Ngày 24/5, Nhà Trắng đăng tải một bức thư mà ông Trump viết cho ông Kim nhằm hủy cuộc gặp thượng đỉnh được nhiều người mong ngóng giữa họ, song đã khôi phục lại nó ngay sau đó 1 tuần.
Cách mà chính quyền Trump đưa ra những quyết định như vậy chính là một minh chứng khác cho thấy sự cư xử của họ trong những tháng vừa qua đã ảnh hưởng thế nào đến uy tín cũng như các đồng minh của Mỹ liên quan đến vấn đề Triều Tiên, và làm lu mờ thực tế rằng ưu tiên hàng đầu của chính quyền nên là những tiến triển thực thụ, chứ không phải là sự phô diễn ở cấp cao.
Kể từ sau tuyên bố hôm 8/3 về một cuộc gặp Trump-Kim, các hoạt động ngoại giao có vẻ trở nên thuận lợi hơn. Đã có những tín hiệu đem lại hy vọng rằng có thể vào lúc này, Triều Tiên thực sự đang làm đúng như những gì họ đã nói.
Kim đã nỗ lực xúc tiến các hoạt động ngoại giao như 2 lần gặp mặt Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổ chức 1 hội nghị thượng đỉnh rầm rộ với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đến Triều Tiên 2 lần và nhấn mạnh rằng Kim Jong-un cũng có chung quan điểm về phi hạt nhân hóa với Mỹ.
Tuy nhiên, bất đồng giữa 2 quốc gia đã trở thành điều không thể chối cãi khi ngày 16/5, Triều Tiên đe dọa rút khỏi cuộc gặp thượng đỉnh nếu Mỹ tiếp tục xúc tiến hình mẫu phi hạt nhân hóa kiểu Libya một cách đơn phương.
Đến ngày 23/5, Trump cho biết có “khả năng thực tế” là hội nghị sẽ không thể diễn ra. Sau đó, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son Hui lại đe dọa hội nghị và chỉ trích Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence vì đã đưa ra hình mẫu phi hạt nhân hóa Libya.
Có vẻ như, chừng nào mà Triều Tiên vẫn nói rằng họ sẽ không đơn giản chấp nhận những yêu cầu của Mỹ về phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược (CVID), thì chính quyền Trump không sẵn sàng chơi trò bóng chày ngoại giao này và sẽ hủy cuộc gặp thượng đỉnh.
Điều này cũng thổi phồng những lo ngại rằng Trump đang quan tâm đến bề ngoài của cuộc gặp hơn là thực chất của nó. Nếu không có được một thỏa thuận lớn được báo chí và Ủy ban Nobel ở Na Uy công nhận là tích cực, thì Trump thà từ bỏ hội nghị này còn hơn. Thêm vào đó, việc phát hành đồng tiền kỷ niệm cho sự kiện này cũng là một ví dụ khác cho việc Trump muốn “tô vẽ” thêm cho màn trình diễn của mình.
Trong khi Trump đang tự vỗ về bản thân về một công việc còn chưa hoàn thành như vậy, ê-kíp của ông lại đang hết sức rối loạn. Trong khi Pence và Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton công khai lên tiếng ủng hộ hình mẫu phi hạt nhân hóa kiểu Libya, còn Pompeo thì có lập trường hòa dịu hơn.
Trump được cho là chưa chuẩn bị đầy đủ cho cuộc gặp và ông ta tin rằng không cần làm điều này. Nếu Trump hủy hội nghị để chỉnh đốn lại ê-kíp của mình, đồng thời phát triển một chiến lược đàm phán, thì quyết định hủy này hẳn sẽ được hoan nghênh. Tuy nhiên, trình tự của các sự kiện cho thấy quyết định này chỉ là vì cái tôi cá nhân ông Trump chứ không phải vì những tiến triển thực sự trên Bán đảo Triều Tiên.
Cách mà Trump hủy cuộc gặp cũng thực sự gây hoang mang. Ông có vẻ đã không tham vấn các lãnh đạo Nhật Bản hay Hàn Quốc trước khi đưa ra quyết định này.
Chẳng hạn, 1 ngày trước khi Trump hủy thượng đỉnh, Pompeo còn gặp gỡ Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono và thảo luận về hợp tác chuẩn bị cho hội nghị. Thêm nữa, Moon cũng phải tiến hành 1 cuộc họp lúc nửa đêm với đội ngũ của mình để thảo luận về bức thư bất ngờ của Trump.
Thực tế, Pompeo đã từ chối trả lời câu hỏi Hàn Quốc có được Mỹ thông báo trước khi tổng thống đưa ra quyết định này hay không. Tất cả những điều trên cho thấy Trump đã đơn phương đưa ra quyết định, gây ảnh hưởng đến các đồng minh của Mỹ.
Nếu Trump thực sự muốn đáp trả những đe dọa từ phía Triều Tiên, ông cần bàn bạc với các đồng minh của Mỹ chứ không phải bỏ rơi họ như vậy. Trong khi Trump đã làm tổn hại đến vị thế của Mỹ trong bất cứ cuộc đàm phán nào trong tương lai với Triều Tiên, Kim lại củng cố được sức ảnh hưởng của mình.
Ông đã có thể hợp tác chặt chẽ trở lại với Trung Quốc sau nhiều năm mối quan hệ song phương xấu đi. Thêm vào đó, chiến dịch trừng phạt kinh tế của Mỹ với Triều Tiên cũng đang suy yếu.
Cuối cùng, khi Mỹ tiếp tục làm suy yếu các mối quan hệ đồng minh của mình, Hàn Quốc khả năng cao sẽ chấp nhận sự cởi mở từ Triều Tiên, điều mà họ có thể từ chối nếu cảm thấy tin tưởng vào bổn phận của Mỹ.
Khi hội nghị đã trở lại đúng quỹ đạo, câu hỏi đặt ra là Trump thực sự đang muốn chơi trò gì? Liệu có phải ông đã sẵn sàng cho một tiến trình ngoại giao dai dẳng và khó khăn, hay ông chỉ đang tìm kiếm một cơ hội để tỏa sáng?
Tuy nhiên, điều thực sự quan trọng không phải là việc Trump và Kim có ngồi với nhau trong một phòng họp hay không, mà là liệu những tiến triển thực thụ có xảy ra trên Bán đảo Triều Tiên hay không. Và để điều này diễn ra, đội ngũ của Trump cần hợp tác chặt chẽ với Nhật Bản và Hàn Quốc để phát triển một chiến lược thống nhất, có thể bảo vệ các lợi ích của Mỹ và đồng minh./.