Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII tiến hành sáng nay 11/11, đã thông qua các Nghị quyết quan trọng.
Tham dự kỳ họp có các đồng chí: Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các huyện, thành, thị xã.
bna_img_40268987053_11112019.jpgĐồng chí Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh: Cao Thị Hiền và Hoàng Viết Đường điều hành kỳ họp. Ảnh: Thành Duy

Tránh cào bằng về chính sách hỗ trợ

Tham gia thảo luận vào dự thảo Nghị quyết về chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách và các đối tượng khác dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, sáp nhập xóm, khối, bản trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2019 - 2021, các đại biểu HĐND tỉnh đồng tình về chính sách đối với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã do UBND tỉnh xây dựng.

Tuy nhiên, liên quan đến chính sách người hoạt động không chuyên trách cấp xóm đã có 9 đại biểu có ý kiến nêu lên những băn khoăn về nguyên tắc xây dựng chính sách và mức hỗ trợ. Các đại biểu Võ Thị Minh Sinh (Quỳ Hợp), Hoàng Nghĩa Hùng (Nam Đàn), Trần Xuân Quang (Nghi Lộc) băn khoăn khi dự thảo chính sách hỗ trợ đang cào bằng một mức chung theo từng chức danh mà chưa tính đến số năm cống hiến và cũng chưa tính đến người kiêm nhiệm nhiều chức danh ở khối, xóm, bản.

Đại biểu Võ Thị Minh Sinh cho rằng, chính sách cần đảm bảo công bằng, tránh cào bằng giữa các đối tượng. Ảnh: Mai Hoa

Theo các đại biểu, nếu thực hiện một mức chung như dự thảo, người mới chỉ đảm nhận chức danh ở khối, xóm, bản 1 - 2 năm cũng giống như người có 10, 15, 20 năm cống hiến; người kiêm nhiệm nhiều chức danh cũng giống như người chỉ đảm nhận một chức danh là chưa công bằng, thỏa đáng với sự cống hiến của đội ngũ này. Một số đại biểu cũng cho rằng, chính sách cần quy định cụ thể theo phân loại xã, xóm; người đảm nhận công tác ở xóm liên tục.

Giải trình ý kiến các đại biểu HĐND tỉnh, các đại biểu Phan Đức Đồng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Vinh, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh; Giám đốc Sở Nội vụ Lê Đình Lý và nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Xuân Đại cho rằng, cần thống nhất về mặt nhận thức, đây là chính sách hỗ trợ chứ không phải là "món quà tặng" của tỉnh dành cho đội ngũ dôi dư do sắp xếp, sáp nhập để tính toán cho đúng sự cống hiến và sự gánh vác công việc của đội ngũ này ở xóm.

Mặt khác căn cứ vào nguồn ngân sách có thể cân đối và so sánh với các tỉnh trong khu vực đã ban hành chính sách này thì Nghệ An đảm bảo ngang hoặc cao hơn; đặc biệt là Nghệ An có thêm chính sách hỗ trợ cho các chức danh Trưởng ban công tác Mặt trận, Bí thư chi đoàn thanh niên, Chi hội trưởng các đoàn thể: phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh, người cao tuổi.
Đồng chí Phan Đức Đồng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Vinh, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh trao đổi về chính sách hỗ trợ cho cán bộ xã, xóm nghỉ việc sau sáp nhập. Ảnh: Thành Duy

Chính sách hỗ trợ chứ không phải là "quà tặng"

Thay mặt UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý phát biểu làm rõ thêm căn cứ xây dựng chính sách được tính toán trên cơ sở cân đối nguồn lực của tỉnh và trong điều kiện ổn định ngân sách, nhưng giai đoạn 2016 - 2020 liên tục thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy đã tạo sự bị động.

Tuy nhiên, tỉnh đã cố gắng xây dựng chính sách trên cơ sở cân đối nguồn lực tỉnh đang rất khó khăn và tham khảo các tỉnh bạn để bố trí nguồn lực một cách hợp lý nhất cho cán bộ dôi dư do sắp xếp, sáp nhập.

Mặt khác cần phải nhận thức rõ đây là chính sách hỗ trợ đối với tình huống “đột xuất” do thực hiện chủ trương sắp xếp, sáp nhập của Trung ương. Nghĩa là chính sách thực hiện ở thời điểm thực hiện sắp xếp, sáp nhập và không thể tính đến đầy đủ các vấn đề kiêm nhiệm nhiều chức danh; lâu năm, ít năm; theo phân loại xã, xóm…

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý phát biểu về dự thảo nghị quyết chính sách hỗ trợ cho cán bộ xã, xóm nghỉ việc do sáp nhập. Ảnh: Thành Duy

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý nhấn mạnh quan điểm xây dựng chính sách phải tạo được sự đồng thuận và người thụ hưởng hiểu đúng mục đích, ý nghĩa của chính sách; vì vậy, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể các cấp cần vào cuộc tuyên truyền rộng rãi để cán bộ và nhân dân đồng thuận.

