá cạnh tranh!
Khác với sự khắc nghiệt nhưng mạch lạc của chợ “trời”, ít ai ngờ ma lực của “chợ phây” lại nằm chính ngay cái tù mù của nó. Tù mù về giá, tù mù về chất lượng, tù mù về nguồn gốc, tù mù cả về người bán, ấy thế mà thật ngạc nhiên, thiên hạ vẫn cứ hồn nhiên “xuống tiền” để mua say sưa! Nghe nói có người cuồng tín đến mức tuyên bố “nói không” với chợ… ngoài đời thường! Rầm rộ nhất có lẽ là sự vào cuộc của dân buôn bán “nghiệp dư”. Ai vậy? Tạm gọi họ là “đội” làm thêm! Nhiều lắm, đa dạng lắm, viên chức có, công nhân có, công chức có và cả cán bộ cũng có nốt.
Phần đông trong số họ buôn bán bằng… bàn phím! Không vốn, không kinh nghiệm, quan trọng là không… sợ thua lỗ! Công việc đầu tiên và cũng là thường xuyên của họ là “lên phây” tìm mối hàng giá sỉ, rồi lại “lên phây” tìm người mua lẻ với giá mà cao hứng lên họ sẵn sàng tuyên bố “rẻ nhất trái đất”. Thế rồi rao tíu rao tít nào là chất lượng tuyệt hảo, nào là số lượng có hạn, nào là mua một tặng một, nào là free ship (giao hàng miễn phí) vân vân và vân vân… “Chú” nào nhẹ dạ thì mời chuyển tiền vào tài khoản trước cho “chị”! Xong rồi thì chỉ việc “a lô” cho bên cung cấp hàng, tựa như thao tác của một “cầu truyền hình trực tiếp”, xấu tốt mặc bây tiền thầy bỏ túi! Càng ngày “chợ phây” càng phát triển cả phía người bán lẫn kẻ mua. Dạo này cứ lên dòng thời gian thế nào mà chả gặp kiểu như “Các mợ ơi hàng mới về rồi nhé, đang có chương trình khuyến mãi giảm đến 70%, nhanh tay lên nào”. Mở hộp tin nhắn thì lại “Xin lỗi vì đã làm phiền, bên em bán sim đẹp phong thủy…”. Bây giờ thì còn có cả các fanpage dạy cách bán hàng trên facebook nữa! Mà có “chợ” thật, nào là “Chợ đồ cũ” “Chợ mẹ và bé”, “Chợ Nghệ An - Hà Tĩnh”… Nhiều không kể xiết!
Bên cạnh những người bán hàng có thể nói là chân chính thì đội quân “treo đầu dê bán thịt chó” cũng lũ lượt kéo nhau vào kiếm chác. Lợi dụng sự cả tin của một bộ phận khách hàng họ tuồn hàng giả, hàng kém chất lượng mà đại diện tiêu biểu nhất có lẽ là thực phẩm chức năng và mĩ phẩm làm đẹp ra thị trường. Người bán thì cứ thoải mái lên gân lên cốt cam kết chất lượng bằng… bàn phím, còn người mua nhỡ vướng phải “bồ hòn” đành ngậm đắng chứ muốn kêu thì chỉ có cách duy nhất là bắc thang lên… trời!
Không thể phủ nhận sự ưu việt của loại hình kinh doanh mới mẻ này. Nó giàu tiện ích, nó tiết kiệm hàng loạt chi phí, nó góp phần giảm tải không gian vật chất cho thị trường. Trên thế giới việc bán hàng qua mạng đã nhận được được sự ủng hộ của nhiều quốc gia, và không ít hãng bán lẻ đã thành công với loại hình tiên tiến này.
Từ tháng 5/2013 Chính phủ đã có Nghị định số 52/2013/NĐ-CP “Về thương mại điện tử”, năm 2014 Bộ Công Thương cũng đã ban hành Thông tư 47/2014/TT-BCT quy định về quản lý website thương mại điện tử… Tuy nhiên, thực trạng “chợ phây” như thế nào chắc ai cũng đã rõ. Trong điều kiện của nước ta, những lỗ hổng chưa thể se khít trong ngày một ngày hai của các quy định hiện hành, thì việc quản lý kinh doanh qua mạng vẫn là bài toán không quá phong phú lời giải. Trật tự thương mại bị xáo trộn, chữ “tín” trong đạo đức kinh doanh bị chà đạp, ngân sách bị thất thu, quyền lợi người tiêu dùng bị bỏ ngỏ… Nhiều hệ lụy khác vẫn tiềm ẩn trong cái “chợ phây” này mà sớm hay muộn gì cơ quan quản lý cũng phải ra tay chấn chỉnh. Phải “thuần hóa” nó thôi, đã đến lúc không thể “thả rông” loại hình bán hàng này được nữa!
Nguyễn Khắc An