(Baonghean.vn) - Nhân sự kiện Alibaba, tập đoàn thương mại điện tử của tỷ phú Jack Ma vừa mua lại trang bán hàng online số 1 Việt Nam Ladaza, chúng ta bàn về câu chuyện thương mại điện tử Việt Nam – một sân chơi tiềm năng nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro.
Người giàu cũng khóc
Việt Nam hiện nằm trong top 20 quốc gia có tỷ lệ người dùng Internet cao nhất thế giới. Khoảng một phần ba dân số Việt Nam thường xuyên sử dụng Internet, nghĩa là các doanh nghiệp thương mại điện tử đang sở hữu một thị trường đầy tiềm năng với 30 triệu khách hàng. Ấy thế mà một loạt tên tuổi lớn trên thế giới như Foodpanda, Zalora hay thậm chí cả Lazada đều gặp khó ở Việt Nam và phải ‘rao bán chính mình’.
Tạm bỏ qua startup (khởi nghiệp) của những trang thương mại điện tử nhỏ bé, ngay cả các ‘ông lớn’ với nguồn vốn mạnh mẽ cũng chưa thu được nhiều lợi nhuận từ kinh doanh trực tuyến ở Việt Nam. Tâm lý người tiêu dùng; hạn chế về khả năng thanh toán; khó tìm nguồn cung cấp đang khiến cho hầu hết các hãng thương mại điện tử phải thu hút người dùng bằng những chiến lược giảm giá, tung tiền để chiếm thị phần. Nhưng việc tự bỏ tiền ra giảm giá để lôi kéo người dùng là một con dao hai lưỡi.
Trong năm 2015, deca.vn, beyeu.com và nhiều trang web khác tung ra ‘nhan nhản’ mã code khuyến mãi giảm giá cho khách hàng để có được một thị phần nhất định - chính những trang web này cuối cùng đều đóng cửa. Deca.vn là sản phẩm của 24h, beyeu.com là một dự án lớn của Project Lana và webtretho - dường như những ‘ông lớn’ này cũng không đủ vốn để ‘chịu nhiệt’ dành thị phần. Rất nhiều trang nổi tiếng khác như Cucre hay Ohrequa cũng nhanh chóng biến mất khỏi thị trường sau những “sản phẩm giá shock”.
Hiện tại, Adayroi, website thương mại điện tử với sự hậu thuẫn từ tập đoàn hùng mạnh Vingroup có vẻ cũng đang đi theo con đường trên. Adayroi đang đạt được những bước đầu khả quan khi người dùng đua nhau chia sẻ những mã code giảm giá. Đặc điểm của người Việt Nam là không ‘trung thành’ với một nhà bán lẻ hay một website thương mại điện tử nào, cứ ai bán rẻ là mua. Nhưng liệu Vingroup sẽ để Adayroi “bán máu” đến bao giờ, hay sẽ phải rút chân khỏi sân chơi thương mại điện tử? Dù vậy nhưng có vẻ như giảm giá để chiếm thị phần vẫn đang là giải pháp duy nhất cho các doanh nghiệp.
Hy vọng từ Alibaba
Trong thương mại, vốn là yếu tố cực kỳ quan trọng nhưng chưa đủ để thành công trong thương mại điện tử, mà đòi hỏi ý tưởng và sự sáng tạo của doanh nghiệp. Liệu Alibaba có thể mang đến những điều này cho sân chơi thương mại điện tử ở Việt Nam sau khi thế chân Lazada? Jack Ma đã sáng lập nên đế chế thương mại điện tử lớn nhất thế giới từ số vốn cực kỳ ít ỏi nên rất có thể ông sẽ đem đến câu trả lời cho những bế tắc hiện tại của thương mại điện tử Việt.
Đó là vấn đề về lòng tin người tiêu dùng với tâm lý sợ bị lừa khi mua hàng trực tuyến, thói quen thanh toán bằng cách nhận hàng trước trả tiền sau (COD – Cash on Delivery) đem đến nhiều rủi ro cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, còn có những khó khăn đến từ nhà cung cấp, từ phía giao hàng, từ sự cạnh tranh khốc liệt…
Rõ ràng bài toán này hoàn toàn không đơn giản và cần những ý tưởng, những bước đi đột phá. Sân chơi thương mại điện tử Việt Nam có lẽ chỉ dành cho những người giàu, nhưng không phải giàu về vốn mà giàu về ý tưởng.
Thanh Hiền