(Baonghean) Với nhiệm vụ bảo vệ tính mạng và tài sản người dân các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên, một phần Nghi Lộc, Thị xã Cửa Lò, Thành phố Vinh cùng tuyến đường sắt Bắc - Nam và Quốc lộ 1A nên nhất cử nhất động của tuyến đê Tả Lam phần đê 42 (đoạn từ k58 - k91) đều khiến những người làm công tác PCLB và mỗi người dân trong vùng đặc biệt quan tâm. Từ đầu năm đến nay, tuyến đê tiếp tục được đầu tư để tăng khả năng phòng chống lũ trong mùa mưa bão sắp tới.
Thực hiện kế hoạch duy tu bảo dưỡng đê điều năm 2012, từ đầu tháng 4 đến nay, Chi cục Đê điều và PCLB tỉnh đã triển khai nhiều hạng mục duy tu tuyến đê Tả Lam như: tu sửa, đắp sạt lở mái đê, xử lý ổ gà cơ đê đoạn từ k58 - k91; xử lý tổ mối thân đê đoạn từ k55 - k104+200; làm phai qua đê bằng bê tông ở xã Hưng Châu đoạn k84+450; sửa chữa 2 dốc qua đê bằng bê tông ở các xã Hưng Xá và Hưng Phú; chỉnh trang đê Hưng Xuân đoạn từ k76 - k76+050; khoan phụt vữa gia cố đê đoạn từ k84+450 - k87+600; sửa chữa bong xô kè Hưng Xuân, Hưng Lợi, Hưng Khánh…
Công nhân Công ty CP Xây dựng Thủy lợi 2 khoan phụt chống thấm đê 42 đoạn qua xã Hưng Lợi (Hưng Nguyên)
Có mặt trên tuyến đê vào một ngày hạ tuần tháng 7, chúng tôi cảm nhận rõ không khí lao động khẩn trương của tập thể cán bộ, công nhân Công ty CP Xây dựng Thủy lợi 2 khi đơn vị này đang tập trung khoan phụt vữa gia cố đê 42 trên chiều dài hơn 3km đoạn qua xã Hưng Lợi (Hưng Nguyên). Ông Hồ Minh Tùng, cán bộ kỹ thuật công ty cho biết, bắt tay thi công từ ngày 4/7 đến nay, đơn vị đã khoan phụt vữa sét xi măng xong 254/354 hố khoan và phấn đấu đến hết tháng 8 thì hoàn thành. Xác định được nhiệm vụ quan trọng trong việc đảm bảo an toàn cho tuyến đê nên chúng tôi tranh thủ tối đa thời gian để hoàn thành trước mùa mưa bão chính vụ.
Được UBND tỉnh phê duyệt dự án từ giữa tháng 7/2010 nhưng phải đến đầu tháng 4 vừa rồi, tuyến kè chống sạt lở bờ tả sông Lam đoạn từ xã Hưng Khánh đến xã Hưng Nhân (Hưng Nguyên) mới được triển khai xây dựng. Với chiều dài 1.677m, kè có kết cấu đỉnh bằng bê tông cốt thép mác 200, tiếp theo là đường kiểm tra kết hợp đường dân sinh bằng bê tông vữa rộng 1m. Anh Vũ Thanh Tuyến, cán bộ kỹ thuật liên doanh nhà thầu Công ty CP Xây dựng Thủy lợi 2 và Công ty CP Đại Cát Thành cho biết, sau gần 4 tháng tích cực thi công, đến nay, dự án kè chống sạt lở bờ tả sông Lam đoạn từ xã Hưng Khánh đến xã Hưng Nhân đã hoàn thành lát mái phần khung phía trên với chiều dài 1.150/1.677m (đạt 65% khối lượng xây lắp). Nhà thầu phấn đấu hoàn thành các hạng mục vượt lũ trước ngày 20/8 và hoàn chỉnh dự án trong năm 2012.
Theo anh Phạm Viết Phú, cán bộ giám sát chủ đầu tư công trình (Chi cục Đê điều), hàng năm, cứ đến mùa mưa lũ là sông Lam lại "nuốt" hàng ngàn khối đất bãi của các xã Hưng Nhân, Hưng Khánh. Dự án hoàn thành không chỉ bảo toàn diện tích đất bãi trồng màu cho các địa phương này mà còn góp phần quan trọng trong việc hộ đê 42.
Ngược theo tuyến đê Tả Lam đoạn từ cầu Bến Thủy đến xã Nghi Thái (Nghi Lộc) do Hạt quản lý đê Vinh đảm trách, bà Trần Thị Việt Hà - Hạt trưởng cho biết, sau 3 mùa lũ gần đây, mái đê Tả Lam đoạn từ k92+287 - k103+142 bị sụt lở nặng, nhiều chỗ nước xói thành rãnh sâu. Được sự quan tâm của Trung ương và tỉnh, từ cuối năm 2011 đến tháng 4 vừa qua, Chi cục đã hoàn tất xử lý các sự cố bằng việc đầm nện lại đất, lót vải địa kỹ thuật, đá dăm và ghép cấu kiện bê tông đúc sẵn.
Theo ông Nguyễn Hữu Nhung - Phó Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và PCLB tỉnh, trong số 68,2km chiều dài tuyến đê Tả Lam (tuyến cấp III) có 33km đê 42 chạy qua địa bàn 2 huyện Nam Đàn và Hưng Nguyên. Nhiều năm qua, tuyến đê này được bồi trúc, tu bổ, thay thế các cống xung yếu; tu sửa và làm mới nhiều hệ thống kè bảo vệ bờ; tôn cao, mở rộng đê làm giảm các đoạn xung yếu. Đặc biệt, Dự án đường ven sông Lam đã nâng cao trình, mở rộng và nhựa hoá cơ đê. Tuy nhiên, để đối phó với diễn biến phức tạp, khó lường của bão, lũ thì việc tiếp tục triển khai các công trình phòng vệ từ xa hay kịp thời xử lý các sự cố sạt, sập mái đê do các ẩn hoạ hay do mưa phải luôn được chú trọng.
Cũng theo lãnh đạo Chi cục Đê điều và PCLB tỉnh, trên tuyến đê 42 hiện có các trọng điểm xung yếu: Hưng Xuân, Hưng Phú - Hưng Khánh (trọng điểm loại I), Hoà Lạc và Hưng Lợi (trọng điểm loại II). Mục tiêu của tỉnh và ngành là bằng mọi cách giữ cho đê được an toàn, không vỡ khi làm việc ở mức nước lũ thiết kế. Trong điều kiện mức nước có khả năng vượt mức lũ thiết kế thì tập trung chống tràn, đồng thời di dời dân theo phương án PCLB và tìm kiếm cứu nạn của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.
Tích cực tu bổ đê Tả Lam
Xuân Hải