Tham gia cuộc làm việc có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh: Nguyễn Như Khôi - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh và Thái Thị An Chung - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đại diện lãnh đạo UBMTTQ tỉnh, các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra tỉnh, Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam.
Chấm dứt hiệu lực 91 dự án đầu tư
Báo cáo từ các sở, ngành tại cuộc làm việc cho thấy, giai đoạn 2016-2021, Nghệ An đã thu hút tổng 739 dự ánvới tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 107 nghìn tỷ đồng và diện tích sử dụng đất khoảng 48.500 ha.
Kết quả thu hút, triển khai và đưa vào hoạt động các dự án đầu tư, nhất là các dự án quy mô lớn đã tạo động lực phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm và đóng góp quan trọng vào nguồn thu ngân sách của tỉnh.
Song song với tạo điều kiện, hỗ trợ, đồng hành với các chủ đầu tư triển khai các dự án, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các sở, ngành phối hợp với các địa phương rà soát, kiểm tra tiến độ triển khai các dự án.
Từ năm 2016 đến năm 2019, UBND tỉnh đã ban hành 5 quyết định thành lập đoàn liên ngành kiểm tra các dự án trên địa bàn tỉnh. Tổng kiểm tra là 489 lượt dự án; tổng số dự án kiểm tra là 391, trong đó có 258 dự án đã được giao đất, cho thuê đất và 133 dự án chưa được giao đất, cho thuê đất.
Có 80 dự án được tạm dừng để rà soát lại quy hoạch có liên quan; hoặc tạm ngừng thực hiện để xử lý vấn đề môi trường, xử lý tài sản công; hoặc giao các sở, ngành, địa phương kiểm tra xử lý, làm việc lại với nhà đầu tư; yêu cầu nhà đầu tư rà soát, báo cáo…
Riêng 22 dự án được kiểm tra năm 2021, hiện đang được UBND tỉnh xem xét phương án xử lý.
Những tồn tại cần quan tâm
Bên cạnh khẳng định sự quan tâm rà soát, kiểm tra, xử lý các dự án đầu tư chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh của UBND tỉnh, các sở, ngành và địa phương, vấn đề được đặt ra tại cuộc làm việc là trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều dự án có dấu hiệu chậm tiến độ, dự án sử dụng đất không đúng mục đích nhưng chưa được kiểm tra, xử lý kịp thời, gây bức xúc trong dư luận Nhân dân.
Vẫn còn nhiều dự án gia hạn, giãn tiến độ thực hiện, nhưng quá thời gian gia hạn, giãn tiến độ vẫn chưa triển khai, hoàn thành dự án. Việc xử lý các dự án được thu hồi đặt ra một số bất cập, khó khăn.
Phân tích nguyên nhân chậm tiến độ ở nhiều dự án hiện nay, bên cạnh năng lực tài chính của nhà đầu tư, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư; đại diện một số sở, ngành cũng thẳng thắn thừa nhận việc thẩm định năng lực tài chính của nhà đầu tư thời gian qua còn bất cập, chủ yếu đang trên “giấy tờ”. Trong khi đó, việc thực hiện quy định về ký quỹ trong hoạt động đầu tư để đảm bảo các dự án đầu tư thực chất đang còn lúng túng, bất cập.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, quy định thời gian thực hiện dự án đầu tư chưa phù hợp với thực tế. Ví như dự án đô thị, nhà ở có diện tích hàng chục, hàng trăm héc ta với nhiều hạng mục đầu tư, nhưng thời gian quy định chỉ trong vòng 24 tháng tính từ thời điểm giao đất trên thực địa là không khả thi.
Một số sở, ngành cũng nêu, tính đồng bộ về quy định pháp luật chưa đảm bảo, như thời hạn xác định dự án chậm tiến độ hiện nay, Luật Đầu tư và Luật Đất đai đang có quy định khác nhau. Mặt khác, việc xử lý các dự án được thu hồi, nhất là xử lý tài sản đã được đầu tư đang có những khó khăn, vướng mắc…
Cần thay đổi tư duy trong thu hút đầu tư
Kết luận tại cuộc làm việc, đồng chí Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đề nghị các sở, ngành rà soát, thống kê tổng các dự án và tổng nguồn vốn đầu tư của các dự án treo, chậm tiến độ, dự án sử dụng đất sai mục đích, trên cơ sở đó nhằm đánh giá chính xác nguồn lực đầu tư xã hội và giá trị sản xuất bị lãng phí từ các dự án này để xử lý quyết liệt hơn.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cũng đề nghị các sở, ngành phân loại cụ thể địa bàn, lĩnh vực và nhóm dự án treo, dự án chậm tiến độ, dự án sử dụng đất không đúng mục đích; phân tích rõ nguyên nhân để có giải pháp, biện pháp cụ thể đối với từng dự án.
Đánh giá, làm rõ mối quan hệ phối hợp giữa các ngành, giữa các ngành với địa phương và doanh nghiệp trong rà soát, xử lý các dự án treo, chậm tiến độ, sử dụng đất không đúng mục đích.
Thời gian tới, các sở, ngành cần chủ động và tăng cường kiểm tra việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư theo chức năng, nhiệm vụ của mình; coi đây là hoạt động thường xuyên, tránh tình trạng khi cần hoặc khi được giao mới tiến hành kiểm tra. Quá trình kiểm tra, tham mưu đề xuất xử lý các dự án với quan điểm là phải đúng quy định pháp luật.
Mặt khác, các sở, ngành cần nghiên cứu để tham mưu UBND tỉnh sửa đổi việc thực hiện ký quỹ trong hoạt động đầu tư đảm bảo chặt chẽ và có hiệu lực, góp phần thúc đẩy việc triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn trong thời gian tới.
Đồng chí Nguyễn Nam Đình cũng đưa ra quan điểm: Cần thay đổi tư duy trong thu hút đầu tư, không thu hút đầu tư bằng mọi giá và không chạy theo số lượng về dự án mà cần tập trung thu hút các dự án đầu tư lớn; có thể đi chậm, nhưng phải đảm bảo chắc, dự án thu hút đầu tư đều triển khai.