Phát biểu ý kiến về dự thảo Nghị quyết này, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Sơn cho rằng, những ý kiến phản ánh của các đại biểu HĐND tỉnh đều thể hiện sự trăn trở, trách nhiệm, sâu sát thực tiễn để HĐND tỉnh có cái nhìn tổng thể, đưa ra quyết định sáng suốt nhất.

Công chức xã Hưng Lĩnh (huyện Hưng Nguyên) tư vấn định hướng thị trường xuất khẩu lao động cho người dân. Ảnh: Mai Hoa

Việc xây dựng chính sách này, quan điểm của Thường  trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND tỉnh, ngoài các quy định của Trung ương, tỉnh có mở rộng thêm đối tượng hỗ trợ, mặc dù nguồn ngân sách tỉnh khó khăn nhằm đảm bảo tốt nhất chính sách cho cán bộ dôi dư do sáp nhập.

Và chính sách ban hành phải đảm bảo có nguồn lực để thực hiện, tránh chính sách ban hành “đẹp” nhưng không thực hiện được, vì vậy mong các đại biểu HĐND tỉnh đồng thuận và cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách và các đối tượng khác dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, sáp nhập xóm, khối, bản trên địa bàn tỉnh chia sẻ.

Các đại biểu thông qua nghị quyết. Ảnh: Thành Duy
Cũng tại kỳ họp, HĐND tỉnh đã biểu quyết thông qua 3 Nghị quyết khác, gồm: 

Nghị quyết quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT trong các cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước thuộc tỉnh Nghệ An.

Nghị quyết về hỗ trợ kinh phí khuyến khích các xã, phường, thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế đến năm 2020.

Nghị quyết về việc bãi bỏ Khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 274/2009/NQ-HĐND ngày 23/7/2009 của HĐND tỉnh về việc thông qua chính sách khuyến khích xuất khẩu lao động

Mức hỗ trợ

1. Hỗ trợ một lần đối với cán bộ, công chức cấp xã, ngoài hưởng các chính sách tinh giản biên chế theo quy định tại Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014, Nghị định số 113/2018/NĐ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ và các chính sách khác theo quy định của pháp luật thì được hỗ trợ 3 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi.

a, Bao gồm cán bộ, công chức cấp xã đủ 55 tuổi trở lên đối với nam, đủ 50 tuổi trở lên đối với nữ, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên; cán bộ, công chức cấp xã đủ 50 tuổi trở lên đối với nam, đủ 45 tuổi trở lên đối với nữ, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên, trong đó có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên.

b) Hỗ trợ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bằng 01 tháng tiền lương hiện hưởng đối với các trường hợp thôi việc ngay.

TT

Chức danh

Số tiền hỗ trợ

(nghìn đồng)

1

Bí Thư chi bộ và Trưởng xóm, khối, bản.

4.500

2

Công an viên (Kiêm xóm phó)

4.000

3

Thôn đội trưởng

3.000

4

- Tổ trưởng tổ bảo vệ dân phố (kiêm Khối phó)

2.700

- Tổ viên tổ bảo vệ dân phố

1.600

5

- Y tế xóm, bản: tại các xã khó khăn(theo quy định của nhà nước)

2.500

- Y tế xóm, bản ở các xã còn lại

1.600

2. Hỗ trợ một lần đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và xóm, khối, bản dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và sáp nhập xóm, khối, bản như sau:

a) Đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn: Ngoài chế độ, chính sách được hưởng theo quy định của pháp luật hiện hành, được hỗ trợ mỗi năm công tác bằng 01 tháng phụ cấp hiện hưởng (hỗ trợ tối đa không quá 15 tháng);

b) Đối với người hoạt động không chuyên trách ở xóm, khối, bản: Được hỗ trợ số tiền cụ thể cho từng chức danh như sau:

3. Hỗ trợ một lần đối với Ủy viên thường trực MTTQ, Ủy viên thường vụ các đoàn thể cấp xã; Trưởng Ban công tác mặt trận, chi hội trưởng các đoàn thể chính trị- xã hội, chi hội trưởng Hội người cao tuổi ở xóm, khối, bản được hỗ trợ số tiền cụ thể cho từng chức danh như sau:

TT

Chức danh

Số tiền hỗ trợ

(nghìn đồng)

1

Ủy viên Thường trực UBMTTQ và Ủy viên Thường vụ các đoàn thể ở cấp xã

2.000

2

Trưởng ban công tác Mặt trận xóm, khối, bản

1.400

3

Chi hội trưởng các đoàn thể chính trị - xã hội và Chi hội trưởng Hội người cao tuổi xóm, khối, bản

1.200