Việt Nam được đánh giá có tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất thế giới, với 35% mỗi năm, gấp 2,5 lần Nhật Bản.
Tại hội thảo chuyên đề "Doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs), khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và năng động trong khu vực APEC", các đại biểu đưa ra tầm quan trọng của công nghệ và đổi mới sáng tạo đối với MSMEs
Theo đó, Tiến sĩ Huỳnh Huy Hoà - Phó giám đốc Viện nghiên cứu và phát triển kinh tế xã hội Đà Nẵng cho rằng, các doanh nghiệp ứng dụng internet và công nghệ tăng trưởng nhanh gấp 2,1 lần so với đơn vị không dùng. Các MSMEs chi hơn 30% ngân sách cho công nghệ thì tăng doanh thu gấp 9 lần với các doanh nghiệp chi dưới 10%.
Ngoài ra, theo ông Hoà các dự báo cho thấy thương mại điện tử toàn cầu sẽ tăng từ 230 tỷ USD trong 2014 lên 1.000 tỷ USD năm 2020. "Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất thế giới, với tốc độ 35% mỗi năm, gấp 2,5 lần so Nhật Bản. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp", ông nói.
Tại hội nghị, các chuyên gia cho rằng, khu vực APEC đang kết nối mạnh hơn bao giờ hết với vai trò thống trị của công nghệ thông tin. Trong đó, có 3 tỷ người đang kết nối internet trong các nền kinh tế APEC. Con số này dự kiến sẽ đạt 5 tỷ người với 50 tỷ thiết bị kết nối vào năm 2025.
Đại diện Quỹ Đầu tư Venture Capital cũng chia sẻ, các doanh nghiệp khởi nghiệp trong khu vực khá giống nhau, đều gặp khó khăn trong việc "huy động vốn xã hội", nhất là huy động cho các tổ chức từ thiện. Đồng thời, chính sách, thủ tục hành chính của một số nước là một "rừng thông tin" rối rắm và phức tạp. Nếu không biết rõ ràng ngay từ đầu, nhóm MSMEs này sẽ bị đẩy vào nền kinh tế ngầm, phi chính thống, Chính phủ sẽ thất thu thuế, các chính sách quản lý kinh tế vĩ mô sẽ gặp sai số lớn.
Ông Hoàng Văn Dũng - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC, Phó Chủ tịch VCCI, cho biết sẽ kêu gọi sự tham gia tích cực hơn nữa của các thành viên APEC trong việc mở rộng các dịch vụ tài chính, các kênh phân phối nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp Fintech phát triển.
Theo VNN