(Baonghean.vn) - Nếu như thương mại điện tử đã khẳng định được vị thế xu hướng trong thương mại thế giới và ở Việt Nam thì tại Nghệ An, người kinh doanh và người tiêu dùng cũng đã manh nha biết đến hình thức kinh doanh mới mẻ này thông qua cái tên có phần 'dân dã' hơn: 'chợ' online.
Sôi động diễn đàn mua, bán online
Hàng ngày, việc không thể thiếu của chị Cao Tú Quyên (phường Hưng Dũng, TP.Vinh) là tranh thủ 'lướt mạng' mua sắm trên các 'chợ' online. Không mất thời gian di chuyển, có thể tranh thủ bất kỳ lúc rảnh rỗi nào trong ngày, đa dạng mặt hàng lựa chọn từ những vật dụng nhỏ nhất đến món hàng có giá trị lớn,...đó là những tiện ích khiến khách hàng 'mê mẩn' với 'chợ' online.
Chị Quyên cho biết: "Mình 'nghiện' đi chợ online vì thuận tiện, chỉ cần chọn hàng, liên hệ với người bán và nhận hàng, việc giao dịch mua bán trở nên không thể dễ dàng hơn kể cả với những người bận rộn. Thường thì mình hay mua quần áo, mỹ phẩm, đồ gia dụng và các loại thực phẩm quê... trên các diễn đàn Hội Mẹ và bé, chovinh.com. Mặc dù mua hàng trên mạng vẫn mang tính rủi ro do chất lượng 'hên, xui' nhưng giá cả mềm hơn bên ngoài nên chỉ cần có kinh nghiệm là ổn".
Với các mẹ 'bỉm sữa', không ai không biết đến Hội chợ dành cho Mẹ và bé Nghệ An – Hà Tĩnh. Đây là một hình thức 'chợ' online nơi người dùng có thể rao bán hoặc tìm mua các món hàng, dịch vụ theo nhu cầu. Chị Trương Thương Hoài (Hà Huy Tập. TP Vinh) (facebook: Truong Thuong Hoai) là một “tiểu thương online” gắn bó với 'chợ' Mẹ và bé hơn 3 năm nay. Nhờ những tiện ích của hình thức kinh doanh online này mà chị vừa đảm bảo công việc của một nhân viên công ty du lịch, vừa kiếm thêm thu nhập từ kinh doanh các mặt hàng đồ gia dụng trên 'chợ' online.
Chị Hoài cho biết: "Buôn bán online này vừa không mất phí thuê mặt bằng nên giá cả cạnh tranh, lại cập nhật hàng hóa, quảng bá, kết nối với khách hàng rất nhanh và hiệu quả. Hơn nữa, mình có thể linh động thời gian giao dịch với khách hàng nên tiện cho cả đôi bên. Khi đã tạo được niềm tin cho khách hàng về chất lượng sản phẩm, việc kinh doanh của mình khá thuận lợi; mỗi ngày bán được trung bình từ 20- 25 sản phẩm đồ gia dụng (doanh thu khoảng 2 triệu đồng/ ngày)."
Hiện tại ở Nghệ An các diễn đàn trao đổi thông tin mua bán, 'chợ' online phát triển khá mạnh như: chovinh.com, raovatnghean.vn, raovatvinh.com, chodocu.info…
Chovinh.com đang là một trong những diễn đàn phát triển mạnh, hiện mỗi ngày có tới 20 nghìn lượt truy cập. Trung bình mỗi ngày có khoảng 150 tin VIP (hiển thị ở giao diện chính) được đăng lên. Còn tin rao vặt miễn phí thì trung bình khoảng 8-10 giây có một tin mới đăng lên.
