Sáng 26/4, Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 4. Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc.
Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Đình Long - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các Ban của HĐND tỉnh và một số sở, ngành liên quan.
"CHỐT" HAI NỘI DUNG CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN
Tại cuộc làm việc, để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII, dự kiến được tổ chức vào tháng 7/2022; trên cơ sở tổng hợp đề xuất của các Ban HĐND tỉnh và các đại biểu thuộc các lĩnh vực kinh tế - ngân sách, văn hóa – xã hội, pháp chế, dân tộc, Văn phòng Đoàn ĐBQH – HĐND tỉnh đã đề xuất Thường trực HĐND tỉnh lựa chọn 2 nội dung để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp.
Trên cơ sở đó, Thường trực HĐND tỉnh đã thống nhất lựa chọn 2 nội dung tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XVII gồm:
Kết quả thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi kinh tế và phát triển kinh tế - xã hội và chính sách an sinh xã hội, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp trong thời gian tới
Công tác lập, quản lý quy hoạch xây dựng và quản lý trật tự xây dựng - thực trạng, nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp trong thời gian tới.
Nhấn mạnh về tiêu chí lựa chọn nội dung chất vấn và trả lời chất vấn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An Nguyễn Nam Đình nhấn mạnh căn cứ quan trọng nhất là vấn đề cử tri và đại biểu quan tâm; không lấy lĩnh vực, ngành làm tiêu chí chất vấn.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An cũng đề xuất nghiên cứu cách thức tổ chức phiên giải trình và chất vấn. Theo đó, có thể xem xét vào các năm sau không đưa nội dung chất vấn và trả lời chất vấn vào nội dung kỳ họp thường lệ của HĐND tỉnh, mà tổ chức vào kỳ họp chuyên đề nhằm mở rộng thành phần tham gia và giảm tải cho các kỳ họp.
Cũng liên quan đến công tác chuẩn bị cho kỳ họp thứ 6 của HĐND tỉnh, tại cuộc làm việc, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Nghệ An Chu Đức Thái đề cập đến việc chi trả tiền lương cho giáo viên hợp đồng theo Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BGDĐT-BTC-BNV, Hướng dẫn thực hiện chi hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non bị ngừng thực hiện.
Liên quan đến nội dung này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long cho biết, UBND tỉnh sẽ trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về vấn đề này nhằm chi trả lương cho giáo viên thuộc diện trên.
Trong thời gian đó, ngay từ tháng 2/2022, UBND tỉnh đã giao Sở Tài chính ban hành hướng dẫn sơ bộ tạm thời chi trả cho các đối tượng giáo viên trên, chủ yếu từ nguồn ngân sách Nhà nước, cùng với đó có nguồn sự nghiệp giáo dục và nguồn từ đơn vị thuê giáo viên.
Liên quan đến việc thực hiện các chính sách, biên chế cho giáo viên mầm non hiện nay còn nhiều bất cập, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi đề nghị giao Ban Văn hóa - Xã hội giám sát chuyên đề để báo cáo Thường trực HĐND tỉnh.
Kết luận cuộc làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý - Chủ tịch HĐND nhấn mạnh, liên quan 2 nội dung Thường trực HĐND tỉnh thống nhất tổ chức chất vấn và trả lời chất tại kỳ họp thứ 6, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở LĐ-TB&XH và Giám đốc Sở Xây dựng sẽ đăng đàn trả lời. Do đó, cần sắp xếp thời gian hợp lý để phiên chất vấn và trả lời chất vấn đạt kết quả cao, đảm bảo yêu cầu đề ra.
Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An cũng giao Ban Văn hóa - Xã hội tổ chức khảo sát chuyên đề chế độ, chính sách, biên chế của giáo viên mầm non và tổng hợp báo cáo Thường trực HĐND.
Tại phiên làm việc Thường trực HĐND tỉnh đã nghe và cho ý kiến về công tác chuẩn bị phục vụ phiên giải trình tháng 5/2022.
Theo đó, Thường trực HĐND tỉnh sẽ nghe báo cáo của UBND tỉnh về kết quả triển khai thực hiện Thông báo Kết luận số 219/TB-HĐND.TT ngày 8/10/2021 về tình hình cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh.
Sau đó, tổ chức phiên giải trình về công tác quản lý và sử dụng tài sản công sau sáp nhập địa giới hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh từ ngày 1/1/2019 đến nay.
Để xem xét, đánh giá thực trạng công tác quản lý và sử dụng tài sản công sau sáp nhập địa giới hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh, phục vụ phiên giải trình tháng 5/2022, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức đoàn khảo sát về tại xóm 1, xã Quỳnh Mỹ, Trường Tiểu học và THCS Quỳnh Mỹ, khối 11, thị trấn Cầu Giát (Quỳnh Lưu); UBND thị trấn Nam Đàn, khối Phan Bội Châu và khối Quang Trung (thị trấn Nam Đàn); UBND xã Đại Đồng (Thanh Chương) và làm việc với UBND các huyện: Quỳnh Lưu, Thanh Chương, Nam Đàn.
Liên quan đến nội dung tổ chức giải trình, đồng chí Thái Thanh Quý - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị trong phiên giải trình cần mời mở rộng thành phần tham gia, đặc biệt là lãnh đạo UBND các đơn vị cấp huyện để nâng cao hiệu quả phiên giải trình.
Về việc tổ chức hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động HĐND giữa Thường trực HĐND tỉnh với Thường trực HĐND các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh thống nhất sẽ chủ trì giao ban theo cụm. Cũng trong phiên làm việc, Thường trực HĐND tỉnh đã nghe và cho ý kiến kết quả hoạt động tháng 4, nhiệm vụ tháng 5/2022.