Ông Đặng Đình Hoàng – Quản trị chovinh.com cho biết: “Diễn đàn là cầu nối người bán và người mua không chỉ trong tỉnh mà còn kết nối với các tỉnh thành trên cả nước và một số nước châu Á. Trên diễn đàn còn tạo các box như: hội từ thiện, hội phượt, hội thể thao … là nơi những người cùng chung sở thích, thú vui gặp gỡ giao lưu. Để phát huy được những tính năng hữu dụng của kênh thông tin mua bán này, chúng tôi đã cài đặt một bộ lọc để kiểm soát nội dung thông tin; loại bỏ những thông tin buôn bán những mặt hàng cấm, vi phạm pháp luật, đảm bảo lợi ích người tiêu dùng”. |
Bắt kịp xu hướng thương mại điện tử
Nhiều doanh nghiệp tại Nghệ An cũng không đứng ngoài 'cơn lốc' xu hướng mang tên thương mại điện tử. Ông Nguyễn Kim Cương – Giám đốc Công ty CP Phát triển Công nghệ Redsand - chuyên cung cấp các giải pháp công nghệ số cho doanh nghiệp cho biết: “Số lượng doanh nghiệp có nhu cầu xây dựng và quản lý trang web đến với công ty chúng tôi ngày càng lớn, tăng khoảng 2-3 lần so với 2 năm trước."
Ở Nghệ An, doanh nghiệp có sử dụng kênh online là công cụ hỗ trợ kênh bán hàng truyền thống khá hiệu quả có thể kể đến một số “ông lớn” như: hongha.asia, hc.com.vn; thegioididong.com, trananh.vn…
Tuy nhiên, những doanh nghiệp kinh doanh điện tử hiệu quả tại Nghệ An như những cái tên nêu trên còn chưa nhiều - tương phản với sự phát triển sôi động của các diễn đàn mua, bán mang tính tự phát hoặc 'tay ngang'. Tìm hiểu nguyên nhân, có thể nhận định, so với các diễn đàn mua bán, trao đổi thông tin thì việc duy trì một trang web bán hàng riêng cho một nhãn hàng, sản phẩm đòi hỏi sự đầu tư nhiều hơn về mặt dịch vụ.
Anh Phan Anh Trung – Quản lý Cửa hàng thời trang Bravo tại Nghệ An cho biết: “Ngoài 2 shop bán hàng ở thành phố Vinh, chúng tôi còn có các kênh bán hàng online là 2 trang web và 1 trang fanpage. Để duy trì hiệu quả các kênh này, phải cập nhật thông tin đều đặn về các sản phẩm và hỗ trợ tư vấn tạo điều kiện cho khách mua hàng online một cách dễ dàng. Để thu hút khách, chúng tôi cũng có chính sách cho phép khách hàng thử đồ, đổi trả, vừa ý thì mới thanh toán”. Anh cũng cho biết, doanh số bán hàng online chiếm trên 60% doanh số của nhãn hàng này tại Nghệ An.
Ông Hồ Văn Bình – Phó giám đốc Công ty CP Thương mại Điện tử Bình An lại cho rằng khách hàng chưa tạo được thói quen mua hàng online mới là khó khăn lớn nhất: “Mặc dù khách hàng hỏi thông tin sản phẩm nhiều nhưng lượng khách mua hàng qua trang web của công ty rất ít, mỗi ngày chỉ có vài khách hàng. Một phần do thói quen mua hàng theo kiểu truyền thống, mặt khác các mặt hàng điện máy, điện lạnh thường có giá trị lớn nên khách hàng chưa thực sự yên tâm khi mua hàng online”.
Ngoài thói quen của khách hàng, theo ông Nguyễn Kim Cương còn có nguyên nhân từ các doanh nghiệp chưa xây dựng được chiến lược quảng cáo, chăm sóc khách hàng hiệu quả nên chưa khai thác hết lợi thế của thương mại điện tử.
Với các tính năng hữu dụng như: tiết kiệm chi phí, thời gian cho cả người bán và người mua; phá bỏ rào cản về không gian và thời gian trong kinh doanh, thương mại điện tử thực sự là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp. Song song với đó là những thách thức không nhỏ khi đối tượng, mức độ cạnh tranh cũng được mở rộng. Trên “sân chơi” kinh doanh hiện đại đó, một bài toán mới đặt ra cho người bán hàng là chiến lược truyền thông, quảng cáo cũng như dịch vụ chăm sóc khách hàng tối ưu nhằm thu hút và giữ chân khách hàng đến với mình trên 'chợ' online đa hình vạn trạng. |
Nguyệt Minh